Gắn bó với phố ông đồ, đường mai đã 9 mùa Tết, có thời điểm Võ Tuấn Xuân Thành kiếm được trăm triệu đồng chỉ sau 2 tuần ngồi cho chữ. Có mặt ở phố ông đồ (Nhà văn hóa Thanh Niên, quận 1) từ sớm, ông đồ Võ Tuấn Xuân Thành (sinh năm 1999) tất bật chuẩn bị mực, cọ, mặc áo dài chỉn chu để đón khách đến xin chữ. Những ngày cận Tết, gian hàng thư pháp của Xuân Thành ở góc phố Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai tấp nập người ra vào. Vừa tập trung lắng nghe yêu cầu của khách, ông đồ trẻ vừa thoăn thoắt phóng bút. Võ Tuấn Xuân Thành đã trải qua 9 mùa Tết cho chữ tại phố ông đồ. Tính đến nay, Xuân Thành đã có 9 mùa Tết túc trực tại phố ông đồ. “Nhiều năm cho chữ, tôi hiểu những câu chúc, lời khuyên mình viết ra mang lại niềm hy vọng và sự may mắn cho người nhận. Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh kéo dài với nhiều mất mát, mọi người càng cần hơn các giá trị tinh thần như thế này. Tôi tự nhủ phải đặt tâm huyết vào từng tác phẩm, mong mang lại niềm vui cho khách hàng trong năm mới”, Thành chia sẻ với Zing. Nghiệp bút nghiên 15 năm trước, tại phố ông đồ Nhà văn hóa Thanh Niên, cậu bé Xuân Thành đã trầm trồ khi lần đầu được tận mắt ngắm các bức tranh thư pháp. Từ tò mò, cậu bắt đầu tìm hiểu, yêu thích rồi xin gia đình được theo đuổi bộ môn này. Sau một thời gian học hỏi và luyện tập, năm 16 tuổi, Xuân Thành trở lại góc phố quen thuộc với vai trò thầy đồ tập sự. “Lần đó, tôi đang giúp các anh chị thư pháp gia khác sửa soạn gian hàng thì có người đến hỏi thăm, ngỏ ý thuê tôi đến quầy của họ viết chữ. Thú thật, lúc ấy chưa có kinh nghiệm nhiều, nét chữ vẫn còn cứng nhưng tôi nhận lời ngay vì muốn biết mình làm được đến đâu”, Thành kể. Mùa Tết năm ấy, Xuân Thành nhận được nhiều lời khen của khách hàng. Ai cũng ngạc nhiên khi một học sinh cấp 3 có thể tạo ra tranh thư pháp có hồn chẳng kém gì nghệ nhân nhiều tuổi. Không những thế, cậu còn được ưu ái gọi bằng biệt danh “ông đồ trẻ tuổi nhất TP.HCM”. Gian hàng thư pháp của ông đồ Xuân Thành tại góc đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). 2 năm tiếp theo, Thành tự tích cóp và mở gian hàng thư pháp của riêng mình. Ở tuổi 18, cậu không ngờ bản thân có thể kiếm được hơn 100 triệu đồng chỉ sau 2 tuần ngồi viết chữ trên phố. “Ban đầu, tôi vui và tự hào khi nhận nhiều lời khen. Tuy vậy, nhiều năm gần đây, tôi trở nên bất an, lo lắng khi người ta chỉ nhớ đến tôi trong hình ảnh thầy đồ nhí dù mình đã lớn hơn. Mục tiêu tôi theo đuổi vẫn là nâng cao trình độ để có tên tuổi trong làng thư pháp Việt”, ông đồ 23 tuổi bộc bạch. Bàn viết và một số sản phẩm tại gian hàng thư pháp của Xuân Thành. Ở tuổi 23, cậu nhận được nhiều lời mời tham gia các triển lãm lớn với sự góp mặt của các thư pháp gia nổi tiếng tại Việt Nam. Không ít sản phẩm của Thành được bán với giá cao. Bên cạnh đó, lớp học viết thư pháp do cậu mở cũng thu hút nhiều học viên từ nhỏ tuổi đến trung niên. “Mỗi ngày tôi đều dành thời gian để luyện tập, càng về sau càng nâng độ khó để thử thách bản thân. Hôm nào xa nhà, không đủ dụng cụ, tôi luyện viết trên app điện thoại. Tôi thật sự yêu và muốn cống hiến cho loại hình nghệ thuật này”, Thành tâm sự. Khách hàng đến tham quan, xem chữ tại gian hàng thư pháp. Ông đồ thuộc cộng đồng LGBTQ+ Thư pháp vốn là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Dù vậy, theo Xuân Thành, vẻ đẹp của thư pháp sẽ càng rực rỡ hơn khi được kết hợp khéo léo với những nét hiện đại. “Nhiều người, kể cả các bạn trẻ, vẫn cho rằng ông đồ phải lớn tuổi, mặc áo dài the, đội mấn, trầm tĩnh và chậm rãi khi viết chữ. Thực chất, thư pháp là một loại hình nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không có giới hạn. Mỗi nghệ sĩ đều có quyền độc đáo, đổi mới theo cách riêng, quan trọng hơn cả vẫn là cách truyền tải nghệ thuật chân chính qua từng tác phẩm”, ông đồ trẻ chia sẻ quan điểm. Xuân Thành mạnh dạn phá bỏ chuẩn mực hình ảnh người viết thư pháp với mái tóc nhuộm tím cùng những tà áo dài nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, Thành còn là một trong số ít thư pháp gia thuộc cộng đồng LGBTQ+. 4 mùa Tết gần đây, ông đồ trẻ trang trí bàn viết với lá cờ lục sắc. Thành cắm cờ lục sắc tại bàn viết. “Hôm trước, một vị khách nước ngoài cũng thuộc cộng đồng LGBTQ+ ghé mua tranh và tặng tôi túi khẩu trang lục sắc. Tôi quý lắm nên ngày nào ra phố cũng đeo. Đến thời điểm hiện tại, tôi tự hào khi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng đam mê nghệ thuật không phân biệt độ tuổi hay giới tính”, Thành bày tỏ. Xuân Thành đang trong quá trình ấp ủ tác phẩm kỷ niệm 15 năm theo đuổi thư pháp. Song song đó, ông đồ trẻ cũng gấp rút hoàn thành bộ sách chia sẻ kiến thức cho những người mới bắt đầu tập viết chữ. “Nhìn lại hành trình vừa qua, tôi biết ơn sự yêu thương của mọi người và mừng vì mình chưa từng bỏ cuộc. Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật, nhất là bộ môn thư pháp”, Thành nói thêm. Ông đồ trẻ ấp ủ nhiều kế hoạch để kỷ niệm 15 năm theo nghiệp bút nghiên. Theo: Zing news