Cậu ấm, cô chiêu Sài Gòn bỏ nhà đi ở trọ ngay… Sài Gòn


Dù nhà ở ngay trung tâm Sài Gòn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đi ở trọ để có những trải nghiệm về cuộc sống sinh viên…

Nhật ký một ngày “quẩy” kiểu sinh viên Mỹ tại SaigonTech

Cận cảnh nghề xe ôm “công nghệ cao” của sinh viên Sài Gòn

Quán quân “Nét đẹp sinh viên Nhân văn” không chỉ đẹp mà còn tài năng

L.N đang tranh thủ đọc sách ở phòng trọ

L.N đang tranh thủ đọc sách ở phòng trọ

Tập sống có trách nhiệm

Trời Sài Gòn buổi trưa nóng như đổ lửa nhưng trong một xóm trọ trên đường D2 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không khí vẫn náo nhiệt. Ở đây chúng tôi gặp Đ.T.V. (sinh viên năm 2 trường ĐH Ngoại Thương), một cô gái Sài Gòn xinh xắn và có cách suy nghĩ khá thú vị.

“Trên 18 tuổi ở nước ngoài thanh niên đều tự lập và rất ít phụ thuộc vào ba mẹ. Việc ở cùng ba mẹ sẽ làm cho hiểu biết về các vấn đề xã hội bị hạn chế, thêm vào đó sự chăm sóc chu đáo từ gia đình cũng không hỗ trợ nhiều cho việc rèn luyện tính tự lập ở người trưởng thành. Chính vì thế em cùng với một người bạn thân quyết định ra ngoài ở trọ một thời gian để trải nghiệm. Dù biết sự khởi đầu nào cũng sẽ gặp khó khăn”, V. chia sẻ.

Cho rằng việc ở trọ là để trải nghiệm cuộc sống nên dù là con nhà giàu nhưng Vy và bạn mình là L.N. (ngụ ngay quận 1, TP.HCM) chỉ chọn thuê ở những xóm trọ bình dân. Với giá 2,7 triệu đồng/tháng ,cặp bạn thân thuê được một căn phòng nhỏ khoảng 18m2 . Không đầy đủ tiện nghi nhưng phòng có cửa sổ, đủ chỗ để kê một chiếc bàn học và hai cái giường đơn xinh xắn. “Em nghĩ diện tích như vậy là đủ để ở thoải mái lại không phải dọn dẹp nhiều”, N. chia sẻ.

Vừa xếp chén, đũa lên chiếc khay nhỏ V. nhớ lại: “Lúc ở nhà được ba mẹ chăm sóc khá kỹ, việc lớn việc nhỏ đều có ba mẹ làm thay. Hơn 18 tuổi mà em chưa từng biết nấu cơm hay giặt đồ… Sau những ‘tai nạn’ ban đầu khi ở trọ như nấu cơm không bật nút, ‘chết khát’ vì đi học về khuya quên mua nước, tới nửa đêm thức dậy thì bình khô, họng cũng khô cháy, tụi em đã trưởng thành hơn, đã biết tự giặt đồ bằng tay, rửa chén bát và chuẩn bị đồ ăn, nước uống sẵn. Hơn nữa chúng em đã có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Khi sống ở ngoài em thấy mình ngày càng chững chạc, biết sống tự lập có thể tự lo lắng chăm sóc cho chính mình”, V. cười.

Một phòng trọ của sinh viên ở Sài Gòn

Một phòng trọ của sinh viên ở Sài Gòn

Bên cạnh đó, cũng có không ít bạn trẻ nhà khá giả cho rằng việc sống chung cùng ba mẹ khá ngột ngạt nên xin tiền gia đình chuyển ra ngoài thuê trọ ở. Trường hợp H.Đ.Ng. (Q.1, TP.HCM): “Em ra ở trọ chỉ đơn giản là để tìm không gian yên tĩnh. Ba mẹ em làm công ty riêng nên rất bận rộn, cả ngày đi làm, đêm về lại thường cãi nhau. Nhiều khi chứng kiến cảnh tượng đó em thấy mệt mỏi, nên nghĩ ra ngoài ở trọ có lẽ sẽ tốt hơn”.

Cũng từ việc đi ở trọ, chứng kiến tận mắt những chật vật của nhiều bạn trọ suy nghĩ của Nguyên thay đổi khá nhiều: “Lúc đầu em cứ nghĩ cuộc sống bên ngoài như một thiên đường còn gia đình mình thì là địa ngục. Tuy nhiên, ở đâu cũng có cái đặc thù riêng. Thấy nhiều bạn trọ chật vật kiếm tiền đóng học phí, trả tiền phòng, nhiều khi còn phải trốn khi tới tháng mà không có tiền đóng trọ. Em đã phần nào hiểu hơn suy nghĩ của ba mẹ. Có lẽ vì vất vả lo cơm áo, gạo tiền, lo cho con cái học hành mà ba mẹ lục đục”.

Sau gần một năm ở trọ Nguyên quyết định trở về nhà, tư tưởng cũng cởi mở hơn: “Em nghĩ khi về nhà điều trước tiên là sẽ sống có trách nhiệm với gia đình hơn. Ngoài việc tự giác học tập còn có thể phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa…”.

Muốn hoàn thiện bản thân

Được bảo bọc quá kỹ ngay từ khi còn nhỏ, ít va chạm thực tế nên khi ở trọ các cậu ấm, cô chiêu gặp phải không ít rắc rối nhưng cũng từ đó giúp các em nhận ra yếu điểm để khắc phục, và hoàn thiện bản thân.

Trường hợp N.C.Ư. (Q.1, TP. HCM), “khi xách ba lô ra khỏi nhà em tuyên bố với ba mẹ một câu xanh rờn: ‘Con đi ở trọ một tháng mới về nhà một lần’. Nhưng chỉ đến ngày thứ 4 em về nhà mếu máo vì phòng trọ nóng như ‘sa mạc’, đêm không ngủ được vì phải loay hoay ‘chữa nóng”.

“Về nhà em kể lể khó khăn trong 4 ngày ở trọ như thể câu chuyện của 4 năm kể hoài mà không hết. Sau đó thì xin tiền ba mẹ để góp mua máy lạnh và một số vật dụng với bạn cùng phòng”, Ư. kể thêm.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau Ư. và bạn cùng phòng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Sau vài lần cãi vã Ư. quyết định chuyển phòng. Vậy là nồi xong, chén bát chia đôi.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thăm sinh viên ký túc xá Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thăm sinh viên ký túc xá Trường ĐH Tôn Đức Thắng

“Lần đầu tiên trong đời em cảm thấy buồn và nản đến vậy. Em chuyển phòng không muốn báo với ba mẹ mà thuê khách sạn ở một mình vài ngày. Ở đây, em có thời gian nhiều để nghĩ lại về bản thân. Dù ở với bạn cùng phòng không lâu nhưng em chợt thấy nhớ những lúc bạn bè vui vẻ với nhau. Nghĩ lại thì chuyện giận nhau không có gì quá lớn nên em nhắn tin xin lỗi bạn cùng phòng. Đó là lần đầu tiên em có được một bài học quý giá. Không phải lúc nào cái tôi cũng quan trọng mà tình bạn và sự nhường nhịn mới thật sự quý giá”.

Ngoài những xích mích về việc sinh hoạt ăn, ở. Vì thiếu kỹ năng “chọn bạn mà chơi” nên không ít bạn trẻ gặp phải “quả đắng”. Như trường hợp Tr.N.N. (Q.11, TPHCM): “Háo hức ra ngoài ở trọ em không hề đề phòng. Trong mấy ngày đầu vì ở một mình khá buồn chán nên thường qua phòng bên cạnh chơi. Hôm em đi thi, một bạn cùng xóm trọ nói mượn phòng qua ngủ nhờ nhưng khi đi thi về thì laptop, máy xay sinh tố đều đã không cánh mà bay. Em hỏi mấy người cùng xóm trọ thì mới tá hỏa người bạn mượn phòng cũng vừa chuyển tới trước tôi vài ngày”.

“Thất vọng về cuộc sống nhưng em lại học được bài học về lòng tin và sự cảnh giác”, Nam nói.

Theo thanhnien.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: