Một vẫn là cái tên lạ hoắc trong làng giày Việt Nam. Thế nhưng, để làm ra đôi giày thuần Việt này là cả một câu chuyện dài về doanh nhân Phạm Đỗ Kiến Quốc và những người bạn của anh. 9X khởi nghiệp từ bóng đèn và ống nước, xuất đi thế giới Đi bốn phương trời vẫn chọn lập nghiệp trên đất mẹ Xuất xứ đôi giày thuần Việt Năm 2008, Phạm Đỗ Kiến Quốc về nước sau nhiều năm du học và đi làm ở Mỹ. Anh bắt đầu công việc bằng một vị trí nhỏ trong nhà máy chuyên gia công giày dép xuất khẩu của gia đình. Ngay từ những ngày đó, Quốc đã nảy ra mong muốn được làm ra một đôi giày thuần Việt Nam. Thuần, nghĩa là nó ra đời hoàn toàn không có yếu tố “ngoại” như giày gia công. Thuần, là do người Việt thiết kế, sản xuất, và phục vụ bàn chân người Việt. Đôi giày ấy phải đặt trên một ý tưởng hoàn chỉnh, chứ không cóp nhặt mỗi chỗ một chút. Mong muốn đó cứ âm thầm ấp ủ, như một cái hạt chưa tìm được chỗ gieo để mọc, nhưng không mất. Mong muốn dần trở thành niềm khao khát, khi chưa có cơ hội để làm. Quốc vẫn chờ, nhiều năm, vì anh biết rõ, mình không thể đơn độc mà tạo ra được một đôi giày như vẫn thầm mong ngóng. Mong muốn một đôi giày thuần Việt luôn ấp ủ trong suy nghĩ của Phạm Đỗ Kiến Quốc. Mãi đến cuối năm 2016, Quốc thấy một cảm giác thôi thúc “Chịu hết nổi, phải làm chứ”. Giữa năm 2017, cơ duyên khiến anh gặp được người tạo nên hình hài của Một. Đó là em của một người bạn, và cũng từng là du học sinh. Người tạo nên hình hài của Một Huỳnh Quang Ngọc Hân có bảy năm ở nước ngoài. Cô học thiết kế ở Mỹ, ra trường đi làm, rồi trôi qua Na Uy, làm việc cho một hãng thiết kế tên tuổi. Cô gái mảnh dẻ, có cá tính khá lạ, từng tham gia thiết kế tàu trọng tải lớn, xe đạp, thiết bị điện…, toàn những thứ chẳng liên quan gì tới giày. “Thời gian cuối cùng ở Na Uy, em cảm thấy trống rỗng ghê lắm. Em thấy thiếu động lực, mất phương hướng. Ở một quốc gia giàu có, tưởng như có đủ thứ, nhưng mình lại thấy thiếu một thứ khát khao không mô tả được thành lời. Em biết mình cần làm một cái gì đó mới mẻ, tự do, là chính mình”. Cô cười tinh nghịch. Quốc nói chuyện về ý tưởng làm giày với chị của Hân, người chị liền ngoắc cho Hân gặp Quốc. Thế là cô về nước, bắt đầu những nét vẽ sơ khởi của một đôi giày chưa từng xuất hiện ở đâu. Cô cảm nhận rất rõ mình phải làm một kiểu giày tiện dụng, phù hợp với nhiều loại trang phục, thích ứng với nhiều phong cách. Đôi giày ấy phải đơn giản, nhưng vẫn đủ độc đáo. Nhìn xa, nhìn gần, nhìn chi tiết, trong từng cự ly, đôi giày ấy phải thu hút, và nhất là dễ chịu cho đôi bàn chân. “Dễ chịu, tức là người mang giày không còn cảm giác về đôi giày nữa, thân thuộc và êm ái”. Đôi giày ấy phải đơn giản, phải đủ độc đáo, thu hút và nhất là phải dễ chịu cho đôi bàn chân Từ chất liệu, cách giấu dây buộc, đến từng hoạ tiết đều gắn với một ngày năng động của Sài Gòn, với cơn mưa bất chợt. Và cái tên thương hiệu cũng phải Việt. “Một”. Đơn giản và gọn ghẽ. Nhanh nhẹn và cá tính. Cái tên ấy cũng thể hiện mong muốn “Một đôi nguyên ngày”. Một đã sẵn sàng để xuất hiện Hàng trăm mẫu phác hoạ đã được Hân vẽ ra, và có nhiều lần cô phải cãi chí choé với Quốc để bảo vệ ý tưởng. Đến một ngày, Quốc cảm thấy mẫu thiết kế đó rất ưng ý – trong con mắt của một nhà sản xuất. Nó rất Việt Nam, thân thiện, nhưng cũng phải đủ khả thi để đưa vào dây chuyền sản xuất. Có những thứ nhìn rất hay, nhưng không phù hợp cho việc làm hàng loạt. “Một” thì vừa vặn, đáp ứng được các yêu cầu để có thể đặt hàng làm hàng loạt. Đầu năm 2018, Một đã sẵn sàng để xuất hiện. Một rất Việt Nam và cũng rất thân thiện Nhưng chính lúc ấy, Quốc biết rằng nhóm của họ cần có một người khác tham gia vào. Người mà nhóm phải có, là một chuyên gia về thị trường, để Một có thể đến với nhiều khách hàng. Người đó phải yêu sản phẩm này, đủ để sống chết với nó bằng đam mê. Cũng không cần tìm đâu xa, qua một người bạn, Quốc gặp Hồng Minh Kỳ. Chỉ cần mô tả vài câu, họ cảm thấy rất hợp ý. Cũng đâu thể tưởng tượng được, một người từng kinh doanh rượu, thực phẩm nhập khẩu, hoặc có lúc từng kinh doanh vé số lại là miếng ghép cuối cùng để Một có thể tung tăng. Với sự am hiểu và nhanh nhạy của một người rành thị trường, Kỳ đã tìm ra cách để Một đến với khách hàng với một khoản kinh phí rất nhỏ. Dù cả ba đều có tích luỹ riêng, nhưng họ biết rõ rằng Một chỉ có thể sống được nếu không phụ thuộc vào nguồn đầu tư khác. Một phải tự nuôi được nó. Ngân sách dành cho tiếp thị rất nhỏ, và phải xoay xở trong khoảng eo hẹp, đó là điều Kỳ làm được. Bởi anh cũng đã coi Một như là sự khát khao của chính mình. Một – đôi giày của người Việt Cho đến giờ, sau vài tháng góp mặt với đời, Một vẫn là một cái tên lạ hoắc trong làng giày. Doanh số vẫn còn khiêm tốn, vì bán mới được gần 2.000 đôi. Nhưng Một ấp ủ trong nó một khát khao lớn của ba người trẻ tuổi: làm được một đôi giày Việt, cho thị trường Việt. Một ấp ủ trong nó một khát khao lớn của ba người trẻ tuổi: làm được một đôi giày Việt, cho thị trường Việt Họ biết rằng mình phải rất nhẫn nại, trong hành trình đầy thách thức của một thương hiệu mới mẻ. Nhưng Một sẽ đi được xa, sẽ lớn lên được. Bởi khách hàng cũ, ít thôi, đã bắt đầu quay lại, khi họ cần một đôi giày dành cho thói quen thân thuộc “Một đôi nguyên ngày”. Theo phunusuckhoe