‘Cuộc sống xanh’ trong quán chay nhỏ đầy ắp lòng nhân ái


Trong căn nhà nhỏ hơi cũ bởi được thiết kế từ thời Pháp thuộc (số 40 phố Đường Thành) quán chay V’s HOME nằm vỏn vẹn ở tầng 2. Những người yêu ẩm thực thường đến đây thưởng thức những món chay tuyệt đẹp, thuần vị nguyên sơ do những người khiếm thính phục vụ.

Video: Diện street style phá cách, giới trẻ Sài Gòn nói gì

Giới trẻ TP.Hồ Chí Minh biến tường cũ thành điểm check-in mới

Quán chay ấm cúng tình thân

Cô chủ quán chay V’s HOME tên Vy, người Sài Gòn, tóc xù và mùa thu nước da rám nắng. Cứ ngày Rằm mùng Một, quán đông, Vy bận luôn chân luôn tay hỗ trợ nhân viên chạy bàn, lên món. Cô không hề coi quán ăn này như một hoạt động kinh doanh để thu lợi riêng. Vy kể: “Tôi muốn xây dựng quán như một mô hình cộng đồng thiện nguyện, nên tôi bỏ vốn và không hoàn vốn. Chỉ nghĩ, bản thân những người làm việc cho nó phải là những người đặc biệt. Điều ấy có ý nghĩa từ trong nội tại cho đến ra ngoài đều đồng nhất”.

Các món ăn chay được trang trí kỳ công.

Các món ăn chay được trang trí kỳ công.

Vì thế, lợi nhuận của quán sẽ trích ½ để thưởng cho nhân viên, còn lại dùng làm các việc cộng đồng. Đã 4 tháng trôi qua, quán tuy nhỏ nhưng đã có những bước khởi đầu suôn sẻ. Riêng mình Vy biết, cô đã mất nhiều công như thế nào khi gắng học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính, đào tạo họ có thể làm việc chuyên nghiệp và thuần thục như ngày hôm nay.

Phạm Vy – cô chủ nhà hàng chay V’s Home.

Phạm Vy – cô chủ nhà hàng chay V’s Home.

 

Theo Vy, người khiếm thính có khả năng làm được rất nhiều việc như những người không khuyết tật, tuy nhiên họ bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp nên công suất của họ có thể không bằng. Ví như bê một cái bao tải nặng, đối với người khiếm thính không khó, nhưng nếu ai đó nói “Bao này giao tới địa chỉ A”, hay “Bao này cần thay đổi mẫu mã một chút, sao cho đặc biệt hơn” thì họ sẽ không nghe được.

Cùng là một công việc, song giao tiếp với người khiếm thính có phần lâu hơn, ngay cả khi Vy đã học ngôn ngữ ký hiệu cũng chưa chắc cô và họ đã hiểu được nhau hoàn toàn. Lúc đó, cô phải viết ra giấy hoặc kiên trì diễn tả. Vào những ngày quán nườm nượp khách, nhân viên không nghe được khách gọi và khó phản hồi cho họ, thì những người nói bình thường như Vy sẽ phải xông xáo làm việc nhiều thêm.

Món ăn: xanh, sạch, lành

Có một điều khiến cô chủ quán chay tự hào: “Tôi may mắn có một cái lưỡi biết nếm và một cái đầu giàu trí tưởng tượng”. Vy cho rằng, chế biến một món ăn cũng thật giống như vẽ một bức tranh, phải phối màu sắc sao cho hài hòa. Và.. nấu ăn cũng phải tưởng tượng khi kết hợp các nguyên liệu sẽ ra sao? Thời đại bây giờ thật may, khi mà Vy có internet, trước nguồn thông tin bao la không hữu hạn, Vy thường hay truy cập vào những trang web ẩm thực của người nước ngoài để tìm tòi, nghiên cứu, rút tỉa ra những thứ gì phù hợp phong cách quán và cô có thể làm được tốt.

Tại quán V’s Home, ống hút cỏ được thay thế cho ống hút nhựa với mục đích bảo vệ môi trường.

Tại quán V’s Home, ống hút cỏ được thay thế cho ống hút nhựa với mục đích bảo vệ môi trường.

 

Trả lời lý do tỉ mẩn với những món chay, cô cười xòa, giản dị, bảo: “Món chay cũng là một trường phái ẩm thực. Người ta ăn đồ Tây, đồ Tàu thì cũng có thể ăn đồ chay đúng không?”. Nhưng mà điều đặc biệt ở quán chay V’s HOME là các đầu bếp chọn lựa nguyên liệu hữu cơ, hướng tới một lối sống hòa hợp với thiên nhiên, thanh lành trong cơ thể.

Những món ăn mang hơi thở của hương đồng gió nội Việt Nam, những hoa trái thơm ngon 3 miền được hội tụ tưởng đơn sơ mà kỹ càng trau chuốt. Cũng là hạt đậu, cà chua, rau mầm, bí ngô, cải thảo… nhưng hương vị truyền thống kết hợp với cách bày biện hiện đại mang phong cách châu Âu đã thổi hồn cho món ăn thêm mới lạ, quyến rũ. Cách đặt tên món cũng gợi mở, chân thành và đầy thương yêu: “Chiếc bánh hạnh phúc”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Cô gái đại dương”… Người phương Tây chú trọng sự sắp đặt trong món ăn. Nếu quan sát kỹ, quán tuy chẳng tới 10 bàn, nhưng khách Tây khá đông, họ lấy làm hài lòng trước các món ăn rất ngon, rất tươi mới, cách trình bày độc đáo, ra món cũng kỳ công. Cô chủ tên Vy không chỉ đặt nặng “thơm, ngon, mát, bổ” mà còn đặt nặng chuyện thực khách được thỏa mãn thị giác trước khi thưởng thức.

Các món ăn chay được trang trí kỳ công.

Ngay cả gia vị, quán không sử dụng các gia vị công nghiệp khi nấu. Nó là một phong cách ẩm thực mới khi mà nấu nướng hạn chế tối đa việc sử dụng gia vị công nghiệp: không có mì chính và hạt nêm, không có nước tương, nước mắm. Những loại gia vị có thể mua được trên kệ siêu thị thì quán không dùng. Lý giải điều này, cô chủ quán cho biết, có rất nhiều hóa chất trong một loại gia vị công nghiệp: chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo màu, chất chống oxy hóa, chất chống axit, hương liệu tổng hợp… Vậy nên tự chế biến nước chấm chay cô mới cảm thấy yên tâm.

Song, một chi tiết nho nhỏ nhưng lại khiến quán chay đặc biệt này níu được chân khách đó là tâm huyết bảo vệ môi trường của người sáng lập. Vy nỗ lực đào tạo nhân viên tái sử dụng túi nylon, hạn chế xả rác ra môi trường. Chính nhân viên là những người sử dụng trực tiếp các nguyên liệu hằng ngày, khi nhận đồ từ trang trại về, người ta đã phải bỏ rau, củ, quả… vào túi nylon, túi xốp, túi lưới để bảo quản. Các loại túi này sẽ được nhân viên quán tích lại, đem gửi về trang trại để tái sử dụng.

Quán cũng tạo phong cách thân thiện với môi trường nên không sử dụng ống hút nhựa, đồ nhựa. Cơm trưa giao cho thực khách được nhân viên quán đựng trong hộp thủy tinh, hằng tuần, quán sẽ đi thu hộp thủy tinh hai lần. Những thực khách hiểu được những giá trị cộng đồng của quán chay nhỏ đem lại đều nhiệt tình ủng hộ.

“Tôi không có ước mơ gì đâu. Tôi nghĩ gần lắm!”

Tâm nguyện được làm việc thiện, góp ích cho cộng đồng không phải đứa trẻ nào sinh ra đã sẵn có. Có lẽ, nó là những hạt mầm nảy nở trong Vy từ rất lâu. Ai hỏi cô về ký ức của thương yêu và chia sẻ, cô cũng không nhớ được đã bắt nguồn từ khi nào, ở đâu.

Điểm đặc biệt của quán chay nhỏ này là các thực khách sẽ được phục vụ bởi các nhân viên khiếm thính.

Điểm đặc biệt của quán chay nhỏ này là các thực khách sẽ được phục vụ bởi các nhân viên khiếm thính.

'Cuộc sống xanh' trong quán chay nhỏ đầy ắp lòng nhân ái - ảnh 6

Hầu hết các thành viên trong gia đình Vy theo đạo Phật, cô cũng tiếp nhận tự nhiên cái lối sống, cách hành xử hòa nhã. Nên khi Vy lớn lên, có công việc ổn định, cô nhận thấy trách nhiệm của mình là phải làm việc giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn.

Vy đã sống ở Hà Nội hơn 10 năm, nổi tiếng với quán Vi Sài Gòn và mới đây là Dim Sum Minh Ký. Cô mặc quần áo, váy vóc secondhand để tránh lãng phí và tránh xả vải ra môi trường. Nếu ai đó hỏi Vy ước ao điều gì nữa, cô rụt rè nghĩ ước mơ có to tát xa xôi? “Tôi không ước mơ gì đâu. Tôi nghĩ gần lắm!”. Cái nghĩ gần của Vy thật vụn vặt mà ấm cúng: hôm nay rau củ chuyển đến quán có tươi không, ngon không, xong xuôi các việc Vy có kịp đón 3 cô con gái nhỏ đúng giờ… Vy cũng nghĩ, nhiều người đã thành công với mô hình kinh doanh của họ, nhưng chưa nghĩ tới làm sao có trách nhiệm với cộng đồng từ những việc bình dị như hạn chế rác thải, túi nylon, khuyên khách hàng không nên dùng ống hút nếu không cần thiết, tạo công ăn việc làm cho người yếm thế… Vậy làm sao để mô hình V’s Home được nhân rộng lên?

V’s Home  là nhà hàng chay và cafe quy mô nhỏ với 7 bàn, phục vụ khách nước ngoài và khách Việt Nam. Menu theo phong cách đồ Âu với khoảng 30 món đồ ăn và 20 món đồ uống, quán mong muốn đem đến một trải nghiệm ấm áp, mà vẫn giản dị, thuần khiết từ các món ăn chay.

70 – 80% nguyên liệu dùng cho nhà hàng có nguồn gốc hữu cơ. 100% lợi nhuận của nhà hàng sẽ chia cho nhân viên và phục vụ cộng đồng, bởi đây là dự án phi lợi nhuận. Các hoạt động cộng đồng mà V’s Home nhắm tới chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục (xây trường, phát học bổng), tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật (xây dựng thêm các mô hình kinh doanh phi lợi nhuận cho người khuyết tật làm việc).

Theo ngaynay


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: