Tập 1 của bộ phim diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh với nội dung kể về cuộc sống của nhân vật – Hà Mạnh, chuỗi bế tắc trong công việc và hành trình đi tìm cảm hứng sống. Ngay trong tập 1, có 3 quán ăn được nhân vật tìm đến để trò chuyện và tìm hiểu cũng chính là 3 món ăn đặc trưng khi nghĩ đến Sài Gòn: bánh mì, ốc và cơm tấm. 3 nhân vật đại diện cho 3 quán ăn cũng thuộc những thế hệ khác nhau, với thời gian và bối cảnh cho ra đời quán ăn khác nhau, nhưng tựu chung lại họ đều mang trong mình niềm tự hào là người góp phần tạo nên những hương vị Sài Gòn. Đi Ăn Một Mình là một dự án phim độc lập do Hà Mạnh – một nhà sản xuất nội dung trên Youtube thực hiện Hà Mạnh – người dẫn chuyện cũng là người có 7 năm sống ở Sài Gòn đã ghi chép lại nhật ký của mình không chỉ qua phân cảnh cuộc sống, đi làm mà còn lưu tâm đến câu chuyện những bữa ăn của người sống một mình. Phim gồm có 10 tập ứng với 10 địa danh trải dài từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội theo hành trình đoàn tàu SE4. Trước khi bắt tay thực hiện bộ phim, Hà Mạnh làm trong ngành marketing ở lĩnh vực sáng tạo, từng có kinh nghiệm sản xuất nhiều chương trình truyền hình và tham gia rất nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm cho các công ty truyền thông. Năm 30 tuổi, Hà Mạnh quyết định dừng công việc một năm để theo đuổi niềm đam mê của mình, đặc biệt là sau khi dịch bệnh bùng phát đã làm thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, quan điểm sống của con người. Trong tập 1 của phim, vì sống một mình giữa Sài Gòn nên Hà luôn cảm thấy người thân hiện hữu trong mỗi bữa ăn của mình chính là chủ những quán ăn. Tiệm bánh mì Bà Huynh là quán ăn đầu tiên xuất hiện, với người chủ là Đạt – chàng trai 32 tuổi đang đứng đầu một thương hiệu lớn, nườm nượp khách vào ra mỗi ngày. Cuộc trò chuyện của Hà và Đạt cho thấy vì sao bánh mì mãi là món ăn được mọi người yêu thích, và vì sao để thương hiệu bánh mì có chỗ đứng mãi trong lòng khách hàng. Để có một tiệm ăn với hàng dài người xếp hàng chờ đợi, nhân viên làm liên tục không ngưng nghỉ, hẳn nhiên có rất nhiều bí mật của người kinh doanh tài ba đứng đằng sau. Quán ăn thứ hai là tiệm Ốc luộc quận 4 của một cựu người mẫu, vì tình yêu dành cho những hàng ốc vỉa hè mà quyết tâm gây dựng một của hàng cho riêng mình. Chị Linh – chủ tiệm Ốc luộc quận 4 đã rời xa ánh đèn sân khấu từ lâu, nhưng chưa bao giờ ngừng đam mê kinh doanh. Sống sót vững vàng qua 2 năm dịch và trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, chị Linh không ngại bật mí về sự pha trộn giữa hai hương vị nam – bắc trong công thức của quán mình. Quán ăn thứ ba là một quán cơm tấm có tuổi đời hơn 30 năm tuổi ở quận Phú Nhuận: Cơm tấm Bà Ròm. Đây không phải một quán cơm tấm bình thường mà chứa đựng rất nhiều cảm xúc tình thân trong đó. Mỗi ngày, cô Sương (hay còn gọi là bà Ròm) đều dậy sớm, đi chợ tìm mua nguyên vật liệu tươi ngon để làm mới thực đơn cho quán. Người đến quán cơm không bao giờ phải ăn lặp món ăn, và họ nhớ từng hương vị được làm ra từ đôi bàn tay người phụ nữ đã ngoài 70. Đến nay, quán vẫn sáng đèn từ 3h chiều đến 9h tối và là địa chỉ yêu thích của nhiều người. Kết phim, Hà Mạnh gói ghém hành lý, lên đường để bắt đầu cuộc hành trình kéo dài của mình với quyết tâm ghi lại những thước phim thật đẹp về ẩm thực, con người và đất nước Việt Nam. Hành trình nối dài băng qua nhiều tỉnh, thành phố như Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi… Đây là một dự án phim độc lập, không mang tính chất thương mại, nhằm mục đích quảng bá văn hoá, du lịch và đặc biệt là ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Sau hai năm chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và bộ phim hy vọng phần nào có thể thắp lên tình yêu xê dịch với những ai yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Minh Nguyễn