Khi người trẻ mê nhậu (1)


Anh Khang còn nhớ hoài câu hỏi đầu tiên anh nhận được khi về công tác tại UBND một phường: “Em nhậu giỏi không?”. “Em biết uống một chút, nhưng không thích nhậu”. “Không biết nhậu sao làm việc?”. Té ra, làm được việc hay không, không chỉ do trình độ, năng lực mà còn phụ thuộc vào khả năng ăn nhậu ra sao!

Bất cần thân thể, bất kể thời gian

Họp đơn vị xong – nhậu; trao quyết định nhân sự xong – nhậu; trước, trong và kết thúc các kiểu hội trại – nhậu… Nhậu “bất cần thân thể, bất kể thời gian”, đang gây báo động trong một bộ phận người trẻ, mà không ít trong đó là cán bộ – công chức trẻ.

Lãnh đạo trẻ của một phường tại TPHCM tự thống kê: Trong số những cán bộ – công chức hiện nay có khoảng 50% hay đi nhậu vì các mối quan hệ ngoại giao, vì công việc cho cơ quan hoặc việc làm ăn riêng của bản thân; một số khác “lăn tăn” giữa chuyện nhậu hay không vì sợ… kỳ, sợ tốn tiền…  Nhậu sau giờ làm việc bây giờ đã là thói quen của nhiều cán bộ – công chức trẻ, bữa nào không nhậu là có cảm giác trống vắng, thiếu thốn. Cán bộ – công chức nhậu nhiều đến mức phải thường xuyên chạy sô ngoại giao, có buổi tối mà phải tham dự 3-4 độ nhậu khác nhau. “Ăn nhậu đã đi sâu vào não trạng của giới trẻ. Việc cán bộ – công chức trẻ thích nhậu là hiện tượng đáng báo động, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Nhậu thì chắc chắn dẫn đến nhiều tiêu cực hơn là tích cực”, người cán bộ này nhìn nhận.

nhau1

Nhậu “bất cần thân thể, bất kể thời gian” đang trở thành thói quen của một số bạn trẻ

Anh Lê Quang Lâm (ngụ phường Phước Long B, quận 9) cho rằng, nhậu là một nhu cầu, là một chuyện bình thường, với muôn vàn lý do. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, khích nhau để nhậu, chia sẻ để nhậu… Nói tóm lại là chuyện gì cũng có thể nhậu được. Anh nói: “Tôi thấy vấn đề này rất bình thường. Không phải lúc nào nhậu cũng là buông thả, bê tha. Tuy nhiên, anh nhậu khi đang khoác trên mình chiếc áo công chức, áo đoàn lại là chuyện khác”.

“Tôi cũng từng tham gia chiến dịch tình nguyện và cũng thấy bạn bè mình “tương tàn” trên bàn nhậu. Người lớn thì ép bọn trẻ uống, còn các bạn trẻ thì nể các chú, các bác nên uống. Tôi không biết mục đích ép nhau uống để làm gì nữa. Trong khi hình tượng về người thanh niên ban ngày là những chiến sĩ tình nguyện hết lòng vì mọi người thì ban đêm là những con sâu rượu”, anh Lâm chia sẻ.

Mà không chỉ có mỗi mùa chiến dịch tình nguyện mới có những con sâu rượu trẻ tuổi, mà ngay trong sinh hoạt đời thường, người trẻ cũng là đối tượng nhậu bền vững nhất. Tại các liên hoan hay hội trại tập trung nhiều người trẻ, dù là bạn mới quen hay quen lâu, kết thúc chương trình chính là hội ngộ bên chai bia, ly rượu, rồi thách đố nhau, cá độ nhau xem ai có tửu lượng cao nhất. Chương trình bế mạc lúc 5 giờ chiều nhưng 2 giờ sáng, đại biểu mới khệnh khạng ra về từ quán nhậu, là hình ảnh không mới. Rồi kết thúc liên hoan, hội trại là vô số những cuộc hẹn hò, ôm ấp kỷ niệm bên bàn nhậu.

Làng… nhậu

Mà nhậu ở làng ĐH rẻ vô đối, chỉ dắt túi chừng dăm bảy chục ngàn mỗi người, hùn lại là có mồi lai rai tới khuya. Vài gói đậu phộng rang, cóc, ổi, mía ghim, một cái lẩu, con cá nướng, các “tay nhậu” sinh viên “xử” được cả két bia. Lý do nhậu thì vô vàn, ai có người yêu thì nhậu ra mắt người yêu, khi chia tay lại có chiến hữu rủ đi nhậu để an ủi, đến lúc làm hòa với người yêu thì lại nhậu để chúc mừng. Ai ế càng phải thường xuyên rủ chiến hữu đi nhậu để bàn mưu chống ế. Rồi thi hết môn nhậu để “bế mạc”, ai đậu thì nhậu chúc mừng, rớt thì nhậu phạt hay luyện tửu lượng để sau này đi làm cho khỏi bỡ ngỡ. Thậm chí hôm nay ai bị xỉn thì mai nhậu tiếp để phạt hay nhậu để luyện…

nhau2

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Cứ như vậy, tiếng “dô” trăm phần trăm xen lẫn tiếng chửi thề, trách móc, thúc giục nhau xuống chai ở bàn này chọi với bàn kia tạo thành thứ tạp âm đặc trưng ở làng ĐH vào mỗi buổi tối. Phạm Văn Kiện (SV ĐH Khoa học tự nhiên) cho biết: “Phải kiếm cái cớ để anh em ngồi lai rai chứ rảnh biết làm gì. Có phải ngày nào cũng học đâu, không nhậu mà ngồi cày game thâu đêm cũng thế. Nhậu sương sương về ngủ mới ngon”.Làng đại học (ĐH) Thủ Đức từ khoảng năm 2005 đến nay đã được người dân nơi đây ngầm gọi là… làng nhậu. Dọc từ ĐH An ninh, khu Ký túc xá ĐH Quốc gia đến trường ĐH TDTT là những quán nhậu mọc lên san sát, sáng đèn thâu đêm. Từ những quán đàng hoàng đến quán ngoài trời với vài bộ bàn ghế chiếm hết lề đường thì tràn xuống đường, cứ càng về tối thì lượng quán nhậu lại tăng lên tỷ lệ thuận với khách sinh viên.

Tuy nhiên, không ít người lại xem nhậu như một thú vui không thể thiếu. Bảo Quốc (22 tuổi) lại rất tự hào khi nói về “đô nhậu” của mình: “Mình thì không phải nghiện nhưng uống cũng được. Ngày nào cũng có ít chai, riết thành thói quen. Đó cũng coi như là cách để mình “rèn đô”, ra trường đi làm đủ sức nhậu với đối tác, với sếp. Thực tế từ các anh chị đi trước đã thấy rõ là nhậu giỏi mới tiến thân được mà”.

Chính cái lý do ấy mà quán nhậu nhiều lên theo từng ngày, hất cẳng cả quán cơm và chiếm hết cả những khoảng đất trống. Nhiều gia đình trước đây kinh doanh cơm cả ngày, nhưng mấy năm nay thấy nhu cầu sinh viên nhậu nhiều nên chỉ bán cơm buổi trưa, 3 giờ chiều là lên món nhậu sẵn sàng đón sinh viên. Chẳng thế mà tới làng ĐH tìm quán nhậu dễ hơn quán cơm, thực khách sinh viên sẵn sàng nhịn cơm để nhậu.

Tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào ngày 26-9, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Thái Lan), đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tỷ lệ tiêu thụ rượu bia. Điều đáng nói tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ uống rượu ở mức nguy hại ngày càng gia tăng. Khi khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia.

Theo nhóm phóng viên/SGGP


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: