Rồi tôi quen dần cái mùi (vị) Sài Gòn (mệt mỏi, thiếu, đói, tuyệt vọng, hy vọng, niềm vui, nỗi buồn…) khi có bảy năm học và làm việc nơi đây. Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ là những khám phá của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền về TP.HCM – quê hương thứ hai của bà. Đó cũng là tình cảm, sự lưu luyến của tác giả gửi gắm vào thành phố này cùng những vùng miền mà bà đã đi qua, với những điều lắng đọng, trìu mến. […] Lần đầu tiên đến Sài Gòn vào mùa hè năm 1972, tôi được ba cho đi bằng máy bay. Có lẽ, đó là một trải nghiệm khó quên với nỗi háo hức của một đứa bé 13 tuổi lần đầu trong đời được đi chơi xa bằng phương tiện hiện đại như vậy, đến một thành phố nổi tiếng hoa lệ chỉ biết qua sách vở, truyền hình hay những bài hát; nói cách khác, là một nơi nào đó quá lộng lẫy, xa hoa chỉ có trong mơ.. Hai cha con vào ở nhà một người bà con mà ba tôi gọi là mợ. Tôi nhớ, bà cụ năm ấy tầm khoảng 70, mái tóc bạc trắng, búi gọn, dáng đi thanh thoát, nhẹ nhàng. Ngôi nhà nhỏ trong hẻm trên đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ), phải lòng vòng mấy đoạn. Phía sau nhà có một mùi mà tôi không biết tả là mùi gì, nhiều năm sau tôi cứ gọi là “mùi Sài Gòn”, từ mặt nước bên dưới (nhìn thấy được qua kẽ sàn gỗ) bốc lên. Tôi chỉ mong mau được ba đưa ra đường, đâu đó để thoát cái mùi xú ám này. Tuy nhiên, gia đình ấy đông người và ba phải ngồi lại nói rất nhiều chuyện với họ khiến tôi chỉ còn biết tha thẩn trước nhà nhìn những quán hàng ăn trong hẻm, không dám bước ra phía sau, chỉ sợ đụng phải cái mùi kinh khủng ấy. Rồi tôi quen dần cái mùi (vị) Sài Gòn (mệt mỏi, thiếu, đói, tuyệt vọng, hy vọng, niềm vui, nỗi buồn…) khi có bảy năm học và làm việc nơi đây. Những buổi tối đi dạy về đạp xe lên dốc cầu Kiệu, tôi nghĩ, có khi chính cái màu và mùi nước kênh làm cho người ta khó quên Sài Gòn. Nhiều năm sau, khi đã về Nha Trang làm việc tôi vẫn có những chuyến công tác vào Sài Gòn để rồi nhận ra, nếu có một kỳ nghỉ phép đi đâu đó, điểm đầu tiên tôi chọn vẫn là Sài Gòn. Cho đến khi lũ trẻ vào học nơi đây, những chuyến đi của tôi thành thường xuyên hơn. Sách Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ. Ảnh: ChiBooks. Kể từ buổi phát hiện ra một Sài Gòn thơm mùi hoa sứ, ngọt mùi tường vi, tôi quay ngược lộ trình đi bộ thể dục, không ra công viên Gia Định mà đổi hướng về bờ kè. Tôi có thể rẽ bất cứ lối nào từ Phan Xích Long. Có khi tôi loằng ngoằng trong những con hẻm nhỏ, qua những con chợ tự phát phục vụ xóm nhỏ đã gắn với nhịp điệu buổi sáng (có lẽ) muôn đời vẫn vậy từ hàng thịt cho đến hàng rau. Những con hẻm của Sài Gòn không khác mấy từ cái thời tôi 13 tuổi cho đến bây giờ, đã hơn 50 năm. Vẫn tiếng chào hỏi bằng giọng miền Nam hơi đãi một chút, những dáng phụ nữ hồn nhiên và cam chịu như thế. Và cho dù cố tình… lạc đường, tôi vẫn ra đến bờ kè. Mặt trời vừa chớm, màu hồng tròn sắc nét từ từ hiện lên sau dãy nhà cao. Gió mơn man. Có người thì đi bộ, người đánh đu trên các dụng cụ thể dục, người ngồi ghế đá… Đường vòng ôm bờ kè buổi sáng rất vắng xe khiến tôi thấy Sài Gòn rộng rãi làm sao. Ngang qua một trạm thu rác, tôi dừng lại và quan sát công việc hằng ngày của đội ngũ công nhân công ty môi trường đô thị. Cần cẩu từ trên gắp những thùng rác xuống ca nô đậu bên dưới. Có hai công nhân đỡ lấy và xếp gọn. Ca nô nổ máy lùi ra khi đã đủ số thùng và tấp lại một đám lục bình dày đặc, mỗi người một cây khoèo, kéo đám lục bình lên bỏ vào thùng. Những chiếc ca nô khác tiếp tục chạy về các hướng. Tôi đã có những buổi sáng đi bộ ra bờ kè, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ hoàn toàn và không còn “mùi Sài Gòn” của tuổi 13. Buổi tối rảnh rỗi, tôi rủ con chạy xe ra bờ kè, ngắm dãy nhà chung cư in trên nền trời đen, có những ô vuông nhỏ sáng, đèn đủ màu, đẹp như một bức tranh. Khi nhìn mặt trăng cô quạnh, bầu trời mới thênh thang làm sao! Những lúc đi công việc, trước khi về nhà tôi lại chạy vòng đoạn Cầu Kiệu – cầu Hoàng Hoa Thám – cầu Trần Khánh Dư để ngắm dãy nhà cao tầng “thấp thoáng” sau vạt hoa dừa cạn đủ màu, hàng cây cau kiểng xanh, hàng cây sứ trắng, đỏ, hàng tường vi cánh mỏng, bằng lăng tím, hoa điệp vàng… và quay xe lại khi đụng rào chắn công trường đang thi công. Mới nhớ, ngần ấy năm ra vô Sài Gòn, tôi chưa bao giờ chạy xe dọc hết kênh Nhiêu Lộc, mà nghe bảo chỉ hơn tám cây số. Tôi hỏi con trai, thế hệ 9X đời giữa, những mùa hè cũ mẹ cho vào Sài Gòn chơi có bao giờ con ngửi thấy mùi hôi của dòng kênh này. Con tôi trả lời không. Thoáng nghĩ, đời dài, rồi con sẽ nếm “mùi” Sài Gòn, mùi của cuộc đời nhưng hoàn toàn không còn nữa cái mùi Sài Gòn của thuở tôi 13… Dặn con, khi nào mệt mỏi, hãy cố bỏ qua hết những muộn phiền, những hối hả, tranh giành, bon chen ngoài kia và nghĩ đến những mùa trăng thơm mùi hoa sứ như thế này của Sài Gòn để quên và nạp năng lượng bước đi tiếp! Đào Thị Thanh Tuyền / ChiBooks / NXB Lao động Theo Zing News