‘Cậu Vàng’ – khi chú chó còn biết sống phải đạo


Gần bốn thập kỷ sau “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Cậu Vàng” làm sống lại trên màn ảnh vùng nông thôn Bắc Bộ trước năm 1945 với những nhân vật văn học quen thuộc.

Thể loại: Chính kịch
Đạo diễn: Trần Vũ Thủy
Diễn viên chính: Viết Liên, Hữu Châu, Will, Băng Di, Phương Nam
Đánh giá: 6/10

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung bộ phim Cậu Vàng.

Thế giới của Cậu Vàng gói gọn sau lũy tre của một làng quê vùng Bắc Bộ. Ở đó, khán giả bắt gặp cha con lão Hạc, cậu chó Vàng trứ danh, cùng nhiều nhân vật bước ra từ tác phẩm văn học Lão Hạc. Người xem thấy lại cha con Bá Kiến, Lý Cường và bóng dáng gã đàn ông “rạch mặt ăn vạ” bước ra từ thiên truyện ngắn Chí Phèo.

Nhưng cũng từ “vũ trụ Nam Cao” mà khán giả ngỡ đã thuộc nằm lòng từ ngày ngồi ghế nhà trường ấy, thêm nhiều gương mặt, nhiều thân phận mới xuất hiện.

binh luan phim Cau Vang anh 1
Trên màn ảnh, nam diễn viên Viết Liên là người tiếp theo thủ vai lão Hạc.

Nếu ví lịch sử là một dòng chảy không ngừng, thì họ, cùng những cái tên đã trở thành biểu tượng văn hóa bước ra từ trang sách, là hoa màu lớn lên từ dòng nước ấy. Những phận người đã họa nên bức tranh đời sống làng quê trước năm 1945 nhọc nhằn, lầm than, nhưng ấm áp tình người.

Mượn chuyện cũ để kể sự nay

Trong Cậu Vàng, lão Hạc (Viết Liên) sống cùng cậu con trai độc nhất tên Cò và chú chó Vàng trên mảnh đất tổ tiên để lại. Việc mưu sinh của hai cha con trông cả vào mảnh vườn nhỏ trước nhà và nghề nơm cá ven sông.

Vì nghèo, dù đã đến tuổi lập gia thất, đã có cả ý trung nhân, Cò vẫn chưa lấy được vợ. Rồi người yêu Cò bị bán đi làm con ở cho nhà Bá Kiến (Hữu Châu). Vì mối tình dở dang, Cò bị ép tới bước đường bỏ xứ mà đi.

Con đi mất, lão Hạc chỉ còn cậu Vàng làm bạn. Một người, một chó sống nương tựa, thương yêu nhau như ông cháu. Nhưng rồi tiền trong nhà đã cạn, mà sưu thuế ngày càng cao, hoa màu lại bị kẻ xấu rắp tâm phá hoại… Tất cả khiến ông lão đã ở tuổi gần đất xa trời hết lần này tới lần khác bị dồn vào chân tường.

Song song với câu chuyện về cuộc đời cơ hàn của lão Hạc, Cậu Vàng triển khai thêm một mạch truyện lớn xoay quanh cuộc tranh giành đất đai giữa ông lão và cha con nhà bá hộ. Để sinh được thêm quý tử, Bá Kiến quyết tâm chiếm bằng được long mạch nằm trên khoảnh đất hương hỏa của lão Hạc.

binh luan phim Cau Vang anh 2
Cậu Vàng là bi kịch của con người khi quyền sống bị xâm phạm.

Cậu Vàng đã tái hiện trên màn ảnh bi kịch của những người nông dân oằn mình vì sưu cao thuế nặng dưới chế độ một cổ hai tròng. Bên cạnh việc đề cập nhiều vấn đề vẫn giữ nguyên tính thời sự sau nhiều thập kỷ, phim còn lồng ghép vấn đề nhức nhối thời hiện đại, như thói mê tín dị đoan, định kiến giới, quyền sở hữu đất đai và khát vọng hạnh phúc chính đáng của mỗi con người.

Từng trở thành trung tâm tranh cãi trước khi phim ra rạp là chú chó Vàng. Cậu Vàng từng xuất hiện thoáng qua trong Làng Vũ Đại ngày ấy, nhưng phải tới bộ phim của Trần Vũ Thủy, chú mới có cơ hội lên hàng thứ chính.

Trên phim, Vàng không chỉ là con thú quấn quýt, bầu bạn với lão Hạc tuổi xế chiều. Vàng xuất hiện trong phim bình đẳng như bất cứ nhân vật con người nào.

Thông minh, biết phân biệt người tốt kẻ xấu, yêu ghét rõ ràng, chú chó giống như một phần tấm lòng của người con trai biệt tích ở lại bên lão Hạc. Vàng không thể chăm sóc cho lão Hạc cái ăn, giấc ngủ, nhưng chú biết bảo vệ chủ trước những trò càn quấy của cha con Bá Kiến, cũng như an ủi ông về mặt tinh thần.

Trên màn ảnh, Vàng cũng có sự phát triển và trưởng thành về mặt tâm lý. Ở nửa sau bộ phim, chú không còn là “chó của lão Hạc”, hay một sinh vật được định nghĩa bằng những đức tính trung thành, khôn ngoan gắn liền với quan hệ chủ – tớ.

Từ chỗ là cậu chó được ôm ấp nuông chiều, Vàng trở thành một con chó đã nếm trải những sóng gió của cuộc sinh tồn. Hành trình trên màn ảnh của chú vì thế cũng ánh lên màu sắc cổ tích theo lối “cứu vật, vật trả ơn”.

“Cậu Vàng” là một tham chiếu đạo đức

Trong Cậu Vàng, lão Hạc và Bá Kiến tồn tại như hai giá trị tuyệt đối của tốt và xấu, của nghèo hèn trái ngược với giàu sang, của cô quạnh so với sung túc, của sự vị tha đối chọi với lòng tham không đáy… Đi cùng họ là dàn nhân vật phụ mỗi người một vẻ, vừa mang dáng dấp của những mô tả trên trang sách, lại vừa có một đời sống khác biệt.

Khác với hình ảnh lầm than trong nguyên tác văn học, trên màn ảnh, vợ chồng người thầy giáo – hàng xóm của lão Hạc – ngày ngày lấy việc dạy học làm niềm vui trong cảnh thanh bần. Họ cũng là những người sốt sắng hơn cả trong việc giúp đỡ ông lão.

Chú chó Vàng trên phim cũng có một đời sống và tiếng nói riêng. Lúc này, chú là đứa cháu cưng của lão Hạc. Lúc khác, Vàng lại xuất hiện như một tham chiếu đạo đức.

binh luan phim Cau Vang anh 3
Nhân vật Binh Tư trong Cậu Vàng mang nhiều dấu ấn của Chí Phèo.

Con người trên phim có thể gây ra những tội ác trời không dung đất không tha, nhưng từ đầu chí cuối, Vàng không làm hại ai. Chú chỉ một lòng trung thành với lão Hạc dù chủ có nghèo xác xơ. Nhờ đức tính ấy của Vàng, đã có những cuộc đời tăm tối tìm thấy ánh sáng.

“Vũ trụ nhân vật Nam Cao” trong Cậu Vàng khuyết thiếu hai nhân vật nổi tiếng là cặp Chí Phèo – Thị Nở. Việc lược bỏ có thể nhằm mục đích tránh gợi nhắc tới tác phẩm kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy (1982). Tuy nhiên, khán giả vẫn thấy bóng dáng Chí Phèo lồng ghép trong nhân vật Binh Tư.

Xuất hiện khá muộn, Binh Tư đứng giữa cuộc đấu tranh đã chia phe rõ ràng trong Cậu Vàng. Vào tù ra tội, Binh Tư trở về trong cái nhìn khinh bỉ của Bá Kiến, Lý Cường. Nếu lão Hạc hay vợ chồng anh giáo phải đấu tranh để sống đúng bản chất của mình, thì Binh Tư làm đủ thứ chuyện trên đời chỉ để tìm ra lẽ sống.

Binh Tư có chất “Chí Phèo”, nhưng lấn át điều đó là sự ngang tàng của một kẻ trọng nghĩa khinh tài. Chỉ một câu nói “Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo, nữa là con người” đã tóm tắt trọn vẹn cả cuộc đời nếm trải nhiều cay đắng, bản chất hướng thiện, và bi kịch của gã sau này.

Những điểm chưa hoàn mỹ

Trong bức tranh làng quê của Cậu Vàng, nhân vật vợ ba (Băng Di) của Bá Kiến xuất thân từ vùng Nam Bộ. Cuộc hôn nhân của cô với Bá Kiến đơn thuần vì tiền bạc.

Bà ba mang đến cho bộ phim nét mềm mại và chút sướt mướt của tình yêu lứa đôi. Nhưng chuyện đời cô đồng thời khiến Cậu Vàng trở nên dông dài. Phải tới khi cô tìm cách trốn khỏi nhà Bá Kiến, bộ phim mới dần lấy lại được nhịp độ và sự hấp dẫn.

Đây là một điều đáng tiếc với Cậu Vàng. Dành nhiều thời gian cho mạch truyện của bà ba, phim không có điều kiện khắc họa chi tiết cảnh sống của lão Hạc những ngày cuối đời chìm trong khốn cùng, cô độc và canh cánh nỗi ân hận khi lừa bán cậu Vàng.

Số phận của vợ chồng anh giáo, cặp nhân vật ít nhiều dự báo những biến động lớn lao của lịch sử khi người dân vùng lên giành quyền sống, cũng không được đề cập.

binh luan phim Cau Vang anh 4
Chú chó Vàng trong phim không chỉ là “cháu cưng” của lão Hạc, mà còn giống như một tham chiếu về cách sống trung nghĩa trên đời.

Yếu tố văn hóa dân gian cũng được đưa vào trong phim và tạo ra những không gian mang màu sắc Bắc Bộ rõ nét như buổi hát xẩm hay đêm hội rối nước. Tuy nhiên, bộ phim tạo ra mâu thuẫn khi để cả hai loại hình biểu diễn cùng trở thành tiết mục “đinh” của một đoàn hát rong với số thành viên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vô thức, giá trị của hai bộ môn nghệ thuật bị giảm nhẹ. Người xưa vẫn dạy “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng đoàn hát rong lại vừa hát xẩm, vừa múa rối nước – tức đây chỉ là những tiết mục trong chương trình tạp kỹ của họ, thay vì là môn nghệ thuật dày công theo đuổi hay ngón nghề đã luyện thành tài.

Không ám ảnh như lão Hạc của nhà văn Kim Lân trong Làng Vũ Đại ngày ấy, nhưng nghệ sĩ Viết Liên đã mang đến cho Cậu Vàng hình ảnh một lão nông hiền lành, cam chịu, nuốt ngược nước mắt vào trong để thu xếp tương lai cho cậu con trai đã bao năm bặt tin tức.

Tuy nhiên, đài từ mang màu sắc kịch nói của ông đôi lúc khiến nhân vật bị lệch khỏi cảnh phim, cũng như hình ảnh ông lão nghèo khổ. Vấn đề tương tự xảy ra với Lý Cường. Giọng lồng tiếng tạo cho khán giả cảm giác đang xem phim thuyết minh trên truyền hình, thay vì lời thoại gắn liền với diễn xuất của diễn viên trên màn ảnh rộng.

Lý Cường đánh dấu lần quay trở lại màn ảnh rộng của Will kể từ Em chưa 18Dạ cổ hoài lang cùng năm 2017. Vai cậu quý tử nhà Bá Kiến không làm khó được nam ca sĩ, diễn viên.

Trong tác phẩm của Nam Cao, Bá Kiến hiện ra với đủ nét thâm độc và tàn ác, qua đó trở thành biểu tượng cho tội ác của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, nhân vật của nghệ sĩ Hữu Châu trên phim thiếu vắng cả nét tàn ác lẫn những âm mưu thâm độc.

Mua chuộc Binh Tư hay bày trò phá hoại ép lão Hạc bán đất, những ngón đòn của Bá Kiến đều dễ dàng bị khán giả đoán được. Chúng cũng không nhằm dồn lão Hạc vào đường chết, mà chỉ nhằm khiến ông già thấy khó mà lui.

Thêm nữa, việc xử lý tuyến truyện của vợ chồng anh giáo quá vội vã cũng tước mất của Bá Kiến một cơ hội để thể hiện bản chất ranh ma, coi mạng người như cỏ rác của lão. Phiên bản Bá Kiến của Cậu Vàng vẫn chưa chạm đến cái ác mà một nhân vật mang tầm cỡ như lão cần phải có.

Dù còn không ít thiếu sót, Cậu Vàng vẫn là bộ phim mới mẻ, mang đến những màu sắc riêng nếu so với Làng Vũ Đại ngày ấy năm xưa, di sản văn học của tác giả Nam Cao hay những bộ phim về vùng nông thôn Bắc Bộ từng được yêu thích trên màn ảnh.

Tác phẩm đưa người xem đi qua chuyến hành trình dài đan xen nhiều cảm xúc. Để rồi, sau bao bất hạnh và đau khổ, đọng lại tới phút sau cùng, sáng rõ hơn cả, vẫn là khát khao sống và khát vọng hướng thiện của con người.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: