Lệ Thu ở vị trí của một tượng đài tân nhạc. Giọng hát của bà được ví như “vàng mười”, nghĩa là vàng nguyên chất, không một chút pha tạp. Vài năm trước, Lệ Thu vẫn còn xuất hiện ở nhiều sân khấu trong nước. Bà đứng song ca với Khánh Ly, xuất hiện trên truyền hình và góp mặt ở không ít đêm nhạc. Giọng hát đã trải qua 50 năm phục vụ khán giả mà năng lượng của chất mezzo alto (nữ trung trầm) vẫn tỏa ra đầy mê hoặc. Vì lẽ đó, sự ra đi của Lệ Thu ở tuổi 78 vì Covid-19 không chỉ là sự bàng hoàng, tiếc thương của giới nghệ sĩ, khán giả, đó còn là một tổn thất của tân nhạc, nhất là khi chỉ vài tháng trước đó, người hâm mộ đã phải vĩnh biệt giọng ca diễm tuyệt Thái Thanh. Bộ ba nữ danh ca tân nhạc nổi đình nổi đám một thuở, giờ chỉ còn Khánh Ly. Danh ca Lệ Thu qua đời ở tuổi 78 tại Mỹ. Ảnh: Việt Hùng. Tại sao Lệ Thu là “giọng ca vàng mười”? Giữa Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly, mỗi người là một sắc vị âm nhạc. Nếu Thái Thanh là giọng soprano (nữ cao) xuất chúng với lối hát bạch thanh mĩ miều, sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật Tây phương với cách hát dân gian truyền thống, một giọng hát được ví là vượt thời gian, như thanh âm ngân giữa trời xanh; Khánh Ly lại là chất alto (nữ trầm) liêu trai, một giọng hát rất lạ, bao năm chẳng lặp lại, cuốn hút đến kỳ lạ mà cũng từng gây tranh cãi rằng bà có thực sự hát không hay chỉ là cất âm lên, với chất trầm khàn độc đáo, với cách di chuyển khoang miệng ấy, đã thành tiếng hát. Lệ Thu ở giữa những đối lập của Thái Thanh và Khánh Ly với chất giọng nữ trung trầm, đến nay vẫn là hàng hiếm có của nhạc Việt. Lệ Thu nổi lên khi Thái Thanh đã được coi là giọng ca tân nhạc số một nhưng bà vẫn xác lập được vị trí riêng, là ngôi sao của không ít phòng trà, vũ trường. Khánh Ly nổi tiếng sau bà. Danh ca Khánh Ly nhiều lần chia sẻ rằng “nhờ Lệ Thu nhường tôi mới trở thành người hát nhạc Trịnh”. Bởi vì trước Khánh Ly, Lệ Thu đã thể hiện rất thành công nhiều ca khúc nhạc Trịnh. Hạ trắng sau này có rất nhiều người hát nhưng màn thể hiện của Lệ Thu vẫn là mẫu mực, được yêu thích nhất. Nhưng Lệ Thu không chọn nghiệp du ca, và “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly đã xuất hiện, rong ruổi cùng Trịnh Công Sơn trên những nẻo đường, những sân khấu sinh viên. Khánh Ly sau đó trở thành người thể hiện thành công nhất các sáng tác của Trịnh. Lệ Thu khác với các nữ danh ca cùng thời ở chỗ tên tuổi của bà không gắn với bất cứ một nhạc sĩ nào. Lệ Thu là hình mẫu của sự đa dạng trong âm nhạc và chỉ ghi dấu ấn với tác phẩm thay vì định danh với một nhạc sĩ dù cho đó là người viết nhạc hào hoa như: Phạm Duy, Ngô Thụy Miên hay Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương. Nhắc đến Thái Thanh là nhắc đến Phạm Duy, nói đến người hát nhạc Trịnh không thể quên Khánh Ly. Nhưng cũng có những ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, phải là giọng của Lệ Thu mới hợp tình, hợp cảnh. Ai hát hay hơn Lệ Thu bài hát Mùa thu chết của Phạm Duy. Và Phạm Duy cũng là người đã viết tặng nữ danh ca bài hát Nước mắt mùa thu, ca khúc như vận vào phận đời của bà vậy. Trước năm 1975, Lệ Thu được mệnh danh là “giọng ca vàng ròng” hay “vàng mười”. Nhiều người cho rằng sở dĩ Lệ Thu có danh xưng đó là vì bà chỉ hát ở các phòng trà độc quyền với cát-xê ở mức ngất ngưởng. Nhưng trong cuộc trò chuyện với người viết cách đây 4 năm, giọng ca Mùa thu chết bảo đó là sự mến mộ của một nhạc sĩ dành tặng cho bà. Khi nghe album Lệ Thu hát, vị nhạc sĩ đó nhận xét bà là “giọng ca vàng mười”, nghĩa là vàng nguyên chất, không pha tạp. Lệ Thu được mệnh danh là giọng ca vàng mười của tân nhạc. Xin còn gọi tên… Thu Lệ Thu đã đứng trên khấu hơn 20 năm, từ một thiếu nữ đến khi là người đàn bà kể chuyện tình, từ sân khấu trong nước đến hải ngoại, thể hiện sáng tác của nhiều nhạc sĩ về nhiều chủ đề khác nhau. Một giọng hát với âm vực trời cho, lên cao sáng, căng tràn nội lực mà xuống trầm lại chắc nịch, u hoài. Danh ca hát bằng tiếng lòng gan ruột. Tiếng hát ấy bay trên những thành phố bâng khuâng và để lại những dư cảm tự sự ám ảnh, không dễ gì quên được. Và tiếng hát ấy đến từ một ca sĩ đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc. Như bà từng trải lòng với Zing về những được mất sau hơn 50 ca hát: “Tôi được nhiều chứ. Trước hết là được lòng yêu thương của khán giả, sau nữa là được hát, tức là được nói lên cảm xúc của mình qua âm nhạc. Với tôi, âm nhạc là một phần không thể thiếu của đời sống. Tôi luôn tự hỏi nếu một ngày không có âm nhạc thì tôi sẽ như thế nào. Và tôi không trả lời được”. Vì yêu âm nhạc, mến khán giả và muốn gìn giữ vẻ lộng lẫy trong giọng hát của mình, Lệ Thu cũng từng chia sẻ rằng mong được ra đi sớm: “Tức là mong được chết sớm. Tôi muốn giọng hát và hình ảnh của mình được giữ mãi trong lòng khán giả. Chết là cái không thoát được, vậy tại sao lại không muốn đi sớm hơn”. Danh ca từ lâu đã tâm sự về lẽ vô thường của kiếp người. Bà không sợ phải tạm biệt khán giả. Dù vậy, sự ra đi của Lệ Thu là khoảng trống khó thay thế cho lịch sử âm nhạc. Đó là khoảng trống từ vị trí của giọng ca vàng mười – người đã thể hiện thành công nhiều sáng tác của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương… Vĩnh biệt một tiếng hát bay trên những hàng phố bâng khuâng, một tiếng hát đong đưa những bước chân đau mòn. Vĩnh biệt một đời ca sĩ hát trong buồn tênh. Nhưng “thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài. Trời ơi nước mắt mùa thu khóc thân phận mình…” Theo: Zing news