Phương Mỹ Chi ra mắt MV “Đẩy xe bò”, truyền tải câu chuyện văn học một cách “vô cùng GenZ”


Nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi vừa ra mắt MV mới mang tên “Đẩy xe bò”, tiếp tục khẳng định sự đột phá về hình ảnh lẫn âm nhạc sau thành công của “Vũ Trụ Có Anh”.

Đây là MV đánh dấu màn “lột xác” về vũ đạo chưa từng có trước đây của cô nàng, với dòng nhạc folktronica bắt tai và MV được đầu tư với số lượng “cameo” cực khủng lên đến 200 bạn sinh viên của các trường khác nhau!

Ngày 21/6, MV nóng bỏng tay của Phương Mỹ Chi mang tên “Đẩy xe bò” chính thức ra mắt khán giả. Không như teaser “nhá hàng” mang đậm tính “rùng rợn, bí ẩn” ban đầu, màn comeback lần này của Phương Mỹ Chi đã làm nhiều người không khỏi bất ngờ khi giai điệu đầy vui tươi cùng vũ đạo điêu luyện chưa từng thấy trước đây được cô nàng lồng ghép vào trong MV.

Đẩy xe bò là ca khúc được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân – tác phẩm nằm trong sách Ngữ văn lớp 12. Khác với những MV mang văn học vào âm nhạc trước đây của các ca sĩ khác, Đẩy xe bò không tái hiện hay thuật lại nội dung câu chuyện nào, nữ ca sĩ cũng không hóa thân hay đóng vai nhân vật trong tác phẩm Vợ nhặt, thay vào đó MV chỉ tập trung khai thác biểu cảm, không khí tươi vui ngày bế giảng của các bạn học sinh cuối cấp cùng vũ đạo sôi nổi phù hợp với giai điệu của bài hát.

Đẩy xe bò “mượn” câu chuyện tình yêu thời xưa vào những năm 1945 để so sánh với tình yêu thời bây giờ. Trong tác phẩm văn học Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân lấy bối cảnh nạn đói khốc liệt năm 1945 để làm nổi bật bản chất tốt đẹp của người nông dân. Trên nền hiện thực tối tăm, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tràng là dân ngụ cư có địa vị thấp, ngoại hình thô kệch, với nghề “đẩy xe bò” tầm thường, anh Tràng vốn đã có nguy cơ không lấy được vợ. Tuy nhiên, chỉ với một vài câu bông đùa và “bốn bát bánh đúc”, thị đã theo Tràng về nhà.

Có thể thấy qua tác phẩm Vợ nhặt, dù khi đó đất nước còn ở trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẻ đẹp con người vẫn được khắc họa rõ nét, cậu Tràng và thị vẫn dùng tấm lòng trân trọng thấu hiểu để đến với nhau. Qua đó, nữ ca sĩ cũng so sánh với tình yêu thời nay: dù đã đầy đủ hơn về vật chất nhưng tình yêu thời đại bây giờ lại có vẻ phức tạp hơn, khiến “hợp tan cũng nhanh tan hợp”. Vẫn giữ được ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm văn học nhưng Phương Mỹ Chi đã khéo léo mang đến một góc nhìn mới của thế hệ của GenZ thông qua âm nhạc hiện đại, vui tươi.

“Phương Mỹ Chi không muốn kể hay tái hiện lại hoàn toàn câu chuyện văn học trong SGK vào âm nhạc bởi Chi biết các bạn trẻ đều đã thuộc lòng những tác phẩm đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chi chỉ muốn thông qua tác phẩm mình đã từng học để truyền tải những góc nhìn, suy nghĩ và thông điệp một cách mới mẻ, hợp thời đại hơn”, nữ ca sĩ cho biết.

MV được lấy bối cảnh tại trường học với hình ảnh quen thuộc gắn liền với thời học sinh như đồng phục, tà áo dài, sách văn học,… Những khung hình tươi vui cùng sự lạc quan là điểm nhấn của sản phẩm. Đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo cho MV Đẩy xe bò, Ben Phạm bày tỏ: “Ngay từ khi mới nghe ca khúc, tôi đã rất ấn tượng vì đây là ca khúc hay, trẻ trung, tuy hiện đại nhưng vẫn có nét truyền thống Việt Nam là Quan họ. Từ ý tưởng đến kịch bản đều được tôi lấy cảm hứng từ chính tác phẩm Vợ nhặt. Vì đây là một tác phẩm văn học trong sách Ngữ văn 12, vì vậy tôi muốn mang đến hình ảnh quen thuộc với mỗi người chúng ta khi còn ngồi dưới mái trường, để mọi người không chỉ cảm nhận được sự tươi mới từ góc nhìn của thế hệ GenZ mà còn cảm thấy nhớ về thời thời học sinh vui vẻ của mình, với những kỷ niệm buồn vui bên bạn bè, những tấm ảnh kỷ yếu,…”

“Hợp tác với Phương Mỹ Chi ở dự án Vũ Trụ Có Anh, tôi hiểu cô ca sĩ trẻ này luôn mong muốn truyền tải những giá trị truyền thống văn hóa đến rộng rãi công chúng, vì thế với MV Đẩy xe bò, tôi muốn giữ những nét truyền thống nhất của Việt Nam thông qua hình ảnh đồng phục học sinh, là áo dài, là sách ngữ văn,…” – Ben Phạm chia sẻ thêm.

Đạo diễn Jason Lê và Giám đốc Sáng tạo Ben Phạm cho biết ekip không muốn truyền tải thông điệp bài hát một cách nặng nề, khiến mọi người hiểu sai về tác phẩm gốc. Ở MV này, ekip muốn khai thác những nét hồn nhiên, tươi vui, đúng với tính cách của Phương Mỹ Chi. Đoạn cuối, Phương Mỹ Chi và 200 bạn học sinh sinh viên cùng nhau múa hát vui vẻ, mang đến không khí rộn ràng, phấn khởi khi kết thúc bài thi lớp 12.

“Lần đầu tiên tôi đạo diễn một MV với dàn “diễn viên” lên đến hàng vài trăm như thế. Cái khó khăn trong MV lần này có lẽ là vấn đề thời tiết khi thời gian bấm máy là tháng 6 – thời điểm Sài Gòn vào mùa mưa, mà ekip chỉ có thời gian 1 ngày để hoàn thành mọi phân cảnh. Trộm vía là thời tiết hôm đó rất “chiều lòng” ekip. Thêm một khó khăn nữa đó là việc quản lý và sắp xếp đội hình với hơn 200 học sinh sinh viên. Ekip phải quay khá nhiều lần để mang đến cho khán giả những hình ảnh hoàn hảo nhất, với các điệu nhảy đồng đều nhất có thể” – đạo diễn Jason Lê chia sẻ. “Đẩy xe bò là MV sử dụng cuốn máy để các phân cảnh được diễn ra liên tục, vì thế chúng tôi đã phải dành một ngày rehearsal trước khi chính thức bấm máy để việc quay trở nên dễ dàng hơn và bắt trọn những góc quay tự nhiên nhất, đẹp nhất”.

Việc ra mắt MV lấy bối cảnh trường học ngay mùa tựu trường như một món quà tinh thần đặc biệt mà Phương Mỹ Chi dành tặng các bạn học sinh, tiếp thêm động lực cho sĩ tử mùa thi. Từ những khung cảnh trường lớp, học sinh tụ tập, cho đến trang phục cũng được ekip nghiên cứu kỹ càng và tái hiện một cách gần gũi nhất.

Ở dự án âm nhạc lần này, Phương Mỹ Chi tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng nhóm sản xuất âm nhạc DTAP. Dù đây là lần kết hợp thứ n kể từ khi nữ ca sĩ và DTAP về chung một nhà nhưng với mỗi sản phẩm đều mang đến cho khán giả những bất ngờ và công nhận khác nhau.

Đứng sau thành công của loạt ca khúc như See tình, Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Người ơi người ở đừng về hay gần đây nhất là Vũ Trụ Có Anh, cái tên DTAP đang phủ sóng mạnh mẽ thị trường nhạc Việt. Với Đẩy xe bò, dù đây là âm nhạc mang tính dân gian đương đại nhưng lại là sự nâng cấp hoàn toàn – một âm nhạc ‘đa vũ trụ’ của “3 chàng lính ngự lâm” này. DTAP xây dựng một “vũ trụ văn học” không còn đóng đinh ở câu chuyện về sự tự do của cô Mị hay cô Tấm mà mở rộng ra là tình yêu của thời xa xưa với bây giờ.

Đẩy xe bò tiếp tục là sáng tác của nhóm. DTAP luôn biết cách tối ưu hóa cá tính âm nhạc của từng nghệ sĩ mà nhóm hợp tác. Với cô nàng Phương Mỹ Chi, 3 chàng trai đã “thổi” một làn gió mới vào âm nhạc nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống gắn liền với nữ ca sĩ. Ca khúc được 3 chàng trai chăm chút kỹ lưỡng với những sự tinh tế được đặt để trong từng lớp âm thanh và câu từ. Yếu tố “folktronica” khi pha trộn giữa nhạc hiện đại như Pop, House kết hợp với nhạc dân gian, cụ thể trong bài hát này là quan họ được DTAP triển khai đồng nhất đã khiến khán giả cảm thấy không bị trùng lặp với các sản phẩm trước đây của nhóm. Nội dung truyền tải rất “đời” và tươi vui, cuộn tràn hơi thở cuộc sống hiện đại.

Điều khiến khán giả trầm trồ bất ngờ nhất có lẽ là đoạn Phương Mỹ Chi cất câu hát mang âm hưởng quan họ ở đoạn cuối của Đẩy xe bò. Được biết, đây là câu hát do chính nữ ca sĩ viết. “Phương Mỹ Chi lấy cảm hứng từ chính tác phẩm Vợ nhặt bởi câu chuyện trong tác phẩm diễn ra trong bối cảnh ở làng quê miền Bắc và quê của tác giả Kim Lân là ở Bắc Ninh. Chi không mất quá nhiều thời gian để viết đoạn âm hưởng quan họ này, có lẽ do những gì liên quan đến văn hóa truyền thống của các vùng miền đã ăn sâu trong máu nên Chi dễ dàng “phiêu” được luôn”, Phương Mỹ Chi chia sẻ.

Đào Trần


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: