2saigon – Thạc sĩ ngôn ngữ học Mộng Tuyền, Giảng viên đại học Phan Tường Yên và Tiến sĩ triết học Mai Diệu Anh – 3 cô gái xinh đẹp, tài năng và cá tính của Quyền Lực Ghế Nóng đã có một đêm thi đầy kịch tính, nhiều tranh luận vào tối ngày 08/11 với chủ đề cực kỳ khó của chương trình: Nghệ thuật múa. H&M ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội Hài cổ trang Chuồn Chuồn Giấy lên ngôi quán quân Làng Hài Mở Hội 2017 Không chỉ đưa ra những bình luận đầy đủ, sắc bén và không được trùng lắp với người nói trước, cả ba còn phải “chống đỡ” những câu hỏi cân não của nữ giám khảo khách mời: ca sĩ Phương Thanh. Chương trình mở đầu với tiết mục múamiền Bắc mang tên“Làng em mở hội”, thể hiện không gian lễ hội của vùng đất kinh Bắc – một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, nơi hình thành nền văn minh Đại Việt, là nơi có nhiều lễ hội dân gian nhất cả nước và cũng là quê hương của những làn điệu dân ca Quan Họ đã được Tổ chức khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tiết mục có sự kết hợp giữa nghệ thuật múa và xiếc, với những động tác vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ, dứt khoát. Tiết mục được biểu diễn bởi NSƯT Bích Liên, Mỹ Hạnh, Thanh Hoa, Hồng Hiếu, Ngọc Bích, Ngọc Thủy và vũ đoàn Việt Hải. Là người đưa ra nhận xét đầu tiên, Phan Tường Yên đã phát huy lợi thế của mình khi phân tích đầy đủ các khía cạnh của tiết mục. Cô nói: Cực kỳ bất ngờ vì không thể hình dung tiết mục múa lại hấp dẫn như vậy. Đầu tiên là hình ảnh các cô gái rất nhẹ nhàng, dịu dàng và uyển chuyển vậy mà các cô gái này không có yếu mềm chút xíu nào hết. Phía xa là hình ảnh của những cây đa, mái đình nho nhỏ thấp thoáng, vẽ ra viễn cảnh những cô gái đi hội đình. Đặc trưng nhất là âm nhạc và phục trang được sử dụng rất hòa quyện. Điểm nhấn thú vị của tiết mục đó là sự phá cách và sáng tạo giữa các yếu tố ngoạn mục, kỳ thú của xiếc và sự nhẹ nhàng, uyển chuyển của múa. Tiết mục mang hơi thở thời đại, mới lạ, hấp dẫn, vừa xen lẫn tính nghệ thuật và tính giải trí. Thí sinh Mộng Tuyền đưa ra góc nhìn thẳng thắn khi cho rằng múa từ bấy lâu nay vẫn được xem là một dạng minh họa và đến hôm nay khi xem tiết mục, cô mới thấy được sự công bằng cho nghệ thuật này. Theo cô, “đây mới là biểu diễn múa chứ không phải là múa minh họa”. Cô thích nhất trong cách dàn dựng đó là hình ảnh chiếc nón quai thao lớn nằm giữa sân khấu và xoay vòng, khiến cô nghĩ đến vòng xoay của thời gian và câu hỏi: liệu những nét văn hóa như thế này có được gìn giữ nữa hay là không. Cô cũng cho rằng tiết mục kết hợp giữa múa và uốn dẻo trong nghệ thuật xiếc khiến cho khán giả phải thốt lên, reo hò và ngưỡng mộ nhưng chỉ dừng lại ở đó và không ai nhớ tên bất kỳ nghệ sĩ múa nào. Trước câu nói của nữ thạc sĩ ngôn ngữ học, thí sinh Phan Tường Yên đã lưu ý Mộng Tuyền cần thận trọng trong việc đánh đồng trải nghiệm cá nhân với khán giả bởi bản thân cô là một người yêu múa và nhớ tên nhiều diễn viên múa. Là thí sinh đến từ phương Bắc, tiến sĩ triết học Diệu Anh tiếp cận tiết mục khác với Tường Yên và Mộng Tuyền. Song, do là người nói sau cùng nên hầu như cô chỉ đưa ra những cảm xúc cá nhân của cô về sự nỗ lực tập luyện trong thời gian dài của các nghệ sĩ để có thể thực hiện được những động tác khó trong tiết mục. Nhận xét về phần thể hiện của 3 thí sinh, các nghệ sĩ trình diễn đã dành cho Phan Tường Yên 1 điểm cộng vì những đánh giá sâu sát của cô cho tổng thể tiết mục. Giám khảo Phương Thanh lưu ý 3 thí sinh khi ngồi trên ghế nóng cần tỉnh táo để quan sát từng chi tiết, vấn đề trong bài diễn để đánh giá đúng. Và theo chị, Tường Yên là người quan sát đầy đủ bài diễn và đặc biệt phát hiện được tính tạo hình của bài múa. Giám khảo Chí Trung tỏ ra thông cảm với Diệu Anh bởi với một tiết mục múa rất khó để có những ý kiến khác nhau mà cô lại là người phát biểu sau cùng. Và theo NSƯT Chí Trung, tiết mục vẫn giữ được hồn kinh Bắc, vẫn tải được nét đẹp của quê hương Quan họ nhưng việc kết hợp múa với xiếc đã làm nên một tiết mục hấp dẫn với khán giả. Anh khẳng định: “Nghệ thuật phải có sức hút với khán giả”. Có vẻ như việc “hỏi xoáy” không chỉ là thương hiệu riêng của MC Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay). Trong tập 8 của Quyền Lực Ghế Nóng, vừa phát sóng tối nay, nữ giám khảo Phương Thanh đã liên tục đưa các thí sinh nữ vào thế khó khi đặt ra những câu hỏi “cân não”ở tiết mục thứ 2. Tiết mục mang tên “Hoa đăng”do vũ đoàn Việt Hải thể hiện là bài múa cung đình Huế -một trong những di sản đặc sắc của văn hóa cố đô. Nhận xét về tiết mục, thí sinh Mộng Tuyền cho biết cô rất thích nét dân gian ở phần đầu và nét cung đình ở phần cuối tiết mục. Giám khảo Phương Thanh cắt ngang phần bình luận của Mộng Tuyền với câu hỏi tại sao các tiết mục múa khác động tác rất khó còn múa cung đình Huế các động tác lại rất vừa phải? Mộng Tuyền cho biết trong động tác múa thể hiện tính cách của người Huế, người miền Trung đó là sự nhã nhu, bình lặng. Giám khảo Phương Thanh lại hỏi tiếp: tại sao phần múa trong cung đình cũng như vậy? Với câu hỏi này, thí sinh Tường Yên xin phép được đưa ra ý kiến của mình đó là vì các nghệ sĩ múa cung đình Huế thường mặc trang phục rất hấp dẫn, bắt mắt, rất đẹp, tinh tế và tỉ mỉ, sự di chuyển đội hình theo hàng lối, biểu cảm đồng nhất cuốn hút từ đầu đến cuối nên các nghệ sĩ không cần làm gì quá nhiều. Tường Yên cho rằng điều quan trọng gây ấn tượng với cô trong tiết mục đó chính là thần thái của các diễn viên. Giám khảo Phương Thanh yêu cầu Tường Yên phản biện nếu như chị cho rằng câu nói của nữ thí sinh chưa chính xác. Tường Yên cho rằng cô rất tin vào điều cô đang nói vì cô đã từng bị cuốn vào thần thái đó. Theo Phương Thanh, câu hỏi của chị xoáy sâu vào tính cách của người Huế rất nhẹ nhàng từ dân dã cho đến cung đình và chị lý giải sở dĩ chị có các câu hỏi đột xuất cho các thí sinh là vì khi nhận xét về bất cứ một điều gì trên sân khấu hoặc người đời đều cần phải nhìn cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Và khi nói về sự nhẹ nhàng, uyển chuyển của múa cung đình Huế, theo chị người ta không dùng từ “thần thái” mà dùng từ “thần lực” để thể hiện cốt cách cung đình.Thí sinh Diệu Anh cho rằng bài múa được dàn dựng rất quen thuộc với những gì mà cô đã từng được thưởng thức trong những chuyến đi đến Huế nhưng dưới ánh đèn sân khấu của chương trình thì tiết mục đẹp và lung linh hơn. Theo cô, tiết mục được chia làm 2 phần. Phần đầu là múa hoa đăng và phần 2 là nhã nhạc cung đình và cuối cùng là 2 yếu tố cùng kết hợp lại với nhau trong màu sắc tím rất đặc trưng của xứ Huế. Về nhạc khí, qua động tác múa chén, cô cảm thấy bất kỳ vật dụngnào quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân khi đưa lên ánh đèn sân khấu và được đẩy lên ở cái đẹp cũng đều làm cho người ta thưởng ngoạn và cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Ấn tượng với quan điểm, góc nhìn thực tế của thí sinh Diệu Anh, biên đạo múa Lê Hải của Vũ đoàn Việt Hải đã dành 1 điểm cộng cho Diệu Anh. Tiết mục thứ ba là điệu múa của miền Nam với tên gọi “Sắc màu phương Nam”do NSƯT Bích Liên, Mỹ Hạnh, Thanh Hoa, Hồng Hiếu, Ngọc Bích, Ngọc Thủy, Văn Thắng, Tấn Thanh, Kiên Quang, Đức Anh, Hiền Phước, Lê Hưng, cùng vũ đoàn Việt Hải thể hiện. Đây cũng là tiết mục kết hợp giữa nghệ thuật múa và xiếc, được dàn dựng hoành tráng với nội dung nói về quá trình khai hoang mở cõi của người phương Nam, với hình ảnh những người nông dân chân lắm tay bùn trong những bộ đồ bà ba, những chiếc nón lá, cây tre, chiếc xuồng cùng làn điệu của bài “Giọng hò phương Nam” và những giai điệu, tươi vui, rộn rã… Tiết mục khá cuốn hút khi các nghệ sĩ biểu diễn các động tác xiếc thăng bằng khá ngoạn mục. Nói về tiết mục, thí sinh Diệu Anh cho rằng các chi tiết thể hiện đặc trưng của người phương Nam được thể hiện rõ ràng qua hình ảnh của cây sậy, điệu hò, áo bà ba… Theo cô, sự pha trộn, phối hợp giữa múa, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác đã làm nên sức hấp dẫn cho tiết mục. Và theo cô, điều này là một trong những yếu tố tạo nên một triển vọng cho ngành múa Việt Nam. Thí sinh Tường Yên chú trọng đến ngôn ngữ của động tác múa, những mô phỏng theo hình ảnh của mái chèo, hình ảnh những người nông dân đang cấy lúa, những bước đi trên cầu khỉ được đưa vào rất giản dị, mộc mạc, gần gũi nhưng đầy tính biểu tượng…Thí sinh Mộng Tuyền thích nhất là cảnh các nghệ sĩ múa tái hiện lại giữa một bên là cảnh cấy lúa trên đồng, một bên là cảnh chèo thuyền trên sông. Đây là 2 ngành nghề nuôi sống con người miền Nam trong quá trình đi khai hoang mở cõi. Trong tiết mục đầu, khán giả thấy con người miền Bắc rất thanh lịch, cổ kính. Trong tiết mục của người miền Trung, khán giả thấy được nét nhẹ nhàng, trầm mặc, suy tư. Ở tiết mục cuối cùng, khán giả có thể thấy tính cách con người miền Nam sự bộc trực, cởi mở và sức mạnh đoàn kết, khát vọng. Giám khảo Phương Thanh khuyên các thí sinh không nên quá sa đà vào việc tôn vinh nghệ sĩ. Thí sinh Tường Yên không đồng tình với ý kiến này. Theo cô,dù hiểu việc nghệ sĩ khi lên sân khấu biểu diễn đã là một niềm hạnh phúc nhưng ở vị trí đại diện cho nhiều khán giả xem chương trình, cô thật sự có cảm xúc và rất trân trọng, ngưỡng mộ các nghệ sĩ mà bình thường sẽ không có cơ hội để nói nên cô buộc phải đóng vai trò thay lời những khán giả đó và cũng như để thỏa lòng mình nên phảinói lời tôn vinh. Trước quan điểm của Tường Yên, Phương Thanh cho biết trong 10 tiết mục, chỉ nên chọn ra 1 tiết mục đặc sắc nhất để tôn vinh nghệ sĩ là đủ rồi, phải nhìn ra nhiều điều hay trong bài diễn mà người nghệ sĩ muốn đưa vào đó, thông điệp là gì. Chị nói: “Chúng tôi, những người nghệ sĩ khi đã lên sân khấu không cần tôn vinh. Chỉ có tác phẩm và chúng ta nên đi sâu vào tác phẩm để xem tác phẩm nói gì và thông điệp mà người biên đạo muốn nhắn nhủ đến cuộc sống này là gì”. Cũng theo chị, tiết mục cuối thể hiện sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, với hình ảnh những cây tre phía trước và trống đồng phía sau. Phải tìm hiểu sự liên kết giữa 3 tiết mục, tại sao tiết mục đầu tiên sử dụng hình ảnh đôi chân trụ của các cô gái và tiết mục cuối là hình ảnh giữ thăng bằng trên đôi tay của những chàng trai vạm vỡ. Giám khảo Chí Trung cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Phương Thanh: “Nhận xét về một tiết mục múa nên tránh than van về nghệ sĩ múa đời sống vất vả hay thán phục nghệ sĩ vì nghệ sĩ là cống hiến và điều quan trọng là tôn trọng sự cống hiến của họ bằng tác phẩm”. Nhận xét về phần nhận xét của 3 thí sinh, các nghệ sĩ múa đã dành 1 điểm cộng cho Mộng Tuyền vì cô đã nói đúng ý tưởng của tiết mục bởi đây là 1 vở diễn lớn và tiết mục là 1 trích đoạn mở đầu có tên là khai hoang. Kết thúc đêm thi thứ 8, thí sinh Mộng Tuyền nhận được số điểm cao nhất là 54,5 điểm, kế đến là Diệu Anh với 54 điểm và sau cùng là Tường Yên với 53 điểm. Đêm thi kế tiếp sẽ có chủ đề Nhạc Kịch, phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 15/11 trên kênh VTV3. Minh Nguyễn