Mẹ bị tật, nhà quá nghèo, hàng đêm Thanh Tuấn phải lang thang theo cha đi hát rong bán kẹo tại các quán nhậu ở TP.HCM để kiếm tiền nuôi gia đình. Cậu bé sửa giày dép miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn Đằng sau cao ốc chọc trời Sài Gòn: Người cắm câu, soi ếch đêm kiếm sống Cậu bé hát rong 11 tuổi ở quán nhậu Sài Gòn: Nhà nghèo, không có tiền đi học, Thanh Tuấn phải lang thang theo cha hàng đêm hát rong bán kẹo tại các quán nhậu mưu sinh. Em Huỳnh Đỗ Thanh Tuấn (11 tuổi, quê Cần Thơ) và cha tối tối lên đường đi hát rong, xuất phát từ nhà trọ ở Hóc Môn (TP.HCM) chạy dọc theo đường Trường Chinh qua Lũy Bán Bích vòng theo đường Quang Trung đi dọc tiếp đường Phạm Văn Đồng. Nơi hai cha con thường táp vào phục vụ khách là các quán nhậu. Anh Đỗ Thanh Ly (44 tuổi, quê Ninh Kiều, Cần Thơ), ba của Tuấn kể cách đây hơn chục năm anh lập gia đình với chị Huỳnh Thị Thu Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) rồi sinh ra 2 con là Thanh Tuấn (11 tuổi) và Thanh Tú (9 tuổi). Chị Thủy từng có một đời chồng nhưng qua đời từ lâu. Khi chết chồng cũ chị bị mất giấy khai tử nên chị không được đăng ký kết hôn với anh. Đến nay hai người không có hôn thú nên con không được mang họ cha. Gia đình quá nghèo, làm ăn nhiều lần thất bại, nợ nần chồng chất, cả nhà bỏ quê lang thang lên Sài Gòn ở thuê kiếm sống. Chị bị tật ở tay, còn anh mang nhiều bệnh trong người nên đi xin việc không đâu nhận. Tuấn không biết chữ vì bỏ học quá sớm, em chỉ được cha dạy học thuộc lòng vài bài để hát phục vụ khách như: Áo mới Cà Mau, Duyên phận, Em quên anh trong từng cơn đau, Lạy phật quan âm… Sau khi hát khoảng 2 bài, em sẽ nhường lại cho cha cầm micro rồi đi bán các loại đậu phộng, bánh kẹo. Phần lớn khách ủng hộ em vì thấy tội nghiệp còn nhỏ đã phải đi kiếm sống. Chị Hồng Tươi, một vị khách đang ăn tại quán thậm chí còn hát chung với Tuấn một bài. Nhiều vị khách trò chuyện hỏi thăm và cho Tuấn thêm tiền nhưng em đều lễ phép từ chối và chỉ xin mua giùm đồ. Mỗi đêm Tuấn hát từ 25 đến 35 bài, rất mệt mỏi. Có những lúc em không hát nổi vì mệt, khan giọng và buồn ngủ. Hai cha con cho biết trung bình một đêm đi hát rong từ 17h đến khuya thu được khoảng 300.000 đồng, nhưng nhiều khi khách từ chối không mua, có ngày chỉ vẻn vẹn 100.000 đồng cả vốn lẫn lời mang về. Anh Thanh Ly nói như muốn khóc: “Biết là con rất khổ nhưng tôi cũng không biết làm cách nào khác để kiếm tiền lo cho gia đình với 4 miệng ăn”. Anh Hải, bảo vệ một quán nhậu, tâm sự anh thấy tội nghiệp hai cha con nên giới thiệu cho những quán nhậu quen để vào hát vì có nhiều hàng sợ phiền khách hai cha con hay bị xua đuổi. Một đêm sau giờ làm tại căn nhà của cậu bé 11 tuổi trên đường Nguyễn Thị Đành (Hóc Môn). Trước khi về Tuấn ghé một cửa hàng tạp hóa nhỏ để mua đồ ăn là một chiếc bánh nhỏ cho em trai, Thanh Tú (9 tuổi). Lúc này, Tuấn mới ăn tối và ngồi chơi cùng em. Vì chính quyền địa phương biết gia cảnh nghèo khó đã cho Tú được đi lớp và không phải đóng học phí. Khi đồng hồ đã qua ngày mới, hai anh em trải đệm ngủ cũng là lúc chị Thủy (mẹ của Tuấn) tiếp tục ngồi thêu tranh chữ thập để bán. Căn phòng này hai vợ chồng anh Ly thuê từ chị Thảo với giá khá rẻ. Chủ nhà còn cho mượn một số vật dụng để dùng, không tính tiền. Chị Thảo chủ nhà trọ chia sẻ: “Thấy hai vợ chồng nghèo và khốn khổ quá nên giúp đỡ được đến đâu tôi hết sức đến đó. Có khi đến ngày thu tiền mà chưa có tôi cũng cho nợ, trả sau”. Tuấn khoe những quả trứng thu được từ hai con gà nhà nuôi. Niềm vui hàng ngày của em chỉ quanh quẩn với với vài đứa bé trong xóm cùng chú chó nhỏ nhà bên cạnh. Chiếc thùng loa đi hát nuôi sống cả gia đình trị giá 7, 9 triệu anh Ly cũng phải mua trả góp với mức 250.000/tuần. Mơ ước của hai cha con chỉ đơn giản là nhanh chóng trả hết nợ chiếc loa này để yên tâm tiếp tục đi hát kiếm tiền sống qua ngày. Theo zing.vn