Sài Gòn thập niên 1960 trong mắt tuổi 20 của Khang


Giữa dòng văn học trẻ thiên về ngôn tình hay bám sát những trải nghiệm đời sống, Mộ phần tuổi trẻ xuất hiện và gây bất ngờ với những gam màu thật lạ.

“Một cuốn sách – Một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung”

Những thư viện “mọt sách” không thể bỏ qua ở Sài Gòn

Tác giả Huỳnh Trọng Khang - Ảnh: Tự Trung

Tác giả Huỳnh Trọng Khang – Ảnh: Tự Trung

Lạ từ cái tên gợi nhiều suy nghiệm. Lạ đến cách chọn Sài Gòn trong thập kỷ 1960 làm không gian, thời gian của câu chuyện.

Lạ đến những nhân vật tuổi hai mươi vừa vật lộn vừa thả trôi tuổi trẻ của mình trong chiến tranh, trong triết luận, trong tình yêu, trong nhục dục.

Lạ đến cách kể chuyện với những dòng thời gian, không gian như trộn vào nhau ngẫu nhiên nhưng đầy chủ ý…

Và lạ đến sửng sốt là tác giả cuốn sách: một cậu sinh viên tuổi đôi mươi, thuộc thế hệ 9X (Khang sinh 1994 ở An Giang, tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hoàn thành tác phẩm năm 2014 khi 20 tuổi) với nhận thức sâu sắc gấp đôi tuổi mình, những kiến thức và trải nghiệm hoàn toàn qua sách vở nhưng mang lại suy nghiệm già dặn như là tuổi trẻ đã qua từ lâu rồi.

Đọc sách, có thể mường tượng ra số lượng đồ sộ sách văn học, lịch sử, triết học, khoa học, Đông và Tây, kim và cổ mà tác giả đã đọc, cũng như sự trưởng thành trong suy nghĩ so với các bạn cùng lứa. Tất nhiên những trải nghiệm thông qua sự đọc chưa thể trở thành cuộc sống và hiện ra con chữ nhuần nhuyễn như cuộc đời. Nhiều đoạn viện dẫn như thừa thãi, tham lam kiến thức. Vài chi tiết sắp đặt còn vụng về…

Nhưng đây là tác phẩm đầu tay, đường văn của Khang còn rất dài, hứa hẹn với người đọc nhiều điều có thể trông đợi…

Trò chuyện với Khang, càng thấy thêm nhiều điều thú vị.

* Bạn có thể giải thích về cách chọn đề tài của mình không? Những ảnh hưởng nào đã thúc đẩy lựa chọn đó?

Huỳnh Trọng Khang: Có gì đó không giải thích được. Từ khi học cấp III, tôi bỗng cảm thấy sự thôi thúc phải viết, phải sáng tác cứ dội lên trong tâm trí, như cầm tay, nắm chân mình mặc dù tôi vẫn phải đến trường, theo đuổi chương trình trường chuyên lớp chọn và tôi học chuyên môn sinh, gia đình mong tôi trở thành bác sĩ.

Tôi đã viết nhiều thơ, truyện ngắn, cả tiểu thuyết về cuộc sống hiện đại, tuy nhiên lại không thành công. Nhiều truyện viết rồi, đọc thấy chán. Nhiều cuốn sách viết giữa chừng bỏ dở. Rồi như có ma lực lôi kéo tôi trở đi trở lại với đề tài chiến tranh, đề tài tôi tâm đắc nhất. Chắc những gì tôi đã tích lũy về chiến tranh chưa giải tỏa được.

* Ở tuổi của bạn, nói đến “những gì đã tích lũy về chiến tranh” nghe thật lạ nhỉ. Bạn có thể giải thích rõ hơn không?

– Trong nhà trường, tôi không vừa lòng với những bài học lịch sử gồm ngày tháng, sự kiện, diễn biến, ý nghĩa. Tôi thấy thiếu những câu chuyện, những cuộc đời, những thân phận mà theo tôi, những câu chuyện về con người mới nói lên được bi kịch của chiến tranh, những câu chuyện về số phận mới thể hiện được tác động của lịch sử lên con người, đất nước, dân tộc. Tôi tìm đọc trong sách báo, tư liệu, văn học, hiểu được thêm nhiều nhưng vẫn chưa thỏa mãn.

Mộ phần tuổi trẻ là cuốn sách về tuổi hai mươi, những thanh niên như tôi, giống tôi, mấy mươi năm trước trong cơn lốc chiến tranh họ đã nghĩ gì, sống như thế nào. Tôi dùng sự đồng cảm của mình với những thanh niên thời đại ấy, bối cảnh ấy để viết.

* Tại sao nhân vật chính lại là con trai tướng quân?

– Xuất thân đặc biệt cho nhân vật nhiều cơ hội để trải nghiệm và hiểu rõ về Sài Gòn, gặp gỡ nhiều nhân vật của Sài Gòn ở nhiều tầng lớp khác nhau, lại cũng đặt nhân vật trong những hoàn cảnh và lựa chọn mang tính chất của lịch sử.

Anh ta bất lực trước những mộng ước của mình, vùi đầu vào những triết luận, vào tình yêu nhưng không thể giải thoát được. Anh ta không phe phái, không chiến đấu, không bắn một phát đạn, nhưng không vô tội được. Anh ta mang sẵn một số phận lưu đày trên chính quê hương mình.

* Được biết bạn đang viết một tác phẩm tiếp theo, lớn hơn và mang nhiều kỳ vọng hơn, lại cũng là về đề tài chiến tranh. Đến cuốn này, “những gì tích lũy” của bạn về chiến tranh đã được giải tỏa chưa?

– Sự giải tỏa không nằm trong bản thân tôi, mà nằm trong cuộc đời. Chừng nào những người cùng một dân tộc nhưng khác sự lựa chọn chưa làm lành được với nhau, chưa tha thứ được cho nhau, chừng đó những nỗi đau, hệ lụy hậu chiến vẫn còn nhức nhối, không chỉ thế hệ cha anh tôi mà cả thế hệ của chúng tôi, các em của tôi nữa. Và khi đó, văn học về chiến tranh vẫn còn chỗ của nó.

* Bạn có gì chung với các bạn mình?

– Tôi cũng giống như họ, vừa tốt nghiệp và phải tìm việc làm để tự lập. Thích du lịch, nuôi thú cưng, cùng bạn bè làm từ thiện. Chỉ có đam mê đọc sách của tôi là khác.

Nhà văn Nhật Chiêu:

Tôi gặp lại một phần Sài Gòn

Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: Tự Trung

Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành – Ảnh: Tự Trung

Ở góc độ một người Sài Gòn, tôi gặp được một phần Sài Gòn mà tôi đã biết trong Mộ phần tuổi trẻ. Cuối thập niên 1960, ở phương Tây có phong trào tuổi trẻ nổi dậy, hướng đến tự do tư tưởng, phong cách năng động, cởi mở, cách sống thoáng hơn, thật hơn, giải phóng tính dục. Nhịp sống Sài Gòn thời đó rất sinh động và bắt nhịp rất nhanh với xu thế thế giới, một phần giới trẻ đã tiếp thu ngay phong cách này. Phần nào tư tưởng này được thể hiện qua các nhân vật trong Mộ phần tuổi trẻ.

Ở góc độ văn chương, Huỳnh Trọng Khang đã biết chọn cho mình một cách viết tề chỉnh, chọn lọc, điểm nhìn, góc nhìn riêng biệt. Với tác phẩm đầu tiên và tuổi đời còn trẻ như vậy, Khang đã bước đầu tạo được “cái bóng” của mình trên đường văn.

Điều mà tôi thấy đáng tiếc là cuốn sách quá ngắn. Với đề tài như vậy, nhân vật như vậy, giai đoạn lịch sử như vậy, tiểu thuyết có thể được khai triển ra toàn diện hơn, sâu rộng hơn, bao la hơn. Đây không phải là một tiểu thuyết về khoảnh khắc của xúc cảm như Buồn ơi chào mi, nên độc giả thấy hụt hẫng. Tất nhiên, lý do là vì tác giả còn quá trẻ, trải nghiệm thực tế còn quá mỏng và vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục chờ đợi Khang.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: