Có những câu chuyện nhỏ xíu vậy thôi, mà khiến tui yêu cái miền đất này đến kỳ lạ. Hễ có dịp nghỉ nhiều ngày, tụi bạn hay rủ tui đi du lịch ở Thái Lan, Campuchia hay Singapore… còn tui thì chỉ muốn rủ tụi nó về miền Tây. Về miền Tây xem chó săn chuột đồng mùa nước nổi Có một chợ nổi miền Tây giữa Sài Gòn Hổng biết bao nhiêu lần tui tự cười một mình, rồi nghĩ thầm trong bụng: chèn ơi, cái xứ gì mà cưng quá chừng! Tui nhớ quài cái nụ cười hiền khô của dì Bảy trên bến đò, rồi cái câu nói trỏng không, trớt quớt mà thiệt tình của anh Tư Hờn, cả cái xua tay xề xòa “có gì đâu mày ơi” của thiếm Sáu… Nhớ rồi thèm, thèm cái cảm giác chạy giữa những cánh đồng bát ngát thơm mùi lúa mới, những chiều ngồi trên ghe xuôi kinh Lớn đi câu cá rô… Đi nhiều nơi, gặp cũng nhiều người rồi mà chỉ nhớ và thương cái xứ này. Lạ kỳ thiệt! Bữa hổm xuống Cần Thơ có công chuyện, đi tới ngã ba loay hoay không biết phải rẽ hướng nào để về nhà bạn, thế nên tui tấp vào hỏi ông chú đang ngồi bên đường. – Chú! chú! Cho con hỏi đường nào về Hùng Vương vậy chú? – (Ông chú lớn tuổi xắn tay áo, lau mồ hồi, kiểu rất khí thế) Giờ chú muốn đi đường nào, hai ngã này, ngã nào cũng về Hùng Vương được hết chơn. Chú muốn đi đường nào tui chỉ đường đó. – Dạ đường nào gần gần á chú. (cười thảo mai). – Giờ hén, chú đi thẳng đường này gặp cái vòng xiến (xuyến) xong chú quẹo phải, xong chú đi tiếp gặp cái cầu, xong chú quẹo trái, rồi tới đó chú hỏi người ta tiếp cho chắc ăn hén. Còn mà nếu chú muốn đi đường kia, thì chú đi thẳng bỏ 2 cái đèn xanh đèn đỏ, rồi… (vừa chỉ vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng). Rồi có bữa đang đi trong thành phố thì quên đường, tấp vô hỏi chú xe ôm, chú chỉ cứ đi thẳng thêm 2 cái ngã tư nữa rồi quẹo phải. Đi được 5 phút thì thấy chú xe ôm hì hụt chạy theo sau, vừa chạy vừa la làng: – Cậu gì ơi! Nãy tui chỉ lộn, đường Hai Bà Trưng ở phía ngược lại, giờ cậu quay xe lại chạy theo tui nghen. Nói về khoản ăn uống thì người miền Tây là bao thoải mái. Hễ khách lại nhà chơi là không có tính toán chi ly, nhà có nhiêu thức ăn là đem ra đãi hết bấy nhiêu. Lần nọ, tụi tui ghé tịnh thất của sư cô Minh Phúc có công việc. Tịnh thất của cô đơn sơ chỉ là một căn nhà nhỏ nằm sâu trong những con hẻm ngoằn ngoèo của xóm lao động. Vừa đến nơi, sư cô đon đả mời chúng tôi ăn bánh, chưa kịp ăn xong, cô bảo giờ ăn cơm nghen, cô chuẩn bị cơm từ hồi sáng chờ mấy đứa tới. Dù hơi no no, nhưng thấy cô nhiệt tình cả đám cũng không nỡ từ chối. Mâm cơm đơn sơ chỉ là một tô canh rau, mấy miếng đậu hũ, và đĩa đồ xào chay, nhưng trân trọng làm sao, vì tui hiểu đó là tất cả những gì mà cô có. Đang ăn thì cô đem ra một mớ trái cây, nào cam nào quýt, cả một trái dưa hấu to đùng, cô bảo để xíu nữa ăn tráng miệng nghen. Cả đám nhìn nhau cười mà như khóc, sao ăn cho hết đây… Bẵng đi vài phút là không thấy cô Phúc đâu, nghe tiếng xèo xèo dưới bếp mới biết cô đang chiên thêm bánh phồng… Kiểu này ăn xong chỉ có nước lăn về nhà, chớ đi sao nổi. Ăn mà không kịp nghỉ giải lao luôn mà! Ở Sài Gòn, 5.000 đồng chỉ đủ cho một lượt gửi xe máy (ngày lễ Tết thì thậm chí còn không đủ vì giá giữ xe tăng lên 10.000 – 20.000 đồng). Nhưng, ở miền Tây thì 5.000 đồng bạn đã có thể mua được một tô bánh canh hoặc một dĩa bánh bò nước dừa béo ngậy… Bữa về thị trấn Chợ Mới, tui với bà chị đi ăn bún chả giò, lúc tính tiền giá mỗi tô bún là 8.000 đồng, hai đứa đứng hình nhìn cô bán bún kiểu như: Ủa cô có nói nhầm không vậy?. Tui hỏi: Còn ly nước sâm thì sao cô? Cô chủ quán cười hì hì: nước sâm miễn phí. Và rất rất nhiều lần đi ăn, đi uống sau đó tui liên tục bị “sốc giá”. Với một đứa sống lâu trong cái thành phố mà cái gì cũng đắt đỏ, thì ở nơi này thật sự là thiên đường. Năm ngoái xuống Bến Tre chơi, buổi tối tui với nhỏ bạn đi ra thị trấn, khoảng 9h thì về. Đường về nhà khá vắng, trời lại tối hai đứa sợ ma thí mồ. Đang chạy xe thì nhỏ bạn khều khều nói: – Ê mày, hình như chiếc xe máy đằng sau đang theo dõi mình. Tui nhìn vào gương chiếu hậu, tự nhiên sợ nổi da gà: – Rồi tính sao đây, ở đây vắng queo, không có nhà nào sáng đèn để tấp vô. Thôi cứ chạy hết ga, qua được cái cầu là tới khu dân cư. Tui rồ hết ga chạy té khói. Thấy tụi tui chạy nhanh, chiếc xe ở phía sau cũng đua theo. Hai chiếc mỗi lúc một gần nhau. Tui nghĩ thầm: chắc toi rồi! Đến giữa cầu thì chiếc xe nọ vượt lên được, phía bên kia tiếng cô gái vọng lại: – Em quên tắt xi nhan kìa cưng!!! Hai đứa tui chưa kịp hoàn hồn để cảm ơn thì người chị đã chạy đi mất. Ở xứ này người ta dễ thương một cách rất kiên trì! Bữa đi công tác ở An Giang, đường vào làng đang sửa, mà lại không có xe ôm. Tui phải lội bộ mấy cây số để vào chùa. Đang thơ thẩn đi chẳng biết lúc nào mới tới thì tui giật mình nghe tiếng kèn xe tải inh ỏi phía sau. Hú hồn, tụi vội vàng đứng nép vào lề, nhường đường cho xe tải. Mà lạ lùng, đã nép vào lề rồi mà “ông nội tài xế” vẫn bấm kèn inh ỏi. Tui chịu khó đi lùi thêm một xíu, nép vào lề thêm một xíu. Chiếc xe tải dừng lại, anh tài xề thò đầu ra nói: – Tui ra đường lớn nè, đi hong tui cho đi ké? Tui lớ ngớ: – Em đi ra chùa Liên Hoa. Anh tài xế nói: – Rồi leo lên xe đi tui chở đi. Tui mừng hét lớn. Vội cảm ơn rồi leo lên xe. Cứ tưởng ổng thò đầu ra chửi đi đứng không nhìn đường ấy chứ. Tháng trước nhóm tui ghé vào lớp học thiện nguyện của cô Uyên ở Cần Thơ để chiếu phim cho tụi con nít trong lớp coi. Mới đầu xin chiếu trong sân chùa cho rộng rãi, mà sư trụ trì không đồng ý. Cả đám đang suy nghĩ phương án B, thì cô Uyên bảo thôi cứ chiếu trong sân nhà cô luôn, sân hơi nhỏ nhưng có nhiêu mình chơi nhiêu. Ngoại – mẹ của cô Uyên thấy cả đám khệ nệ khiêng ghế, chậu hoa đi để căng bạt thì thắc mắc. Ngoại hỏi cô: – Ủa tụi nhỏ làm cái gì ở ngoải vậy bây? Cô Uyên cười: – Mấy bạn trẻ này trên Sài Gòn xuống chiếu phim cho học sinh của con coi đó má. Bà trầm ngâm: – Vậy là xíu nữa cái phim nó hiện lên trên tấm bạt đó hén. Ủa rồi tụi nó thu tiền vé không? Cô Uyên nói: – Mấy bạn này cũng giống như con, tổ chức miễn phí cho mấy đứa nhỏ đó má. Bà cười hề hề: – Chèn ơi, thương dữ hen. Kể từ lúc đó, ngoại luôn hỗ trợ nhóm hết mình, ngoại bảo: mấy con cần gì cứ nói ngoại nghen, nước trong tủ lạnh bên kia nghen, khát thì lấy uống, ngoại hổng có rầy đâu. Buổi tối, ngoại vào thay bộ bà ba thiệt đẹp ngồi coi cùng tụi nhỏ hết bộ phim. Trên chuyến xe cao tốc từ Sài Gòn về Kiến Tường (Long An), tui đang thiu thiu ngủ thì nghe người đàn ông ngồi ở dãy ghế phía trước gọi điện về nhà cho con gái. Người cha nói: – Cha khám bệnh xong rồi, giờ cha đang trên xe về nhà nè. Phía đầu dây bên kia, tiếng cô con gái ríu rít: – Cha đi Xì Gòn nhớ ghé mua bánh zìa cho con nghen. Người bố giọng buồn buồn: – Cha đi khám bệnh hết tiền rồi, giờ trong túi còn có hai ngàn à! Cô con gái nhỏ vẫn ríu rít: – Vậy xí nữa zìa nhà, cha cho con hai ngàn đó nghen. (cười ríu rít) Người bố cười nói: – Ừa, xíu về tới nhà cha cho con hai ngàn luôn! Tuần rồi tui đi xuống Vàm Nao, đi ngang qua mấy ngôi nhà sàn của người miền Tây, vừa thấy lạ vừa thấy đẹp, nên dừng xe lại xin chụp hình. Thấy cô chủ nhà đang nằm đong đưa trên võng, tui chạy lại xin: – Cô ơi nhà mình xinh quá, cho con chụp tấm hình nghen! (cười thảo mai) Cô chủ nhà ngồi bật dậy (kiểu rất hoang mang), hỏi: – Chụp hình rồi có thu tiền không chú? Tui cười (muốn bể bụng): – Dạ không, con chụp kỷ niệm à, con đâu thu tiền phí gì đâu. Cô chủ nhà cười hì hì: – Vậy chụp thoải mái đi, xin phép chi mắc công. Bữa đi lòng vòng ở Vĩnh Long chụp hình, thấy cô bé người Khmer tầm 5 – 6 tuổi đang đứng trước cửa nhà, tui cười nói: – Tạo dáng đi chú chụp cho tấm hình. Bé gái e thẹn 2 giây rồi chạy ào vào nhà, vài giây sau chạy lại vị trí cũ, trên tay ôm thêm con gấu bông. Bé gái cười thiệt tươi, tạo đáng cho tui chụp hình. Rồi có bữa, ghé vào chùa, thấy mấy đứa nhỏ đang chơi đá banh cùng một chú chó ở ngoài sân. Tui cầm máy lên chụp, tụi nhỏ chạy tới hỏi: – Chú chụp gì vậy? Tui trả lời: – Chú chụp hình mấy đứa chơi đá banh nè. Tụi nhỏ hào hứng: – Chú chụp hình con chó của tụi con nữa nghe. Vậy đó, có nhiều thứ nhỏ xíu vậy thôi, mà khiến tui yêu cái miền đất này đến kỳ lạ. Hễ có dịp nghỉ nhiều ngày, tụi bạn hay rủ tui đi du lịch bên Thái Lan, Campuchia hay Singapore… còn tui thì chỉ muốn rủ tụi nó về miền Tây. Theo kenh14