Startup về công nghệ của Việt Nam cần kinh nghiệm để thành công


So với các nước trong khu vực, Việt Nam là thị trường cởi mở hơn rất nhiều và có tiềm năng để phát triển thành công các startup công nghệ.

Startup ve cong nghe cua Viet Nam can kinh nghiem de thanh cong hinh anh 1(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 5/4, Hội thảo hợp tác khởi nghiệp Việt Nam-Anh được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu AstraZeneca ở Cambridge với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, đại diện lãnh đạo Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp hai nước.

Là sự kiện cuối cùng trong khuôn khổ Chương trình “Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh năm 2022” do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức, hội thảo tập trung thảo luận về tiềm năng phát triển, cơ hội những thách thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cũng như những triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh này.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chỉ ra tiềm năng phát triển startup công nghệ Việt Nam với những lợi thế phát triển công nghệ số của thị trường Việt Nam.

Ông chỉ ra rằng Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), với hơn 1 triệu nhân sự, và con số này đang tăng lên mỗi năm.

Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu điện thoại di động và đứng thứ 6 trên thế giới về dịch vụ phần mềm, với mức tăng trưởng 25%/năm ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Ngành ICT tại Việt Nam đang tăng trưởng 17%/năm, đạt giá trị 125 tỷ USD vào năm 2021.

Cố vấn của Đại học Western Sydney bày cách giúp start-up Việt vượt khó

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định hợp tác phát triển startup công nghệ giữa Việt Nam và Anh, một trung tâm công nghệ và tài chính hàng đầu của thế giới, còn nhiều tiềm năng phát triển.

Ông cho rằng Đại học Cambridge là đối tác tốt nhất để Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Đánh giá về tiềm năng phát triển startup của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc chương trình thạc sỹ về nghiên cứu tài chính tại Đại học Cambridge, cho biết Việt Nam là thị trường lớn với gần 100 triệu dân, có cơ cấu dân số trẻ, năng động, học hỏi nhanh và ham muốn khởi nghiệp.

Quan trọng hơn, so với các nước trong khu vực, Việt Nam là thị trường cởi mở hơn rất nhiều và có tiềm năng để phát triển thành công các startup công nghệ.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Bằng nhận định các startup Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và đây là điều mà Đại học Cambridge có thể hỗ trợ. Là thành phố nhỏ, song Cambridge là một trong những trung tâm khởi nghiệp về công nghệ và sinh học lớn nhất châu Âu với hơn 3.000 startup và một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đạt chuẩn quốc tế.

Ông cho rằng việc các doanh nghiệp trẻ có ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận, trao đổi thông tin, trải nghiệm hệ thống sinh thái Cambridge và nhận được hỗ trợ từ các bên có kinh nghiệm, các cố vấn sẽ là yếu tố quan trọng giúp các startup Việt Nam tránh được những thất bại khởi nghiệp, rút ngắn thời gian trên con đường dẫn đến thành công.

Ông hy vọng các cơ quan, tổ chức tại Anh và Việt Nam, như  Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và AstraZeneca, sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp trẻ Việt Nam tiếp cận với hệ thống sinh thái Cambridge.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và thị trường châu Á, cho biết thông qua hợp tác về vaccine, AstraZeneca cũng đang tìm kiếm các cơ hội phát triển quan hệ đối tác với Chính phủ Việt Nam trong phát triển hệ sinh thái y tế, khẳng định tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh đang phát triển hết sức tốt đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Theo: vietnamplus.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: