Chặn đà tăng giá vật liệu xây dựng


Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15.4.2022, yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Chặn đà tăng giá vật liệu xây dựng - ảnh 1
Thép xây dựng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng, thép… nên trong quý 1/2022, các vật liệu xây dựng thiết yếu này đã có sự tăng giá. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga – Ukraine dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, dự báo trong quý 2/2022 và trong thời gian tới sẽ có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106 triệu tấn/năm nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm. Thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong quý 1/2022, giá xi măng tăng từ 30.000 – 50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 1 – 3% so với quý 4/2021 và tăng 11 – 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá thép xây dựng trong nước có xu hướng tăng mạnh trước ảnh hưởng thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Xu thế tăng bắt đầu từ giữa tháng 2.2022 với mức tăng mạnh từ 600 – 1.200 đồng/kg. Đến giữa tháng 3, giá thép lần lượt tăng thêm khoảng 3,5% so với giữa tháng 2 và tổng mức tăng so với đầu năm khoảng 7,5%. Giá thép xây dựng các loại hiện nay khoảng 18.600 – 20.600 đồng/kg. Giá thép vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: