Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết tình hình nguồn cung xăng dầu đã tốt hơn nhưng mức chiết khấu vẫn rất thấp, hàng cấp nhỏ giọt. 10 ngày sau cuộc khủng hoảng xăng dầu ở TP.HCM, một số cây xăng tiếp tục treo biển hết hàng, tạm ngưng bán. Ảnh: Quỳnh Danh. Ngày 18/10, một số cây xăng ở Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn tiếp tục treo biển hết hàng, tạm ngưng bán khiến nhiều người lo lắng tình trạng khan hiếm xăng tại TP.HCM tái diễn. Nói với Zing, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu cho biết sau kỳ điều chỉnh ngày 11, chiết khấu vẫn rất thấp chỉ ở mức 0-100 đồng/lít, nguồn hàng hạn chế. “Cửa hàng của tôi hết dầu diesel và xăng E5 RON 92 mấy ngày nay nhưng không thể mua được hàng dù là cây xăng nhượng quyền của Petrolimex”, chủ một cửa hàng bán lẻ tại miền Bắc than. Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp sở hữu 5 cửa hàng tại miền Bắc cho biết ông phải rất vất vả mới mua được hơn 40 m3 xăng dầu chia đều cho các cửa hàng cầm cự qua ngày điều chỉnh giá mới. Thực tế, mặc dù Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối đã tổ chức họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo bổ sung, chia sẻ nguồn hàng cho các thương nhân phân phối bán lẻ khác nhưng tình trạng thiếu nguồn hàng, chiết khấu vẫn tiếp tục tái diễn. Chật vật gom hàng Chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại khu vực phía Bắc thừa nhận tình hình khan hiếm nguồn cung có dấu hiệu lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. “Để đảm bảo đủ nguồn hàng cho hệ thống, đại lý, tôi phải chạy vạy khắp các đầu mối để gom”, ông nói và cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp đầu mối thua lỗ nên hạn chế nhập hàng. Chủ doanh nghiệp này nhấn mạnh các bộ ngành cần vào cuộc đảm bảo nguồn cung cho đại lý và tính toán kịp thời chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu để các cửa hàng bán lẻ không bị lỗ nặng. “Không chỉ miền Nam mà hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ tại miền Bắc cũng đã phải tạm ngừng kinh doanh”, người này nói với Zing. Một số cây xăng ở Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn tiếp tục treo biển hết hàng. Ảnh: Diệu Thanh. Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết với việc những cơn bão diễn ra liên tục dẫn đến nguồn hàng trên thị trường khan hơn nên chiết khấu một số đầu mối giảm dần và duy trì mức rất thấp. “Nguồn hàng trên thị trường đang khan nhất là các khu vực miền Bắc, miền Tây”, vị này đánh giá. Thực tế hiện nay, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đang phải chật vật vì không đủ nguồn cung trong khi mức chiết khấu vẫn duy trì mức rất thấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ khi mức chiết khấu khoảng 700-800 đồng/lít thì họ mới có thể có lãi. Bởi cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, thuê mặt bằng giá cao… Trên địa bàn TP vẫn còn một số cây xăng hết hàng cục bộ, do phụ thuộc nhiều vào các đơn vị phân phối, vận tải. – Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ngày 20/10, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận đến nay trên địa bàn TP vẫn còn một số cây xăng hết hàng cục bộ, do phụ thuộc nhiều vào các đơn vị phân phối, vận tải. Ông Lê Huỳnh Minh Tú đánh giá đây là vấn đề thiếu hụt cục bộ, chỉ diễn ra ở một số cửa hàng tư nhân do phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp phân phối, vận tải. Với các doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực tài chính và chuỗi cung ứng tốt, việc duy trì bán hàng liên tục được đảm bảo. “Sở Công Thương và các cơ quan chức năng đang cố gắng cùng các doanh nghiệp cố gắng đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường”, ông nhấn mạnh. Kiến nghị bơm hàng nghìn tỷ cho doanh nghiệp xăng dầu Mới đây, Bộ Công Thương đã lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bơm tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, ông lớn Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng trên 6.000 tỷ đồng doanh nghiệp đang vay từ các ngân hàng này để nhập khẩu xăng dầu (Vietcombank 2.500 tỷ, BIDV 2.500 tỷ và VietinBank 1.000 tỷ đồng). Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ đề nghị các ngân hàng VIB, VietinBank, BIDV hỗ trợ thanh toán LC nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài. Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, VietinBank bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài. Đặc biệt, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất 6 ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở LC với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu. Công ty CP dầu khí Nam Sông Hậu cũng đề xuất các ngân hàng Agribank và BIDV cấp cho doanh nghiệp này khoản tín dụng 700 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức tối thiểu và dự trữ bắt buộc. Bộ Công Thương đã đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện thủ tục mua xăng dầu kịp thời để bổ sung cho nguồn cung trong nước. Ảnh: Đức Anh. Trong buổi làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè – TP.HCM thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Saigon) ngày 19/10, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cho biết khu vực phía Nam có 1/19 doanh nghiệp đầu mối không thực hiện nhập khẩu, dự trữ xăng dầu theo quy định. Đồng thời, 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao. Đơn vị này yêu cầu các đơn vị chức năng thống kê, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định ngay trong tháng 10. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép vĩnh viễn của doanh nghiệp đầu mối, phân phối và kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện nhập khẩu, dự trữ theo đúng quy định. Theo Zing News