Ngày 10.3, theo báo giá của một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 7 (TP.HCM), giá thép cuộn D6 và D8 của Hòa Phát lên 19,5 triệu đồng/tấn; thép Việt Nhật là 20,4 triệu đồng/tấn; hiệu Pomina là 19,8 triệu đồng/tấn. Còn thép cây D10 dao động khoảng 20 – 20,5 triệu đồng/tấn (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%). So với cuối tháng 2, giá trên đã tăng từ 600.000 – 700.000 đồng/tấn và so với cuối năm 2021 đã tăng gần 2 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thép hiện tại đã cao hơn đỉnh của năm 2021. Giá thép liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay do giá nguyên liệu từ quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi tăng mạnh. Chẳng hạn, giá phôi thép giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 39 – 40 USD/tấn lên mức 660 USD/tấn vào cuối tháng 1 thì đến cuối tháng 2 tiếp tục tăng lên khoảng 720 USD. Còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn, tăng 40 – 45 USD/tấn so tháng 1 và thậm chí còn cao hơn mức giá của 1 năm trước. Giám đốc một công ty thép tại phía nam nhấn mạnh: Giá thép liên tục tăng từ đầu năm đến nay chủ yếu do nguyên liệu thế giới đi lên. Cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất tại các công ty đi lên. Nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện tại, không ai có thể dự đoán được giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa hay quay đầu giảm sau khi tăng lên đỉnh cao như năm trước. Không chỉ giá thép liên tục tăng, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng cao. Ví dụ, tại một số điểm bán vật liệu xây dựng ở TP.HCM, giá cát đang ở mức 300.000 đồng/mét khối, tăng 10.000 đồng so với đầu năm, gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên. Đồng thời theo ông Lương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam (TP.HCM), ngoài giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác đi lên thì chi phí lao động cũng tăng cao khiến các nhà thầu điêu đứng. Cụ thể, lương thợ chính từ 500.000 đồng/người/tháng cuối năm vừa qua nay lên 550.000 đồng/người/tháng. Chỉ riêng chi phí nhân công đã chiếm 30% giá trị công trình. Vì vậy theo ước tính của ông Tuấn, chi phí xây dựng công trình dân dụng nếu như năm 2021 từ 3,6 – 3,8 triệu đồng/mét vuông nhà thô thì nay lên tối thiểu 4,2 triệu đồng/mét vuông. Vì vậy bản thân các nhà thầu lúc này khi ký hợp đồng với chủ nhà cũng phải tính toán khá kỹ để không bị lỗ, hoặc phải ký theo dạng hợp đồng kèm điều khoản trượt giá… Theo: Thanh Niên