Làn sóng trả mặt bằng đắt đỏ


Số lượng mặt bằng ở trung tâm TP HCM, Đà Nẵng đóng cửa ngày càng nhiều đã phản ánh cuộc cải tổ lớn chưa từng có trong nửa thế kỷ qua đối với ngành bán lẻ

Nhiều khu vực trung tâm TP HCM vốn là “thiên đường” mua sắm, ẩm thực giờ trở nên vắng vẻ bởi hàng loạt thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống đóng cửa, trả mặt bằng.

Dịch chuyển địa điểm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại không ít địa điểm mua sắm, ăn uống dọc các con đường đắt đỏ ở TP HCM như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng (quận 1), khu vực Hồ Con Rùa (quận 3)…, bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng dán đầy cửa kính nhưng không có người thuê. Chỉ tính riêng đường Đồng Khởi đã có gần 20 mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê.

Tương tự, tại nhiều tuyến phố ở TP Đà Nẵng như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn…, nhiều cơ sở kinh doanh cửa đóng then cài, chủ nhà treo biển tìm người thuê. “Giá thuê mặt bằng đường Lê Duẩn khoảng 35 triệu đồng/tháng trong khi cửa hàng rất vắng khách nên tôi không thể gồng gánh nổi chi phí, buộc phải trả mặt bằng để tạm thời chuyển sang bán hàng online” – chị Trần Thị Thu Hồng, chủ một cơ sở kinh doanh thời trang, cho hay.

Anh Nguyễn Văn Phụng, làm nghề môi giới bất động sản ở TP Đà Nẵng, cho biết anh đang “chạy” cho thuê nhiều mặt bằng ở đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Võ Văn Kiệt. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh khó khăn nên dù tích cực rao, đăng tin và treo biển cho thuê mặt bằng mà vẫn không tìm được khách.

Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết trong tháng 4-2023, chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia của công ty đã trả một mặt bằng trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) sau khi hết hạn hợp đồng vì giá thuê quá cao – 150 triệu đồng/tháng. Chi nhánh này sau đó được chuyển vào một siêu thị, hoạt động dưới hình thức ăn chia theo doanh số, hiệu quả cao hơn so với thuê mặt bằng tự kinh doanh.

Đại diện một chuỗi bán lẻ thực phẩm cao cấp ở TP HCM cũng cho hay vừa trả một mặt bằng tại khu dân cư hạng sang khu vực quận 1 sau chưa đầy 1 năm khai trương để tập trung phát triển mảng kinh doanh online. “Với những mặt bằng khác, chúng tôi không được chủ nhà giảm giá, thậm chí còn tăng giá cho thuê khi thấy cửa hàng kinh doanh tốt, nên có thể chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc có thuê tiếp không” – đại diện chuỗi bán lẻ này phản ánh.

Theo các DN, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm, DN phải tính toán rất kỹ, “thắt lưng buộc bụng” để kiểm soát chi phí. Hầu hết DN lựa chọn tái cấu trúc, mạnh tay đóng cửa những địa điểm kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ hoặc chuyển dịch kinh doanh về khu vực đang phát triển để bảo đảm nguồn thu, lợi nhuận. “Thay vì cố giữ một điểm bán ở vị trí trung tâm, DN phải quan tâm bài toán hiệu quả đối với từng cửa hàng, từng mô hình và chọn đầu tư ở khu vực phù hợp” – bà Lê Thị Ngọc Thủy, nhà sáng lập Viva International (sở hữu thương hiệu Viva Star Coffee), nói.

Nhiều mặt bằng trên những con đường “tỉ USD” ở TP HCM rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu. Ảnh: TẤN THẠNH

Cải tổ ngành bán lẻ

TS Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường truyền thông quốc tế, cho biết đầu năm 2023, thị trường bất động sản toàn quốc tăng trưởng 24%, bất động sản nhà phố tăng 61% và bất động sản cửa hàng tăng 62%. Dù vậy, mặt bằng trên những tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP HCM chủ yếu kinh doanh sản phẩm phục vụ khách du lịch trong khi du khách đến Việt Nam chưa nhiều nên người thuê gặp khó khăn.

Với khách hàng nội địa, sau dịch COVID-19, xu hướng mua hàng trực tuyến và đặt dịch vụ giao tận nhà gia tăng nên DN có xu hướng chuyển cửa hàng ra xa trung tâm để có mặt bằng giá rẻ hơn. Đáng chú ý, mặt bằng trung tâm thường do các đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản “sang tay” nhiều lần nên giá chênh lệch rất cao trong khi chủ cho thuê không muốn chịu lỗ, không giảm giá.

“Chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh nên mặt bằng giá thấp luôn được ưu tiên. Làn sóng rút lui khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lúc này, chủ cho thuê và người thuê nên thương lượng mức giá hợp lý để cùng có lợi” – ông Sơn lưu ý.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang phân tích: Làn sóng DN, chủ thương hiệu rời bỏ các vị trí kinh doanh ở khu vực trung tâm có nhiều lý do. Trong đó, lý do dễ nhận thấy nhất là sức mua giảm mạnh. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là đang diễn ra tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ môi trường bán lẻ khi nhiều sản phẩm trước đây khách hàng phải mua tại cửa hàng thì nay có thể dễ dàng mua sắm online. Bên cạnh đó, phải kể đến lý do ngành thực phẩm và đồ uống đã phát triển quá nóng, buộc phải đóng cửa hàng loạt khi rơi vào khủng hoảng thừa, đơn cử như trường hợp PhinDeli.

Các chuyên gia nhận định giai đoạn “bong bóng” bất động sản vừa qua đã đẩy giá mặt bằng ở những khu vực cao cấp như Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, đường Lê Lợi… (TP HCM) leo thang quá mức nên khi “bong bóng” vỡ, giá vẫn neo cao khiến người thuê không thể trụ được. Tuy nhiên, đã có một số chủ cho thuê chấp nhận hạ giá mặt bằng ở những vị trí đẹp với mức khoảng 20%-30% để thu hút khách.

Chờ yếu tố thuận lợi

Các chuyên gia dự đoán sẽ mất ít nhất 1 năm nữa để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TP HCM.

Chuyên gia Võ Văn Quang chỉ rõ: Khi tái cấu trúc môi trường bán lẻ, sẽ có những loại hình shopping mới phù hợp với nhu cầu mới. Những mặt hàng cao cấp, xa xỉ không còn dễ bán như trước, người tiêu dùng tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Bán lẻ online phát triển quá mạnh khiến các cửa hàng bán lẻ trực tiếp dần mất khách. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang hình thành những ngành hàng mới, chiếm giữ vị trí mặt tiền lớn, dù vẫn chưa đủ lớn để thay thế, lấp đầy số đã và đang rời đi.

“Khu vực trung tâm sẽ sôi động trở lại nếu xuất hiện một số yếu tố thuận lợi như nhà ga của tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, kinh tế phục hồi. Trước mắt, việc chủ cơ sở kinh doanh ồ ạt rời đi sẽ tạo áp lực để kéo giá cho thuê xuống, hình thành mặt bằng giá mới” – ông Quang nhận định.

Theo Người Lao Động Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: