Mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM dần phục hồi


Với thị trường cho thuê mặt bằng, một số ngành hàng đang ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, trong khi giá thuê tại vị trí tốt vẫn chưa về mức trước đại dịch.

Gần một tháng sau khi cầu Thủ Thiêm 2 đi vào hoạt động, các mặt bằng dọc đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) dần được lấp đầy. Trong khi một số quán xá mới đã mọc lên, số khác cũng đang thi công sửa chữa, chuẩn bị đón khách trong tháng tới.

Trong khi đó, các tuyến đường trung tâm khác như Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu (quận 1) hay Nguyễn Trãi (từ quận 1 đến quận 5)… cũng có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại khi những mặt bằng đóng cửa im lìm.

Nhiều ngành bán lẻ, dịch vụ trở lại

Trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Anh Tú, đại diện một đơn vị cung cấp máy móc thẩm mỹ, cho biết thời gian gần đây đang tích cực lắp đặt trang thiết bị cho các spa, thẩm mỹ viện chuẩn bị khai trương ở TP.HCM.

Hai tháng trở lại đây, nhiều chuỗi spa rầm rộ mở rộng hệ thống, trong khi một số chủ đầu tư mới cũng bắt đầu tham gia vào ngành này. Đặc biệt, những cơ sở làm đẹp mới hoặc sắp khai trương có quy mô diện tích lớn hơn, đặt tại vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố.

Nhiều đơn vị đang mở mới spa, thẩm mỹ viện ở TP.HCM, sau 3 năm ngành “đóng băng”. Ảnh: NVCC.

Không riêng gì ngành làm đẹp, các lĩnh vực như thời trang, F&B, bán lẻ… cũng đang chứng kiến sự hồi phục. Chỉ trong tháng 6, Công ty CP Phúc Sinh khai trương 2 showroom liên tiếp mang thương hiệu K Coffee ở quận Phú Nhuận và quận 1. Mục tiêu của doanh nghiệp là hàng trăm điểm bán khắp cả nước.

Trong khi đó, hồi đầu tháng 6, Thế Giới Di Động công bố hoàn tất cột mốc 50 cửa hàng AVAKids chỉ sau 5 tháng ra mắt mô hình mới. Lý giải về sự tăng tốc này, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc, cho biết doanh số bình quân mỗi cửa hàng đã đạt mức 1,8-2 tỷ đồng/tháng. Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng số lượng điểm bán lên hơn 200 đến cuối năm, từ đó ước thu hàng nghìn tỷ đồng doanh thu trong năm nay.

Theo CEO Thế Giới Di Động, quy mô thị trường mẹ bé lên đến khoảng 6-7 tỷ USD, tuy nhiên thị phần chủ yếu thiên về các cửa hàng nhỏ, lẻ. Với tiềm năng dư địa còn lớn này, AVAKids tham vọng trở thành tay chơi số một với hàng nghìn cửa hàng trong năm 2023.

Song song với sự tăng trưởng mạnh của ngành mẹ và bé, tập đoàn cũng đang mở rộng các cửa hàng kinh doanh đồ thể thao và thử nghiệm xây dựng mô hình cửa hàng thời trang.

Tín hiệu tích cực

Thực tế, theo nghiên cứu Impacts 2022 của Savills, trong khi một vài thương hiệu gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số giữa dịch bệnh thì vẫn có một số ngành ghi nhận hoạt động tích cực như thể thao, đồ gia dụng, sức khỏe, F&B và xe điện.

Sau thời gian dài đóng cửa vì giãn cách, kể cả khi người tiêu dùng đã làm quen với mua sắm trực tuyến, các cửa hàng vật lý vẫn đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế cho thấy cửa hàng bán lẻ vẫn là yếu tố chính trong chiến lược thương hiệu kết nối với người tiêu dùng, tăng nhận diện thương hiệu và góp phần tăng doanh thu.

Cửa hàng truyền thống vẫn là nơi thương hiệu kết nối với người tiêu dùng và tăng độ nhận diện. Ảnh: AVAKids.

Đại diện hãng nghiên cứu cho biết doanh thu ghi nhận của các mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đã tăng trở lại từ 70-80% và được kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ về mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhiều thương hiệu quốc tế đang có chiến lược mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm văn phòng và nhà phố cho thuê ở TP.HCM trong tháng 5 vừa qua đã tăng vọt lần lượt 112% và 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia tại đây lý giải sự trở lại sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạo đà cho những chỉ số tích cực của thị trường bất động sản cho thuê.

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tự tin hơn khi thuê lại mặt bằng hoặc bắt đầu thuê mới. Đây cũng là cơ hội để tiếp tục mở rộng thị trường và tăng doanh thu thông qua kênh bán lẻ truyền thống.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: