Mùng 5 Tết, chợ tấp nập siêu thị còn vắng


Ngày mùng 5 Tết, các siêu thị, chợ đã hoạt động trở lại bình thường. Sức mua tăng dần khi nhiều gia đình từ quê trở lại chuẩn bị đi làm ngày mùng 6 Tết. Các mặt hàng tươi sống, rau cải đắt hàng.


Sau nhiều ngày nghỉ và đi chơi Tết, nhiều gia đình tìm hải sản, cá để đổi món – Ảnh: N.BÌNH

Đến ngày 26-1, tức mùng 5 Tết, có thêm một số siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn tìm đến các chợ truyền thống nhiều hơn để mua các loại thủy hải sản tươi sống và rau xanh.

Thủy hải sản giá Tết vẫn đắt hàng

Tại chợ Đo Đạc (TP Thủ Đức), cá thu, cá điêu hồng, cá lóc, cá kèo… là những mặt hàng bán chạy nhất. Bà Ngọc Hà, ngụ TP Thủ Đức, cho biết giá các loại cá tươi sống vẫn còn cao nhưng đã giảm nhẹ so với ngày mùng 3 khi nhiều người bán hơn như cá kèo lên đến 240.000 đồng/kg, cá điêu hồng 110.000 đồng/kg, cá lóc 100.000 đồng/kg…

Khách mua tập trung vào sáng sớm, chỉ hơn 10h sáng chợ vãn vì thế không khí mua bán rất khẩn trương.

Tương tự tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), tiểu thương hàng tươi sống cho biết đã họp chợ từ ngày mùng 1 Tết, đến chiều mùng 3 thì số sạp mở cửa nhiều hơn, sức mua tốt.

Theo ghi nhận, giá các loại ốc, cá thác lác, thịt heo, thịt bò đều cao hơn từ 10.000-40.000 đồng/kg so với trước Tết nhưng người mua vẫn sẵn sàng chi. Chỉ một số loại hải sản cao cấp như cá thu, tôm sú, mực lá, ốc hương… bán chậm hơn.

Không khí tại các siêu thị có vắng hơn, hàng hóa vẫn được đảm bảo. Năm thứ 5 ăn Tết miền Nam nhưng lần đầu đi chợ sau Tết, bà Thanh Phạm, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết không nghĩ hàng hóa ở siêu thị dồi dào và tươi ngon như vậy.

“Mọi năm tôi cứ trữ các loại rau, củ trong nhà đến mùng 10 mới đi chợ. Do trữ lâu nên rau các loại cũng héo, phải bỏ đi rất nhiều. Từ Tết sau tôi không trữ nữa mà yên tâm mua vừa đủ”, bà chia sẻ khi đang đi mua sắm tại siêu thị Co.opmart gần nhà.

Cũng tại hệ thống siêu thị này, từ đây đến ngày 27-1 (tức tmùng 6 Tết), khách hàng có hóa đơn mua sắm trong ngày trong khu tự chọn từ 500.000 đồng trở lên sẽ được tham gia chương trình “Hái lộc đón phúc – Sung túc cả năm” nhận ngay lộc xuân Co.opmart với bao lì xì là các phiếu mua hàng với nhiều mệnh giá từ 30.000 đồng trở lên, trong đó “đỏ” nhất là bao lì xì trị giá đến 500.000 đồng.

Theo ghi nhận tại một số siêu thị Co.opmart, Winmart, Topsmarket… người dân đã bắt đầu mua sắm ngay trong những ngày đầu của năm mới, nhưng sức mua bắt đầu tăng từ mùng 5 Tết. So với mặt bằng giá ở chợ, giá rau củ ở các siêu thị không biến động nhiều.

Một số nhóm hàng như sản phẩm chay, trái cây, rau củ… được siêu thị tăng nguồn hàng, giá khuyến mãi mạnh để phục vụ khách hàng cần chế độ ăn cân bằng, thanh lọc cơ thể sau Tết.

Giá trái cây sau Tết có neo cao nhưng so với năm ngoái vẫn thấp hơn – Ảnh: N.BÌNH

Lượng hàng về chợ tăng

Một trong những lý do giá hàng hóa hạ nhiệt hơn những ngày trước là lượng hàng nhập chợ đầu mối bắt đầu tăng, dù vẫn chỉ bằng khoảng 31 – 52% so ngày thường.

Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau và trái cây về chợ trong ngày mùng 4 Tết khoảng 1.172 tấn/ngày, tăng 28,5% so cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 52% so với ngày thường.

Giá bán buôn các mặt hàng rau củ quả, trái cây nhìn chung ổn định so ngày trước, riêng dưa leo, đậu cove trắng hàng về nhiều, bán chậm, giá giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, bí đỏ Trà Vinh, khoai lang bí hàng về ít do nhà vườn còn nghỉ Tết, sức mua tăng nhẹ, giá tăng từ 2.000 – 7.000 đồng/kg.

So cùng kỳ năm trước, giá các mặt hàng rau, củ, quả đa số tăng, giảm phổ biến 3.000 – 10.000 đồng/kg, riêng bông cải trắng tăng 17.000 đồng/kg từ 18.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg, cải xanh tăng 13.000 đồng/kg từ 10.000 đồng/kg lên 23.000 đồng/kg, đậu cove trắng tăng 10.000đ/kg từ 20.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, củ hành đỏ Vĩnh Châu tăng 20.000 đồng/kg…

Trong khi trái cây lại có xu hướng giảm so với năm ngoái.

Sản lượng rau củ và trái cây nhập chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 860 tấn (trong đó 752 tấn rau củ quả, 108 tấn trái cây), tăng 26,8% so với ngày trước, giảm 12% so với cùng kỳ và bằng khoảng 52% so với ngày thường, thịt heo bắt đầu nhập chợ từ ngày 25-1 với 35 tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước, hiện có 178 sạp đã hoạt động lại. Giá các mặt hàng rau, củ đa số đã về mức giá của ngày bình thường.

Tổng lượng hàng hóa về chợ đầu mối Bình Điền khoảng 772 tấn, tăng 14,7% so ngày trước, giảm 3% so với cùng kỳ và bằng khoảng 31% so với ngày thường, sức bán trong đêm chỉ ở mức trung bình chủ yếu là bán hàng còn tồn.

Giá một số mặt hàng tăng như cá kèo tăng 60.000 đồng/kg từ 120.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg, tôm sú sống tăng 110.000 đồng/kg từ 280.000 đồng/kg lên 390.000 đồng/kg, ốc hương Phan Rí tăng 110.000 đồng/kg từ 380.000 đồng/kg lên 490.000 đồng/kg….

Báo cáo nhanh của Bộ Tài chính cho thấy nhu cầu mua sắm ngày Tết của người dân tập trung vào buổi sáng, chủ yếu mua bán các mặt hàng rau, củ, quả và một số thực phẩm tươi sống.

Bộ Tài chính dự báo, trong mùng 5 Tết, tất cả hệ thống siêu thị, chợ dân sinh cơ bản sẽ hoạt động trở lại như ngày thường nên nguồn cung dồi dào hơn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân sau khi trở lại và chuẩn bị cho những ngày đi làm đầu năm.

Dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không có sự biến động lớn về giá do nguồn cung hàng hóa sẽ nhiều hơn so với các ngày trước và nhu cầu không có đột biến…

Quán ăn, cà phê ở Vinh đông nghịt khách ngày mùng 5 Tết

Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều quán ăn, cà phê ở TP Vinh, Nghệ An đông nghịt khách dù giá các mặt hàng, món ăn đều tăng từ 10-20%.

9h sáng 26-1 (tức ngày mùng 5 Tết), nhóm thực khách 6 người của gia đình Nguyễn Thị Trâm (38 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh) ghé quán ăn cháo, súp lươn trên đường An Dương Vương, TP Vinh, Nghệ An.

Lúc này, bên trong quán ăn hai tầng với gần 20 bàn đều đã ngồi kín khách. Nhiều khách đã ngồi chờ từ 30 phút đến cả giờ đồng hồ song vẫn chưa tới lượt. Từ Hà Nội về quê nội chơi, cả gia đình chị Trâm đều cố nán lại để thưởng thức món cháo, súp lươn – đặc sản ẩm thực xứ Nghệ.

“Mấy ngày Tết, ăn nhiều đồ chiên rán, bánh chưng rất ngán nên gia đình tôi muốn tìm đến quán súp lươn này vừa thay đổi khẩu vị vừa cũng là để cầu may mắn, mọi việc trôi chảy trong năm mới theo quan niệm ăn lươn đầu năm”, chị Trâm chia sẻ.


Giá giá mỗi bát súp, cháo lươn cá ở đây thường từ 35.000 đồng – 50.000 đồng thì nay đều tăng từ 15-20%, lên mức 50.000 – 70.000 đồng/bát – Ảnh: DOÃN HÒA

Nếu như ngày thường, giá mỗi bát súp, cháo lươn cá ở đây thường từ 35.000 đồng – 50.000 đồng thì nay đều tăng từ 15-20%, lên mức 50.000 – 70.000 đồng/bát.

Cạnh quán bà Hiền, một quán phở Hà Nội cũng đông nghịt khách tới ăn từ sáng đến trưa. Các món ăn được niêm yết giá cả rõ ràng, chủ quán dán giấy thông báo tăng giá 10.000 đồng/bát đến hết ngày mùng 5 Tết nhưng được tặng kèm một đĩa quẩy.

Tuy nhiên, do quán chỉ có 4 người nhân viên từ đầu bếp, thu ngân, chạy bàn nên lượng khách đến ăn quá tải, không kịp phục vụ. Có đoàn khách ngồi chờ gần cả tiếng không ăn được đành ra về.


Quán cà phê ở TP Vinh chật kín khách sáng mùng 5 Tết – Ảnh: DOÃN HÒA

Không riêng gì quán ăn, các quán cà phê ở các trung tâm thương mại, dọc các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh) cũng kín khách. Một số quán đã mở cửa “xuyên Tết”.

Theo khảo sát, giá cả các loại đồ uống trong những ngày nghỉ Tết đều tăng từ 10-15% so với ngày thường.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: