Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản đang chờ đợi các giải pháp khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ pháp lý được phản ánh trong những cuộc họp do Chính phủ và các bộ ngành tổ chức gần đây. Khó chồng khó, doanh nghiệp đang bế tắc Theo lãnh đạo Tập đoàn KD, từ đầu năm đến nay nguồn thu không đủ bù chi phí. Hệ quả là doanh nghiệp (DN) phải nợ thuế, nợ bảo hiểm và nợ lương nhân viên từ tháng 9 đến nay và tình trạng này gần như chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó, do nợ thuế nên mới đây ngành thuế đã ra thông báo cưỡng chế DN ngừng sử dụng hóa đơn trong một năm. Khó này kéo khó kia, kinh doanh bết bát cộng với thị trường chứng khoán liên tục lao dốc khiến cổ phiếu DN liên tục bị bán giải chấp. Để tạo thanh khoản, một dự án của KD ở Nha Trang đã phải bán giảm giá đến 33% nhưng cũng không ai mua. Một số sự kiện bán hàng căn hộ tại Bình Dương do Tập đoàn KD tổ chức có hàng trăm khách hàng mỗi sự kiện, nhưng cũng thất bại, chỉ bán được lèo tèo vài căn. Thị trường đình trệ, tâm lý khách hàng cũng “đóng băng”. “Hiện nay công ty đang nợ tiền nhà thầu, nợ hoa hồng nhân viên khiến dự án cũng phải dừng thi công. Chúng tôi đã liên hệ được với một quỹ đầu tư nước ngoài mà cũng phải đến tháng 2.2023 mới được giải ngân khoảng 10 triệu USD. Nhưng từ nay đến lúc đó thì chưa biết làm thế nào. Chúng tôi đã tính đến phương án cầm cố dự án thông qua các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng để vay tiền cầm cự. Một số dự án đang bán rẻ, thậm chí bán lỗ nhưng cũng rất khó. Lúc này, ưu tiên là tồn tại thôi”, vị lãnh đạo Tập đoàn KD thở dài. Cần có giải pháp khơi thông vốn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản ĐÌNH SƠN Cũng trong tình trạng tương tự, lãnh đạo Công ty bất động sản (BĐS) HTL mệt mỏi chia sẻ, ông đã thực hiện chính sách giảm giá đối với các dự án BĐS từ 24% đến gần 50% cho những khách hàng đóng 95% số tiền trong hợp đồng và đối với các khoản thanh toán trước hạn. Tuy nhiên giải pháp này cũng không khả thi vì ít khách hàng tham gia, nên công ty đã tạm dừng không triển khai nữa. Hiện DN này cũng đang chạy đôn chạy đáo gom tiền, thậm chí vay nóng vay nguội để mua lại các lô trái phiếu sắp đến kỳ đáo hạn vào tháng 12.2022. Công ty phải giãn tiến độ thi công, thậm chí dừng thực hiện một số dự án do không còn tiền trả cho nhà thầu. Trong khi đó tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài. “Công ty còn 400 căn hộ ở Bình Dương nhưng mấy tháng nay chỉ có 20 khách hàng đặt chỗ. Chính vì vậy chúng tôi đã hủy kế hoạch bán hàng tập trung, vì với số khách ít ỏi như vậy cũng không đủ bù chi phí tổ chức sự kiện, bộ máy phục vụ. Hiện nay tâm lý khách hàng lo sợ nên dù có tiền cũng không dám mua BĐS. Chỉ những người có nhu cầu thật mới mua, nhưng khổ nỗi ngân hàng không cho vay nên họ cũng đành chịu. Không bán được hàng khiến DN quá lao đao”, vị này cho hay. Hiện nay lạm phát đang được kiểm soát nên có thể nới nhẹ một số chính sách. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1 – 2% nhằm tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại. – Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS VN Ông chủ của một tập đoàn BĐS hàng đầu VN suốt thời gian qua chạy tới chạy lui tìm gọi vốn từ đối tác trong và ngoài nước, bạn bè, người thân trong gia đình, thậm chí huy động từ chính nhân viên trong công ty nhưng cũng không ăn thua. Áp lực từ khách hàng ngưng thanh toán, hủy ngang hợp đồng mua bán; áp lực từ trái chủ đòi trả lại trái phiếu; áp lực từ tin đồn trong khi giao dịch gần như đóng băng khiến ông gần như rơi vào bế tắc, bất lực. “Vẫn biết là khó, nhưng khó thế này thì chưa bao giờ tôi hình dung được. Vẫn biết phải cố gắng để tồn tại nhưng cố gắng như thế nào tôi cũng không biết, khi có cảm giác mọi cánh cửa đều đóng lại”, ông trải lòng. Khó khăn của thị trường BĐS cũng lan sang các lĩnh vực khác, điển hình là lĩnh vực xây dựng. Hiện nay hầu hết các công trình thi công đã giãn tiến độ, thậm chí ngừng hoàn toàn. Chủ một công ty xây dựng có tiếng ở TP.HCM nói rằng công trình xây dựng đã ký kết thì hết 50% là lùi lại thời hạn. Số công trình đang thi công cũng làm cầm chừng, thậm chí dừng thi công vì chủ đầu tư không “rót” tiền đúng như tiến độ khiến công ty phải nợ lương công nhân. “Chúng tôi đã phải cắt giảm 50% số công nhân đang làm việc tại các công trường vì không có việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài chắc nhiều công ty xây dựng sẽ phá sản”, vị này nói thẳng. Khơi thông dòng vốn trên thị trường Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định thị trường BĐS đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Vì vậy, HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại, nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, nhất là đối với các DN có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS VN, cho rằng không nên quá cứng nhắc trong chính sách điều hành tài chính, nhất là việc siết chặt cả đối với những người có nhu cầu thật vay mua BĐS. Bởi hiện nay đa số người mua nhà, kể cả người mua nhà để ở, đều phải dùng đòn bẩy tài chính, phải vay ngân hàng. Nay người mua nhà không vay được đã vô tình hạn chế nguồn cầu, từ đó dẫn đến việc thị trường “đóng băng” giao dịch. Không những thế, việc chính sách cào bằng không cho cả các dự án khả thi, có pháp lý hoàn thiện được vay để tiếp tục triển khai là điều bất cập. Có những dự án đã thi công gần xong nhưng ngân hàng không giải ngân khiến phải dừng lại. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư sẽ giao nhà trễ cho khách hàng so với cam kết trong hợp đồng. Hiện nay lạm phát đang được kiểm soát nên có thể nới nhẹ một số chính sách. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng khoảng 1 – 2% nhằm tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại. Bên cạnh khơi thông vốn cho thị trường BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng trái phiếu DN (TPDN) cũng cần được thúc đẩy trở lại do đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay niềm tin của nhà đầu tư vào kênh này đang bị giảm sút, nên cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khơi thông thị trường vốn dài hạn. TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng đây là lúc cần xem xét, sửa đổi nhiều quy định liên quan đến hoạt động TPDN để tạo lập và xây dựng một thị trường vững mạnh hơn. Để làm được điều đó thì cần thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn thị trường TPDN không phải chỉ do Bộ Tài chính quản lý mà cần có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước bởi vai trò của hệ thống ngân hàng rất lớn. Hoặc phải có sự tham gia trong việc xây dựng khung pháp lý và giám sát của Bộ Tư pháp. Cụ thể như hiện nay Nghị định 65/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế cũng chưa phù hợp. Đó là việc quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỉ đồng trong thời gian 6 tháng mới được tham gia mua TPDN thì ai sẽ là người xác nhận? Liệu các công ty chứng khoán xác nhận thì có đơn vị nào giám sát hay không? Quy định này vô hình trung đã khiến nhiều người dân khi có tiền cũng không thể tham gia mua TPDN, trong khi Chính phủ lại muốn phát triển kênh huy động vốn này. Chính phủ phải đưa ra lộ trình thúc đẩy và bắt buộc DN phải niêm yết trái phiếu công khai; các loại TPDN sẽ được giao dịch công khai tương tự như thị trường cổ phiếu. Khi đó, các thông tin về trái phiếu sẽ trở nên minh bạch hơn; nhà đầu tư dễ dàng có cơ hội giao dịch. Từ đó, khi họ bỏ tiền ra mua trái phiếu sẽ không còn phải lo sợ bị mất thanh khoản, mà khi cần tiền có thể mang ra giao dịch trước kỳ hạn thanh toán. Song song đó là việc quy định trách nhiệm cụ thể của đơn vị tư vấn phát hành, môi giới TPDN để bảo vệ người mua, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm của DN… – TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Theo Thanh Niên Online