Hôm qua (9.11), Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn cho hay hiện nay thị trường bất động sản (BĐS) rất khó khăn. Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn Đ.S Trong đó, nguyên nhân theo các doanh nghiệp (DN) thì “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Do vậy 19 tháng tới đây, trong lúc chờ luật Đất đai và một số luật liên quan (mới) có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1.7.2024), HoREA đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc của các dự án đô thị, nhà ở. Trong đó, sửa đổi Nghị định 100/2015 và Nghị định 49/2021 để tháo gỡ các “vướng mắc” về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong chính dự án của mình. Song song đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại; nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị. Ngoài ra, theo HoREA, các DN đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số DN và dự án điển hình. Trong đó có 64 dự án tại TP.HCM để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương ban hành “quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập” đối với các diện tích đất do nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định để tháo gỡ “ách tắc” của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở; cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội cho phép DN chủ đầu tư được “chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất” để tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền”. Đồng thời, các tỉnh, TP khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại đã “tạm nộp tiền sử dụng đất” hoặc đang được “rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung” để cho DN hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho DN, đồng thời để người mua nhà sớm được cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng). HoREA cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng; Xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu DN riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định và xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng để các DN hoạt động suôn sẻ và kinh tế tiếp tục phát triển, phải giải quyết ngay câu chuyện trước mắt. Đó là việc thị trường xăng dầu đang thiếu cung, khiến các DN vận tải, logistics bị “chết đứng”. Đồng thời, cần tập trung và nhanh nhất cải cách hành chính, loại bỏ nhiều Thông tư, Nghị định chồng chéo. Theo Thanh Niên Online