Đó là ý kiến đưa ra tại buổi giám sát tình hình thực hiện luật Nhà ở trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ 1.1.2016 – 31.12.2021, do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 26.7. Một cửa nhiêu khê hơn nhiều cửa Tại buổi làm việc, dù là doanh nghiệp (DN) được mời nhưng ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, đã rất băn khoăn khi đứng lên phát biểu. Bởi ông cho biết đã tham dự rất nhiều cuộc họp như thế này với mục đích trình bày những khó khăn, bất cập của DN để TP, các bộ ngành, Chính phủ lắng nghe, tìm cách tháo gỡ, thế nhưng các ý kiến của DN gần như không được giải quyết, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí còn khó khăn hơn. Thậm chí đi họp về, DN của ông luôn nằm trong danh sách bị thanh tra, kiểm toán đầu tiên và rất nhiều. Nhiều dự án đang “trùm mền” vì thủ tục nhiêu khê, kéo dài “DN tư nhân mà 1 năm bị kiểm toán 1 lần, 3 năm bị kiểm toán 3 lần liên tiếp. Trong khi DN khác 10 năm mới bị kiểm toán một lần. Không những vậy, các đoàn thanh tra cũng liên tục xuống làm việc. Nếu đi họp có ý kiến mà không giải quyết được gì, trong khi lại bị tai bay vạ gió thì sau này xin không đi nữa”, ông Nghĩa trăn trở. Sau khi được “động viên”, ông Lê Hữu Nghĩa đã nêu ra hàng loạt bất cập, nhiêu khê về cơ chế, quy trình, thủ tục mà DN phải gánh chịu. Dù nhà ở xã hội là lĩnh vực được ưu tiên nhưng cũng không ngoại lệ. Đơn cử một dự án nhà ở xã hội mà Công ty Lê Thành đã mất 3 năm chưa xong thủ tục đầu tư. Theo quy định, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được nộp một cửa tại Sở KH-ĐT, nhưng DN cũng phải chuẩn bị 11 hồ sơ để Sở KH-ĐT gửi cho 11 cơ quan có ý kiến và chỉ một cơ quan không đồng thuận là dự án “chết”. “Lúc trước, khi chưa có quy định này, tôi đi làm việc trực tiếp từng cơ quan, nếu cơ quan nào yêu cầu bổ sung, điều chỉnh gì thì DN còn biết để điều chỉnh. Nhưng nay nộp chung thì không biết cơ quan nào có ý kiến không đồng thuận và vướng điểm nào để DN còn tháo gỡ. Hay việc miễn tiền sử dụng đất cũng là câu chuyện đau đầu, mất nhiều thời gian của DN. Dù luật quy định miễn 100% tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội, nhưng thay vì áp dụng ngay quy định để miễn tiền cho DN thì cơ quan chức năng lại mất một thời gian dài làm các thủ tục tính ra số tiền sử dụng đất DN phải đóng, sau đó mới ra quyết định miễn. Chưa kể DN bỏ tiền mua đất theo giá thị trường nhưng tiền sử dụng đất lại được hoàn trả theo bảng giá đất”, ông Lê Hữu Nghĩa bức xúc. Tương tự, khi làm thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp, DN này mang hồ sơ đến Sở TN-MT, Sở này tiếp tục có văn bản hỏi quận/huyện xem có phù hợp quy hoạch hay không. Khi xong được bước này, DN quay về Sở KH-ĐT thì sở này cho rằng chưa có ý kiến đánh giá tác động của Sở GTVT… Phải chạy 2 – 3 vòng như vậy mất một năm trời mà vẫn chưa xong được bước đầu tiên. Dẫn chứng khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại một dự án ở H.Bình Chánh (TP.HCM), Sở QH-KT có văn bản hỏi UBND H.Bình Chánh về quy hoạch của dự án. Nộp hồ sơ 60 ngày vẫn chưa nhận được phản hồi. Tìm đến Sở QH-KT hỏi thì Sở nói chưa nhận được văn bản của huyện. Khi đó, đích thân ông gọi điện thoại cho ông Phạm Văn Lũy, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, thì chỉ 2 ngày sau văn bản của huyện đã được chuyển lên Sở QH-KT. Khi đó mới biết văn bản đã ký nhưng chuyên viên không gửi lên sở. “Thủ tục pháp lý của một dự án nếu suôn sẻ hết cũng mất đến 3 – 5 năm. Còn thực tế một bước trong quy trình này đã phải mất tới 3 năm vẫn chưa xong, vậy thử hỏi 1 dự án mất bao lâu? Những thủ tục, quy trình nhiêu khê như thế khiến DN nản lòng”, ông Lê Hữu Nghĩa nói. Cơ quan chức năng cũng “vướng” Người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã đưa ra 18 bất cập, chồng chéo của luật Nhà ở và pháp luật có liên quan khiến thị trường bất động sản không thể phát triển an toàn, bền vững. Hiện chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM có 116 dự án bất động sản “vướng mắc” đã được gửi đến lãnh đạo TP cầu cứu. Những dự án này đa số đều bị “ngâm” hồ sơ khiến dự án phải “trùm mền” nhiều năm, gây khó khăn cho DN, lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của xã hội. Do đó, ông Châu đề nghị đối với các dự án không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, UBND TP cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Các thủ tục về tính tiền sử dụng đất, thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (có thể kết hợp điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000), thủ tục cấp sổ hồng cho khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư chưa được cấp… mà các DN đã kiến nghị cần được đẩy nhanh nhằm đưa sản phẩm ra thị trường, để hạ giá nhà đất. Không chỉ DN, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cũng bức xúc không kém khi cho biết do các quy định của pháp luật chồng chéo, luật này cho, luật khác lại không được, nên TP đưa ra những sáng kiến để giúp người dân, DN cũng bị vi phạm. Điển hình như ra các quyết định bố trí tạm cư cho người dân tại các chung cư cũ khi chưa được tái định cư, bố trí tiền cho dân tự đi thuê chỗ ở… để giải phóng mặt bằng được nhanh chóng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đã tuýt còi vì luật không cho phép, yêu cầu phải trình HĐND TP thông qua. Ông Khiết thừa nhận hiện nay những vướng mắc của DN, người dân liên quan đến luật rất nhiều, nhưng không ai ngồi lọc ra để xử lý. Những quy định “đá nhau” giữa các quy định của pháp luật cũng chưa được rà soát. Chính vì vậy, bản thân những người thực thi pháp luật cũng đang gặp khó khăn. “Trước mắt sửa luật Đất đai, nhưng luật Nhà ở, luật Đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng phải sửa đổi để đồng bộ, minh bạch, công khai”, ông Huỳnh Thanh Khiết nói. TP.HCM đang chuẩn bị ban hành quy trình để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chặt chẽ để tránh trường hợp hồ sơ không biết cơ quan nào giải quyết rồi, cơ quan nào chưa. Từ đó quy trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị chậm trễ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư dự án. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Theo: Thanh Niên