Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã chỉ thẳng 5 tồn tại của thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó nhức nhối là nạn “phân lô bán nền” tràn lan, “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững – Ảnh: QUANG ĐỊNH Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 tổ chức sáng 5-6, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, đóng góp trên dưới 10% nguồn thu ngân sách nhà nước. Lệch pha phân khúc thị trường Đến nay đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành với 7 doanh nhân Việt có tài sản vốn hoá trên 1 tỉ USD. Đồng thời, lĩnh vực bất động sản cũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, lũy kế đến tháng 11-2021 đạt khoảng 61,6 tỉ USD đứng thứ 3 và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn FDI. Tuy nhiên chủ tịch HoREA cũng chỉ thẳng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững biểu hiện rất rõ nét qua 5 vấn đề tồn tại. 1. Tình trạng “lệch pha cung – cầu” dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. 2. Tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp. 3. Tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng “phân lô bán nền” tràn lan, “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương. 4. Môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh. 5. Có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp. Sửa luật để loại “quân xanh – quân đỏ” trong đấu giá Để tháo gỡ các vướng mắc này, ông Châu cho hay HoREA đề xuất 10 giải pháp về cải cách thể và thực thi pháp luật. Trong đó liên quan việc đấu giá quyền sử dụng đất, ông Châu cho hay doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn lực đất đai một cách minh bạch, công bằng thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất chứ không “dấm dúi” chỉ định nhà đầu tư. Theo ông Châu, cần phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản 2016, Luật Đấu thầu 2013 đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để không xảy ra tình trạng “đấu giá cuội, đấu giá có quân xanh – quân đỏ”, “đấu thầu cuội, đấu thầu chân gỗ” hoặc thông đồng “dìm giá” hoặc “đẩy giá ảo”. Liên quan đến tín dụng, HoREA kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ông Châu đánh giá không nên vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế. Liên quan vấn đề còn tranh cãi là thời hạn sở hữu chung cư, ông Châu cho rằng quy định bắt buộc “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” áp dụng cho các dự án xây dựng nhà chung cư mới trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động thật thấu đáo và cần lấy ý kiến người dân là đối tượng chính bị tác động. Tuy nhiên cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà chung cư theo hình thức đầu tư dự án căn hộ dịch vụ như hiện nay với thời hạn sở hữu căn hộ theo thời hạn dự án, phổ biến là 50 năm có giá bán chỉ bằng 70 – 80% giá căn hộ sở hữu vĩnh viễn, để khách hàng lựa chọn và làm quen với sản phẩm căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn. Mong sớm có kết luận dứt điểm các dự án đang ngưng trệ Theo ông Châu, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương cần sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án bị dừng triển khai do thực hiện công tác rà soát pháp lý, kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”. Các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả phần nộp bổ sung nếu có cho ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đồng thời, ông Châu cũng cho rằng các địa phương cần ban hành, “chuẩn hoá” quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, rút ngắn thời gian tính tiền sử dụng đất dự án để cấp “sổ hồng” cho người mua nhà. Theo Tuổi Trẻ Online