Chính phủ và các địa phương đưa ra nhiều chính sách “giải cứu” nhưng đến nay, thị trường bất động sản vẫn “bất động” khi giao dịch vẫn sụt giảm kỷ lục. Càng làm càng lỗ Theo thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt 17% so với lượng giao dịch của bất động sản năm 2018. Đến quý 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số liệu của DKRA Group cho thấy, đến cuối tháng 5, sức mua bất động sản giảm trên 95% so với cùng kỳ. Tình trạng này kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay. Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT DKRA Group, cho hay thị trường bất động sản TP.HCM và khu vực lân cận trong quý 1/2023 vẫn “thê thảm”, đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức vì các yếu tố liên quan như: pháp lý bế tắc, các chủ đầu tư chưa mạnh dạn ra hàng do sức cầu yếu. “Tháng 3, 4 năm nay chứng kiến cảnh người mua chưa quay lại thị trường mạnh mẽ. Trong khi đó, tín dụng bất động sản dù có chỉ đạo rất quyết liệt về giảm lãi suất nhưng các lãnh đạo ngân hàng cho biết cũng chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay, dẫn đến người mua bất động sản vẫn ít”, ông Phạm Lâm nói. Lãnh đạo Công ty Bất động sản Trần Anh chia sẻ dự án ở TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang) của công ty này dù đã có sổ đỏ từng nền nhưng 4 tháng nay không bán được một sản phẩm nào. Doanh nghiệp càng quảng cáo bán hàng thì càng không bán được vì khách nghĩ hàng ế, hàng bán đổ bán tháo, nên không mua. Quảng cáo để bán hàng đã khổ, không quảng cáo còn khổ hơn vì khi đó không ai biết đến. “Không xây dựng thì khách hàng nghĩ mình phá sản, còn xây dựng lại không bán được, tiền chôn vào dự án cũng chết luôn. Để có được dự án đẹp như vậy phải 10 năm mới xong, chứ không phải 1 hay 2 năm. Dự án bán không được nhưng mỗi tháng, chỉ riêng dự án này, công ty đã phải chi các chi phí nhiều tỉ đồng. Thị trường, doanh nghiệp hiện khổ trăm bề”, vị này cho hay. Dù doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, hỗ trợ, nhưng thị trường vẫn gần như “đóng băng” giao dịch ĐÌNH SƠN Công ty Địa ốc TLR, chủ đầu tư một dự án ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau 2 tháng mở bán chỉ thu được 12 tỉ đồng, không đủ chi phí bán hàng. Dù biết rằng càng làm càng lỗ, nhưng công ty buộc phải chạy để duy trì bộ máy. “Kế hoạch đưa ra rất khiêm tốn nhưng kết quả bán hàng còn ‘siêu khiêm tốn’. Hiện, công ty đang cùng với các đại lý bán hàng tìm phương án kinh doanh mới, hy vọng thời gian tới mọi việc sẽ tốt hơn”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay. Trong khi đó, Công ty PL, đang triển khai nhiều dự án ở tỉnh Lâm Đồng nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi tháng chỉ chạy bán được bình quân 1 nền đất. Để duy trì hoạt động, công ty đang kêu bán rẻ hàng loạt dự án, khu đất thế nhưng cũng không hề dễ dàng. Ông Lành, chủ công ty môi giới bất động sản có tiếng ở TP.HCM, thừa nhận đã cắt giảm gần hết nhân viên bán hàng, chỉ còn giữ lại các lính “chiến”. Để tồn tại qua ngày, ông đã đầu tư sang quán nhậu, quán cà phê. Một ngày đẹp trời, ghé khu cafe Buôn ở Vinhomes Central Park (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi thấy ông Lành lúi húi bưng bê cà phê phục vụ khách hàng với dáng vẻ buồn rầu. 30 tỉ USD “trùm mền” Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thanh khoản yếu do nhiều nguyên nhân: đại đa số người mua hụt dòng tiền khi kinh tế còn nhiều thách thức, lãi vay cao, cửa tín dụng khó vào, các dòng tiền nhàn rỗi vẫn trú chân ở kênh gửi tiết kiệm. Yếu tố đáng lo ngại nhất là người mua mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Mặc dù tự thân các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để tồn tại và thoát khỏi trạng thái khó khăn, nhưng rất khó. Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất sát sao, ban hành hàng loạt các chính sách, chỉ đạo điều hành như: Nghị định 08, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ 2% lãi suất, giảm lãi suất, lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản… Thế nhưng, đến nay, thị trường chưa thể “tan băng”, giao dịch vẫn ngày càng đi xuống và các khó khăn của doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn. Hàng trăm dự án “trùm mền”, gây lãng phí nghiêm trọng ĐÌNH SƠN Giao dịch sụt giảm trầm trọng đã khiến doanh thu của các công ty bất động sản cũng “tuột dốc không phanh”. Đến nay, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm tới 20 – 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 – 80%. “Hiện nay, thống kê có tới hàng ngàn dự án ‘trùm mền’ trên cả nước chờ điều chỉnh, xem xét, phê duyệt với tổng giá trị khoảng 800.000 tỉ đồng (30 tỉ USD). Số dự án trên nếu được kích hoạt trở lại sẽ tạo ra thị trường và thúc đẩy kinh tế rất tốt. Tuy nhiên, các giải pháp tháo gỡ khó khăn đang rất chậm nên nguy cơ chết trên đống tài sản của doanh nghiệp là rất cao”, ông Đính cho hay. Theo Thanh Niên Online