Mặt bằng cho thuê ế, có nên ‘đại hạ giá’?


Chủ đầu tư, công ty có mặt bằng cho thuê có nên “đại hạ giá” chia sẻ với người đi thuê để cùng nhau vượt qua khó khăn?

Nhiều sàn thương mại chung cư ở một số quận trung tâm TP Hà Nội vẫn ế, để trống – Ảnh: Q.THẾ

Ngày 23-7, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại nhiều sàn thương mại chung cư ở một số quận trung tâm TP Hà Nội mặt bằng cho thuê vẫn ế, để trống.

Ông L.T.T. (giám đốc công ty môi giới mặt bằng A.H., ở đường Tây Sơn, quận Đống Đa) cho biết: “Công ty chúng tôi đang vận hành hơn 10.000m2 sàn thương mại nhưng mấy tháng nay khách thuê rất ít, nhiều vị trí đành bỏ trống”.

Lý giải việc sàn thương mại ở vị trí đắc địa phải bỏ trống, ông T. cho rằng đến từ nhiều nguyên nhân.

“Chúng tôi đã giảm giá từ 15 – 20% nhưng đối tác vẫn trả mặt bằng do không có khách. Nếu giá thuê quá thấp thì công ty không đủ để bù tiền nhân công như bảo vệ, nhân viên hành chính, vận hành và nhiều chi phí khác”, ông T. cho biết.

Nhiều công ty, người thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa trung tâm TP Hà Nội cho hay do sức mua yếu, phải cắt giảm quy mô. Trong khi đó, không ít công ty đã lựa chọn chuyển trụ sở ra ngoại thành để giảm chi phí.

Một cửa hàng thuê sàn thương mại chung cư trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa) vừa trả mặt bằng – Ảnh: Q.THẾ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường – chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho hay thực trạng hiện nay sức mua rất kém đã tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là lĩnh vực cho thuê mặt bằng.

“Chủ sàn thương mại đã giảm giá nhưng vẫn vắng người thuê do nhu cầu tiêu dùng thời điểm này rất thấp, sức mua kém. Để giữ chân khách, không còn cách nào khác chủ đầu tư, công ty môi giới phải đại hạ giá kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn như cọc ít, trả theo hàng tháng, quý”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết đã chứng kiến nhiều giai đoạn mặt bằng cho thuê, bất động sản ế như thời điểm hiện tại. “Gần đây nhất là giai đoạn năm 2011 – 2013 thị trường đóng băng, sàn giao dịch bất động sản giải thể, các lĩnh vực khác cũng làm ăn thất bát nên mặt bằng đã từng bị ế trong thời gian dài”, ông Cường nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Khánh – phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – nhận định thị trường mặt bằng nói riêng, bất động sản nói chung đã có một số tín hiệu đáng mừng sau một loạt chính sách của Chính phủ gỡ vướng về pháp lý cho nhiều dự án và ngân hàng đã giảm lãi suất.

“Theo ghi nhận, chủ đầu tư cũng đã giảm giá sản phẩm, trả góp, có nhiều ưu đãi với khách hàng mua nhà thời điểm này. Tuy nhiên thực tế thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi ở những phân khúc nhỏ”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho hay thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cho thuê mặt bằng dự báo sẽ bị ảnh hưởng một thời gian dài nên theo ông, giữa công ty có mặt bằng và người đi thuê cần chia sẻ với nhau để vượt qua khó khăn.

Một chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân có đến cả hàng nghìn mét mặt bằng bỏ trống – Ảnh: Q.THẾ

Không chỉ mặt bằng cho thuê mà khách sạn, nhà đất bạc tỉ cũng ế

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, thời gian gần đây còn có “làn sóng” bán nhà, khách sạn bạc tỉ ở các quận trung tâm TP Hà Nội. Nhà đất, khách sạn rao bán giá cả tỉ đồng/m2 ở quận Hoàn Kiếm nhưng không có nhiều người mua.

“Có thể họ muốn xác định lại giá của bất động sản ở khu vực phố cổ hoặc do chuyển đổi kinh doanh nên giá đó mới bán. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng bắt buộc phải bán tài sản cố định để trả nợ ngân hàng”, ông Cường nói.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: