Mua nhà khu vực nào ở TP.HCM để “thoát” ngập?


Ngập lụt không chỉ mới xảy ra tại Sài Gòn mà đã tồn tại nhiều năm qua. Thậm chí người dân hiểu rõ khi mưa thì nơi nào ngập nặng và nơi nào ngập nhẹ. Do đó, người mua nhà và cả chủ đầu tư đều nắm rõ điều này và có sự lựa chọn phát triển sản phẩm hoặc mua sản phẩm theo cách riêng của họ.

Từ đau đầu chống ngập

Tới thời điểm này, dư âm về cơ mưa lịch sử ngày 26/7 vừa qua tại TP.HCM vẫn chưa hết độ “nóng” và dư âm của nó đối với các hộ gia đình bị ngập vẫn chưa dứt. Mặc dù, toàn thành phố bị ngập nhưng hầu hết tại các tuyến đường thuộc Q.1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh và Phú Nhuận nước như thác đổ về, mạnh đến mức cuốn trôi cả xe máy của người dân đang đi đường. Bên cạnh đó, đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất cho đến các ngõ ngách, đường phố như Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Võ Văn Tần (quận 3), Phan Xích Long (Bình Thạnh), Chu Văn An (Bình Thạnh) cũng ngập sâu trong nước.

Nên chọn nơi nào mua nhà ở Sài Gòn để chống ngập là bài toán khó?

Nên chọn nơi nào mua nhà ở Sài Gòn để chống ngập là bài toán khó?

KTS Lê Đình Quang cho rằng, thực tế lâu nay, TP.HCM quá chú trọng vào giải pháp chống ngập tạo độ chênh cốt nền để thoát nước từ nơi cao xuống nơi thấp. Cách thức phổ biến hiện nay là “ngập đâu, nâng đó” – đường ngập thì nâng đường, hẻm ngập thì nâng hẻm, nhà ngập thì nâng nhà… Cho nên, mới xảy ra hiện tượng: hết ngập ở khu này (nâng cao) thì phát sinh ngập ở khu khác (bị thấp hơn khu mới nâng).

“Cuộc đua nâng đường, nâng hẻm, nâng nhà nếu cứ thế tiếp diễn thì ngập sẽ hoàn ngập”, ông Quang nhận định. Theo ông Quang, TP.HCM nên học cách chống ngập lụt đô thị Tokyo của người Nhật, đó là xây hồ chứa nước mưa lớn và sâu dưới lòng đất ở vùng ngoại ô (thông với sông chảy qua thành phố). Khi có mưa, lũ toàn bộ lượng nước sẽ đổ về hồ này và thoát ra sông…

Ông Quang cũng đề xuất những khu vực thấp như Phú Lâm (Q.6), Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), Khánh Hội (Q.4)… có thể làm hầm (dưới các công viên, bãi đậu xe) hoặc các hồ sinh thái để chứa nước. “Việc xây các hầm, hồ chứa nước không chỉ giúp chống ngập lụt mà còn góp phần trả nước về bổ sung cho lượng nước ngầm hiện đang bị thiếu hụt trầm trọng cũng như làm mát thành phố vào mùa nóng”, ông Quang cho biết.

Theo một vị chuyên gia quy hoạch khác, địa hình Sài Gòn thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông – thấp nhất là nơi tiếp giáp sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (Nhà Bè) trước khi đổ ra biển. Do vậy, từ thời Pháp thuộc các nhà quy hoạch bỏ ngỏ vùng phía Nam Sài Gòn và định hướng đô thị Sài Gòn chỉ phát triển về phía Bắc – Đông Bắc (vùng cao) để tránh ngập lụt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, TP.HCM phát triển theo hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam – tiến ra biển và hai hướng phụ là Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam (theo Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025). Mô hình phát triển đô thị bung ra tứ hướng được khởi đầu là sự hình thành khu Phú Mỹ Hưng, rồi khu Nam Sài Gòn – với đại lộ hoành tráng Nguyễn Văn Linh như một con đê chặn cửa ngõ thoát nước bao đời về phía Nam của TP.HCM. Cộng thêm sự chính thức hình thành các quận mới: quận 2, 9, 7, 12… đã mở đường cho việc san lấp hồ ao mặt ruộng, dựng lên vô số khu dân cư chen lẫn các khu công nghiệp…

Kết quả là, khi thực hiện các dự án lớn như khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Thủ Thiêm, khu lấn biển Cần Giờ, khu dân cư Bàu Cát (Tân Bình), khu dân cư Bình Phú (Q.6), khu dân cư Thảo Điền, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2)… thì rất nhiều ao hồ, kênh rạch đã bị biến mất. Cuối cùng hễ mưa là toàn TP.HCM dễ “bơi” trong biển nước, năm sau ngập nặng hơn năm trước cho dù tiền tỷ đã bỏ ra đầu tư cho hàng loạt dự án chống ngập.

Đau đầu khi tìm nhà mua

Không phải mới đây mà chính tình trạng ngập nước ở TP.HCM đã đến mức báo động khi ở nhiều khu vực người dân phải “đi lánh nạn” mỗi khi triều cường, thậm chí phải bán nhà đi nơi khác vì không thể mãi sống chung với ngập.

Tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý III/2016, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend nhận được khá nhiều câu hỏi về hệ lụy của các cơn mưa gây ngập úng tác động như thế nào đến bất động sản.

Chuyên gia này thừa nhận, mưa gây ngập trong mấy ngày qua chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà. Vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách khảo sát của khách hàng trước khi quyết định chọn mua bất động sản. Đa số các chung cư đều có tầng hầm và đây là vấn đề phải lưu ý.

Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng, trong đó thách thức dành cho các chủ đầu tư là chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm các cao ốc có đảm bảo hay không. Nhìn xa hơn, có thể các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ có lưu ý đặc biệt đối với nhóm khách hàng mua hoặc phát triển dự án bất động sản.

Theo một số chuyên gia, trừ các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, 6, thì bất động sản tại những quận còn lại chắc sẽ được người mua nhà chú ý nhiều hơn trong thời gian tới. Đặc biệt các quận tại khu Đông như quận 2 và 9 do cốt nền cao sẽ thích hợp để phát triển các dự án BĐS quy mô lớn, hệ thống thoát nước ra sông Sài Gòn cũng được đầu tư nhiều. Riêng một số khu vực thuộc quận Thủ Đức cũng cần “tránh” khi muốn mua nhà như tuyến đường Kha Vạn Cân, Hoàng Diệu 2.. luôn bị ngập nặng do triều và mưa lớn.

Thật vậy, theo khảo sát của chúng tôi trong những ngày qua, những tuyến đường lớn tại quận Tân Bình như Đồng Đen, Âu Cơ và Luỹ Bán Bích luôn trong tình trạng ngập rất nặng khi có mưa lớn kéo dài. Có mặt ngay ngã tư Đồng Đen – Thoại Ngọc Hầu trong cơn mưa ngày 28/9, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người “chôn chân” không thoát ra được do ngập.

Đối với khu vực phía Nam, vùng này (gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần quận 8, huyện Bình Chánh) sẽ không thích hợp để phát triển đô thị theo quy mô lớn.

Theo Trí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: