Giá nhà ở đang cao gấp 20 lần thu nhập xã hội, làm sao mua được nhà? Tại sao nhà ở thương mại đô thị cứ thừa ra vẫn xây thêm nhưng lại khan hiếm nhà cho người cần chỗ ở? Khu nhà trọ công nhân ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH Báo Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các cử tri tại TP.HCM về câu chuyện này nhân lúc Quốc hội sẽ chất vấn thành viên Chính phủ những vấn đề liên quan đến xây dựng, nhà ở, bất động sản từ ngày 3 đến 5-11. CHỊ PHAN THỊ LOAN (phường Tam Phú, TP Thủ Đức) Cần quỹ hỗ trợ người mua nhà Tôi sống và làm việc tại TP.HCM gần 10 năm, công việc ổn định, mỗi tháng tôi đều để dành được một khoản để mua trả góp căn hộ. Những năm trước, tôi nhẩm tính khoảng 5 năm thì mình đủ tiền đặt trước 30% giá trị căn hộ, phần còn lại sẽ vay. Giá nhà tăng quá nhanh, lãi suất ngân hàng cũng ngày một cao, số tiền dành dụm tính ra mua được vài mét vuông căn hộ. Đi đâu cũng nghe nói chuyện người ta mua bất động sản kiếm lời. Người có công việc ổn định như chúng tôi rất đông, nhưng 10 năm chưa có cách nào có được nơi ở ổn định. Cần có chính sách và nguồn quỹ lớn hỗ trợ người mua nhà ở giá rẻ ở đô thị. Ông PHẠM XUÂN VINH (LK23 Bàu Cát, phường 14, quận Tân Bình): Tăng thêm nhà cho thuê Mức giá nhà ở xã hội hiện nay khoảng 1,6 tỉ đồng/căn là thấp so với thị trường bất động sản, nhưng vẫn là quá cao với túi tiền người lao động. Một gia đình hai vợ chồng đều đi làm, mỗi người lương 8 triệu đồng, sau khi chi tiêu các khoản thuê nhà, tiền ăn, tiền học của con cái, khám chữa bệnh…, số tiền dư ra không thể đủ để trả nợ vay mua nhà. Nguyên nhân giá nhà ở tăng quá nhanh những năm gần đây, theo tôi, một phần do giá đất quá cao. Để có những dự án giá nhà vừa túi tiền của đa số người lao động, tôi đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, Nhà nước nên có chính sách thuế tài sản nhà đất phù hợp nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, giảm giá nhà đất. Tiền thuế sẽ dùng để hỗ trợ những người có thu nhập thấp mua được nhà, an cư lạc nghiệp. Thứ hai, Nhà nước đứng ra xây dựng hoặc có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho thuê. Những khu nhà cho thuê đủ chuẩn về môi trường, điều kiện sống thay thế dần những khu nhà trọ. Ông NGUYỄN THÊN DŨNG (quận Bình Tân): Nhà nước đóng “vai chính” Tôi mua nhà cách đây 7 năm, thu nhập của tôi lúc đó trên 10 triệu đồng/tháng, giá nhà ở xã hội khi đó khoảng 13 triệu đồng/m2. Hiện nay, thu nhập của tôi chỉ tăng lên 40% nhưng giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi và vô cùng khan hiếm. Hai năm nay không nghe nói dự án nào mở bán. Trong khi đó, các dự án nhà ở cao cấp, nhà biệt thự rao bán với mức giá ngoài sức tưởng tượng. Có những biệt thự 700 tỉ đồng, bằng giá trị của 350 căn hộ chung cư cho người thu nhập trung bình. Trong khi hàng ngàn người lao động chen chúc trong các phòng trọ, không tìm ra căn hộ giá hợp lý để mua thì những căn hộ cao cấp đóng cửa im lìm chờ ngày các chủ nhà sang tay nhau kiếm lời. Thực tế chính sách, thủ tục hành chính cho dự án nhà ở thương mại dễ dàng hơn, ít ràng buộc hơn so với dự án nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội. Rồi đối tượng mua nhà ở thương mại cũng không bị hạn chế, giá bán không bị khống chế, còn nhà ở xã hội thì ngược lại… Tôi thiết nghĩ Nhà nước cần can thiệp sâu hơn để phát triển nhà ở bình dân. Chính xác là Nhà nước phải có vai trò chủ động trong việc xây dựng và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp như hiện nay. Ông NGUYỄN HỒNG HẢI (tổng giám đốc VNO Land): Khan hiếm nhà giá thấp Tôi và rất nhiều người có được ngôi nhà đầu tiên nhờ gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng năm 2012. Bản thân tôi còn tìm được cơ hội phát triển từ đây. Với lãi suất chỉ từ 5-6%/năm rất phù hợp với khả năng của những người thu nhập trung bình, có công việc ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để đầu tư xây dựng dòng nhà này. Tôi nghĩ Nhà nước cần thiết kế một gói vay ưu đãi tương tự. Hiện tại giá nhà ở quá cao, lãi suất ngân hàng cho vay cũng cao, trong khi thị trường nhà ở giá thấp lại khan hiếm. Theo tôi, nhà ở cho người thu nhập thấp nhất quyết phải có sự can thiệp của Nhà nước chứ không nên dựa hết vào tiềm lực của tư nhân như hiện nay. Nên thu hồi những dự án chậm triển khai để làm dự án nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp. Những khu nhà giá rẻ có thể ở vùng ven, giá thành mềm để nhiều người có cơ hội mua nhà. Dòng bất động sản cao cấp được đầu tư xây dựng rất nhiều nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người có nhiều tiền. Theo tôi, Nhà nước phải có những chính sách để dòng bất động sản cao cấp có điểm dừng về giá cả cũng như hướng dòng tiền nhàn rỗi phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Tình trạng phân lô bán nền cũng cần được Nhà nước kiểm soát. Thực tế nhiều năm qua, các khu phân lô bán nền nhỏ lẻ không thể hình thành khu dân cư khi không có tiện nghi tiện ích, không có hạ tầng xã hội. Các địa phương cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể cho từng khu vực, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở phải đi liền với dự án lớn, có hạ tầng đồng bộ thì mới có thể thu hút dân cư. TRẦN VĂN TƯỜNG (TP Thủ Đức): Sao cứ chạy theo nhà ở thương mại? Chỉ số giá nhà ở nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình xã hội. Giá nhà đất tăng liên tục cũng vì mất cân bằng cung – cầu, nay hầu như không còn phân khúc nhà ở bình dân. Thị trường bất động sản những năm qua phần lớn phát triển loại hình nhà ở cao cấp trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở bình dân, nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Giờ tìm mua một căn hộ vùng ven khoảng 50m2 ở TP.HCM, giá thấp nhất từ 1,5 – 2 tỉ đồng, vượt xa thu nhập của nhiều người. Phấn đấu để cho người lao động ai cũng có nhà ở ổn định là mục tiêu lớn, được kỳ vọng từ luật và chính sách mới về nhà ở. Không thể cứ mãi đầu tư, dồn sức chạy theo nhà ở thương mại. Thị trường nhà đất cần phải được điều tiết phục vụ cho số đông người dân. Mô hình nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở tỉnh Bình Dương rất đáng tham khảo. Giữa tháng 3-2022, Tổng công ty Becamex IDC đã xây dựng hàng loạt dự án nhà ở bình dân tại các khu vực đông công nhân, người lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng… Dự kiến từ nay đến 2023, Becamex IDC sẽ đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng để xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Giá bán mỗi căn hộ giai đoạn này dao động 120 – 280 triệu đồng/căn, cao cấp hơn có giá 200 – 500 triệu đồng/căn. Người lao động cũng có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng. Những năm trước, tỉnh này đã làm nhiều dự án nhà ở phù hợp số đông lao động. Cần có chính sách lớn tạo ra thêm nhà ở cho số đông người làm công ăn lương, đa dạng diện tích, có chính sách ưu đãi lãi suất cho vay trả góp. Các dự án này phải đi kèm những giá trị kết nối cộng đồng và có hạ tầng trường học, bệnh viện, chợ để tạo nên khu dân cư bền vững, lâu dài. Nếu có dự án khả thi, chính sách ưu đãi thật sự, thủ tục đơn giản, sẵn quỹ đất sạch, lộ trình thực hiện nhanh, biên độ lợi nhuận phù hợp đưa lên mạng đấu thầu quốc gia hẳn sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hơn để đóng góp cho xã hội. Theo Tuổi Trẻ Online