Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài cuối: Khát vọng đô thị thông minh


Khát vọng vươn xa với những sáng kiến, sự tìm tòi, sáng tạo thông qua những mô hình, cách làm mới luôn cháy bỏng trong mỗi cá nhân lãnh đạo và người dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài 2: Phát triển các khu đô thị hiện đại

Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài 1: Đổi thay diện mạo

Giai đoạn 2021 – 2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông”. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo Trung ương và các thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định, đánh giá cao truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố, xem đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của một đô thị giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Vì thế, khát vọng vươn xa với những sáng kiến, sự tìm tòi, sáng tạo thông qua những mô hình, cách làm mới luôn thường trực, cháy bỏng trong mỗi cá nhân lãnh đạo và người dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Thành phố trong thành phố

Vừa qua, một tin vui và nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho Thành phố Hồ Chí Minh là Chính phủ đã đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Để đạt hiệu quả cao nhất đối với mô hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thành phố cần lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng… để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của thành phố.

Nhằm thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Để làm được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm việc với các Bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

Thành phố cũng cần lưu ý việc quy hoạch thành phố Thủ Đức gắn trong quy hoạch chung của thành phố cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.

“Bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, do đặc thù của thành phố Thủ Đức tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư, với thành phần đến từ nhiều tỉnh thành, quốc gia khác nhau, Thành phố Hồ Chí Minh cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống. Việc bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và yếu tố liên quan tới dịch tễ không để phát sinh lây lan dịch bệnh cần phải được tính toán trước, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay”, Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ.

Nhấn mạnh định hướng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố đã xây dựng đề án và kiến nghị Trung ương về việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thành một thành phố mới, với tên tạm gọi là thành phố Thủ Đức. Thành phố này rộng hơn 21.000 ha và sẽ có khoảng 1 triệu dân.

“Nếu thành phố này được thành lập thì đây sẽ thực sự là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số thành phố nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong định hướng quy hoạch thành phố Thủ Đức, Quận 2 với hạt nhân Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ giữ vai trò Trung tâm tài chính, y tế kỹ thuật cao, thể dục thể thao đa năng (Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc).

Còn đối với Quận 9, Khu công nghệ cao giữ vai trò Trung tâm công nghệ giáo dục, nơi phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.

Khu Tam Đa của Quận 9 sẽ trở thành khu phức hợp hiện đại với nhiều phân khu như căn hộ, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, thể thao… để tiếp thêm động lực phát triển ngành bất động sản của thành phố.

Lấy lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt ra muc tiêu tổng quan xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình; trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Về mặt phát triển thành phố, giai đoạn 2021 – 2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hoá, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, có chức năng hiện đại, thiết kế đô thị phát huy truyền thống lịch sử văn hoá trên cơ sở vận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố.

Còn đối với giai đoạn 2030 – 2045 thành phố được định hướng phát triển theo hướng điều chỉnh cơ chế phân bổ đầu tư có trọng điểm trong hệ thống đô thị quốc gia; đổi mới hệ thống quy hoạch và kiểm soát sự phát triển tích hợp trên nền tảng số; chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững.

Mở rộng đô thị, tăng cường sức chống chịu ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển vùng ven trên ranh giới phát triển thực tế thay vì ranh giới hành chính; đồng thời, giải phóng nguồn lực đất đai, trao quyền và thúc đẩy hợp tác.

Để phát huy và trò đầu tàu kinh tế của cả nước, vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; xem đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Theo UBND Thành phố, kiến nghị này hướng đến việc nâng tầm quốc gia lên vị trí mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.

Việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố đã được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ tại nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức trong những năm qua.

Ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có quy mô tập trung lớn, bước đầu có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận (như Lào, Campuchia, Myanmar…).

Về dài hạn, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khu vực ASEAN mà còn rộng hơn thế.

Trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có thể thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu của khu vực và toàn cầu.

Hiện nay, mật độ tập trung các định chế định tài chính trên địa bàn Thành phố cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có 2.138 đơn vị; trong đó, 50 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh.

Riêng năm 2019, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố chiếm 24,09% tổng vốn huy động của cả nước. Tổng dư nợ cho vay cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Trên thị trường, tổng vốn giá trị vốn hoá tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố chiếm tới 95% tổng vốn hoá toàn thị trường và 54,33% GDP cả nước.

Thành phố hiện là đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia và thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam.

“Thành công trong việc phát triển trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn vốn – huyết mạch của nền kinh tế. Cùng đó, sẽ thu hút sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, kéo theo các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đối với công tác quy hoạch và phát triển quy hoạch đô thị bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng chuyển đổi không gian đô thị theo hướng khôi phục cảnh quan sông, vốn dĩ là đặc trưng mang tính “sông nước Nam bộ”.

Thành phố khắc phục hiện tượng phát triển “da beo”, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo khu vực và đầu tư dứt điểm, khai thác tối đa giá trị tại các khu chức năng đô thị.

Kiểm soát mở rộng các vùng trũng trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng nhanh tình trạng ngập lụt và sụt lún đồng thời phát triển các trung tâm mới trong chùm đô thị gắn với nền tảng TOD (giao thông công cộng) để giảm tải cho vùng trung tâm, phát triển đô thị, đảm bảo giao thông bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đang thực hiện việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2045 tầm nhìn năm 2060.

Theo đó, thành phố đang tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để xem xét, điều chỉnh cục bộ phân khu, quy hoạch chi tiết; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo hướng tái cấu trúc đô thị tại các khu vực xung quanh nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, dọc các tuyến kênh…

Với những khát vọng đổi mới, sáng tạo không mệt mỏi, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trở thành trung tâm tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục không chỉ của Việt Nam mà còn ngang tầm khu vực và thế giới. Để Thành phố này, mãi tự hào được mang tên Bác Hồ kính yêu./.

Theo TTXVN


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: