Tết nay không lo thiếu xăng


Bộ Công thương cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán và đến hết quý 1/2023.

Giá thế giới tăng, trong nước chủ động lo nguồn hàng

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), kỳ điều hành giá tới đây vào ngày 21.1 (30 tháng chạp) rơi vào ngày nghỉ lễ, tết nên theo Nghị định 95 sẽ được chuyển sang chu kỳ tiếp theo, tức ngày 1.2 (11 tháng giêng năm Quý Mão). Như vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ bị bỏ qua một kỳ điều chỉnh giá trong bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới sau ngày 11.1 có xu hướng đi lên.


Tết năm nay không lo nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu, đứt gãy cục bộ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cập nhật đến ngày 13.1, giá mỗi thùng xăng RON95 trên thị trường Singapore là 98,49 USD/thùng; xăng RON92 là 95,56 USD/thùng; dầu diesel hơn 116 USD/thùng. Tất cả đều cao hơn giá kỳ trước từ 5 – 6 USD. Với mức giá thế giới hiện tại, dự báo giá bán lẻ xăng dầu ngày 1.2 sẽ tăng khoảng 180 – 790 đồng/lít/kg, tùy loại. Mức tăng này chưa gồm trích, chi quỹ bình ổn xăng dầu. Điều này đang dấy lên lo ngại khan hiếm xăng dầu bởi dịp tết năm Nhâm Dần 2022, liên bộ Công thương – Tài chính cũng lùi ngày điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đến ngày 11.2, bỏ qua kỳ điều chỉnh ngày 1.2.2022 do rơi vào ngày nghỉ lễ, tết. Trong khi thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn đó có nhiều biến động tăng giá. Thế nên, liên tục thời gian sau Tết Nguyên đán năm ngoái, thị trường xăng dầu trong nước đã bị đứt gãy cục bộ tại nhiều tỉnh thành.

Tết năm nay, ngoài việc bỏ qua một kỳ điều hành giá ngay ngày 30 tết như nói trên, riêng về nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn – đơn vị cung ứng gần 40% thị trường xăng dầu trong nước – lại gặp sự cố kỹ thuật từ cuối tháng 12.2022, khiến nhà máy giảm công suất, thiếu hụt khoảng 120.000 m3 trong nửa tháng đầu năm. Trước tình hình trên, nhiều đại lý bán lẻ bày tỏ lo lắng nguồn hàng bán tết có thể bị ảnh hưởng, khó lấy hàng hơn hoặc các điều kiện đưa ra từ đầu mối phân phối khắt khe hơn về thanh toán nhằm hạn chế lấy hàng nhiều. Thế nhưng nhìn cục diện hiện nay thì việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu không quá lo lắng.

Các tỉnh thành đã chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Đơn cử như Sóc Trăng, theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh này, các thương nhân, đầu mối đã có kế hoạch cung ứng 61.500 m3 xăng, dầu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong dịp cao điểm từ 26 tết đến mùng 6, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đại lý xăng dầu phải có kế hoạch cung ứng theo nhu cầu, không cung ứng theo sản lượng, để đảm bảo các cửa hàng bán lẻ đủ nguồn xăng phục vụ người dân. Sở Công thương TP.HCM cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu bảo đảm đủ trong dịp trước, trong và sau tết.

Tương tự, Công ty xăng dầu Phú Thọ – đơn vị hiện đang chiếm khoảng 60% thị phần xăng dầu toàn tỉnh cũng thông tin, để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, ngoài sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ, công ty đã có phương án tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, linh hoạt thời gian nhập hàng, giao hàng để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt có thể từ sự cố của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Chủ động từ sớm, không lo thiếu xăng dầu

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, nói tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong dịp sau Tết Nguyên đán 2022 khác hoàn toàn tình cảnh hiện nay. Năm nay, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp trục trặc kỹ thuật trong thời gian ngắn và đã khắc phục xong, khác hoàn toàn năm ngoái là nhà máy chủ động ngưng không nhập khẩu 2 lô dầu thô để sản xuất do khó khăn tài chính và sản lượng sản xuất giảm kéo dài, có thời điểm còn tạm ngưng hoạt động hẳn. Thế nên, tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn nhiều. “Điều quan trọng hơn là năm nay Chính phủ, Bộ Công thương đã có chỉ đạo rất sớm về nguồn cung xăng dầu. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong kỳ họp thường kỳ tháng 11, Nghị quyết 156 của Chính phủ nêu rõ không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Bộ Công thương ngoài việc phân bổ nguồn cung tăng 10 – 15%, gần 2 tháng qua, đã liên tục có những chỉ đạo nêu đích danh Tập đoàn xăng dầu VN, Tập đoàn dầu khí VN… trong việc bảo đảm nguồn cung. Trước sự cố tại Nhà máy Nghi Sơn, Bộ cũng đến tận nơi làm việc tại nhà máy để đôn đốc khắc phục cũng như tăng sản lượng.

Bộ Công thương ngoài việc phân bổ nguồn cung tăng 10 – 15%, gần 2 tháng qua, đã liên tục có những chỉ đạo nêu đích danh Tập đoàn xăng dầu VN, Tập đoàn dầu khí VN… trong việc bảo đảm nguồn cung. Trước sự cố tại Nhà máy Nghi Sơn, Bộ cũng đến tận nơi làm việc tại nhà máy để đôn đốc khắc phục cũng như tăng sản lượng. – Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN

Bên cạnh đó, báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối về nguồn cung đến nay khá ổn. Đã có những cảnh báo nếu không chấp hành nghiêm, có thể bị rút giấy phép kinh doanh. Khi cả nền chính trị, doanh nghiệp đầu mối cùng vào cuộc một cách chủ động từ sớm, rút kinh nghiệm sâu sắc từ năm trước, chắc chắn thị trường xăng dầu trong và sau Tết Nguyên đán sẽ không lặp lại tình trạng như năm ngoái”.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong năm 2023 vẫn nhiều thách thức khi VN không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Thị trường vẫn có những biến động rất khó lường, nhất là khi sản lượng, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Giá dầu thô nhập về VN bình quân là 17,7 triệu đồng/tấn trong năm qua, năm 2021 chỉ 11,8 triệu đồng/tấn, tức là giá nhập đã tăng gần 50%, khiến chi phí và giá thành có thể tăng cao trong năm 2023. Đều này sẽ tạo áp lực lớn cho các nhà máy lọc dầu trong nước.

Theo Bộ Công thương, ông So Hasegawa, Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, khẳng định: “Công ty cam kết sẽ bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong thời gian tới và tăng năng suất sản xuất để bảo đảm nguồn dự trữ trong thời gian bảo dưỡng”. Sau khoảng 3 – 4 ngày, phân xưởng sẽ ổn định lại công suất 100% và tăng lên 105 – 107% để bù đắp sự thiếu hụt. Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí VN cũng cho biết khi Nhà máy Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật, tập đoàn đã chỉ đạo Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Dung Quất) tăng công suất lên 110%. Hiện sản lượng tồn kho của cả hai nhà máy (tồn kho và lượng sản xuất) đã đáp ứng nhu cầu trong tháng 1, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.

Về chủ động nguồn cung, Bộ Công thương cho biết đích danh Bộ trưởng đã đề nghị Tập đoàn dầu khí VN, căn cứ vào kế hoạch mà Chính phủ và Bộ giao, chỉ đạo cho 2 nhà máy tăng công suất tối đa có thể. Trong lúc Nghi Sơn bảo dưỡng thì Bình Sơn phải tăng công suất, có lượng hàng dự trữ thương mại lớn nhất, bù đắp được sản lượng cho dừng sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cả hai nhà máy có cơ chế thương thảo, chia sẻ lợi ích, rủi ro đối với các đơn vị có chức năng phân phối xăng dầu để bảo đảm được sản lượng bị thiếu hụt. “Bộ đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán và đến hết quý 1/2023. Thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công thương phân giao năm 2023”, Bộ Công thương cho biết.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: