Thanh toán không tiền mặt ‘phủ sóng’


Từ chỗ xa lạ cách đây không lâu, các hình thức thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn vì tiện lợi.


Khách hàng quét thanh toán không dùng tiền mặt tại một cửa hàng trên đường Nhiêu Tứ, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Và trong các phương thức thanh toán không tiền mặt, QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần.

Ở đâu cũng “quét” được, thanh toán không tiền mặt

Chị Kim Hạnh (TP.HCM) cho biết trong chuyến công tác tại Cà Mau mới đây, chị hết sức bất ngờ khi đến tận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, mà vẫn có thể thanh toán không cần tiền mặt.

Sau khi tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn và các mốc tọa độ quốc gia, chị ghé vào điểm bán đồ lưu niệm và đặc sản tại đó để mua cua, gỗ đước về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Và khi được hỏi là có thể cà thẻ hay chuyển khoản không, chủ tiệm cho biết có thể trả bằng chuyển khoản, hoặc quét mã QR qua ứng dụng Viettel money, với mảnh giấy in mã QR của Viettel money dán ngay tại bể cua đặt ở trước quán.

“Tôi hết sức bất ngờ vì ở tận mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, cách TP Cà Mau đến hơn 100km mà người dân không hề xa lạ với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”, chị Hạnh nói.

Nhân tiện đi Móng Cái (Quảng Ninh) công tác, chị Huệ (Hà Nội) đã sắm được khá nhiều đồ, từ máy sấy tóc, quạt điện, rồi vali… mà không mang tiền mặt trong người. Tại ki ốt, chủ hàng đều có sẵn mã QR để khách hàng tiện thanh toán.

“Không chỉ những hàng hóa có giá trị lớn vài trăm ngàn đồng mà mua từ cái kẹp tóc 10.000 đồng, khách hàng cũng có thể quét mã QR. Thậm chí khi đi gội đầu hay ăn chè với số tiền 20.000 – 30.000 đồng cũng thanh toán không dùng tiền mặt”, chị Huệ cho hay.

Ngay tại các tỉnh Tây Nguyên, người dân cũng đã chuyển khoản “nhoay nhoáy”. Kinh doanh buôn bán nông sản nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Tưởng (xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho biết từ tháng 2 đến nay đã sử dụng phương thức thanh toán qua mobile money – chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản di động, thay vì thu bằng tiền mặt như trước.

“Nhờ đó, việc thanh toán và quản lý tiền hàng vô cùng đơn giản và đầu lúc nào cũng nhẹ tênh”, ông Tưởng chia sẻ.

Thanh toán QR code tăng nhiều lần

Đánh giá về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước – nhấn mạnh chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Người tiêu dùng có thể thấy tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là cả quán trà đá vỉa hè… đều thấy thanh toán không dùng tiền mặt.

Và trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần.

Như qua phương thức QR code, năm 2022 tăng tới 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021. So với cùng kỳ năm ngoái, ba tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng.

Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.

Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.

Bên cạnh đó, sau hơn một năm triển khai thí điểm dịch vụ tài khoản mobile money – dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đến nay cả nước có 3,71 triệu tài khoản mobile money với hơn 8.800 điểm kinh doanh và 15.300 điểm chấp nhận thanh toán.

“Những con số trên cho thấy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt từ QR code, thanh toán qua điện thoại, qua Internet đã quen thuộc với người tiêu dùng. Tại các cửa hàng, quán cà phê, hủ tiếu, hàng rau, thịt ở chợ dân sinh…, người bán hàng đều có QR code để khách hàng có thể thanh toán một cách dễ dàng và thuận lợi.

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người dân đảm bảo an toàn mà còn có kế hoạch kinh doanh, chi tiêu trong quản lý tài chính hiệu quả hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.


Người dân quẹt thẻ thanh toán khi đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Vì sao QR code trở thành xu hướng?

Ông Nguyễn Đăng Hùng – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) – cho biết kể từ tháng 6-2021, khi dịch vụ Chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng thành viên triển khai, dịch vụ này đã có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng qua mỗi giai đoạn.

Theo đó, ở giai đoạn đầu triển khai, dịch vụ chuyển tiền qua mã VietQR đã đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi tháng 65,5% về số lượng giao dịch và 160% về giá trị giao dịch.

“Bước sang năm thứ hai, dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng bình quân cao, ở mức 38,5% về số lượng giao dịch và 28% về giá trị giao dịch”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, người dân sử dụng điện thoại di động cho các giao dịch tài chính ngân hàng nhiều hơn, mua hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiện ích, chuyển tiền chủ yếu qua ứng dụng ngân hàng di động hoặc qua ứng dụng ví điện tử để thay cho tiền mặt.

“Sự ra đời của phương thức VietQR đúng thời điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của người dân. Hơn nữa, quét mã VietQR để chuyển tiền mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác cho người dùng”, ông Hùng giải thích.

Dịch vụ chuyển tiền VietQR thời gian qua cũng được hầu hết các ngân hàng ưu ái miễn phí và cho phép thực hiện cả các giao dịch có giá trị nhỏ như tiền lẻ nên được người dân rất chào đón.

“Nhờ đó, dịch vụ chuyển tiền, thanh toán bằng mã VietQR có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua. Thời gian tới, nếu các điều kiện thuận lợi vẫn tiếp tục duy trì, các dịch vụ thông qua mã VietQR sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao và ngày càng phổ cập bởi sự chung tay của các ngân hàng, các trung gian thanh toán và đặc biệt là có thêm sự đóng góp giải pháp của nhiều đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ thanh toán tiện lợi qua mã VietQR”, ông Hùng dự báo.

Nhiều ngân hàng có tỉ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số

Ông Phạm Anh Tuấn – vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước – cho biết nhiều ngân hàng có tỉ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số, cho thấy người dân đã quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân – phó tổng giám đốc VietinBank, số lượng giao dịch qua VietinBank năm sau tăng hơn 50% so với năm trước. Rất nhiều người dân đã mở tài khoản thanh toán ngân hàng qua hình thức eKYC. Trong năm 2022, ngân hàng này có hơn 1 triệu khách hàng mở tài khoản online.

Đại diện TPBank cũng cho biết đã triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong định danh khách hàng qua eKYC. Theo đó, bằng ứng dụng công nghệ để đọc được chính xác các nội dung trong chip, ngân hàng này đã so sánh dữ liệu đọc được, làm cơ sở định danh khách hàng, mở tài khoản thanh toán, mở thẻ cho khách hàng.

Trong năm 2022, hàng triệu khách hàng mới được mở tài khoản thanh toán thông qua phương thức định danh eKYC này.

Phủ sóng đến hộ kinh doanh, cá nhân buôn bán nhỏ lẻ

Ông Phạm Đức Duy – giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank – cho hay doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 48% ở mảng phát hành thẻ, 45% ở mảng chấp nhận thẻ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là doanh số QR tăng trưởng trên 70% so với đầu năm.

“Tỉ lệ này cho thấy tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong hành vi thanh toán hằng ngày của khách hàng”, ông Duy nói và cho biết việc chấp nhận thanh toán không tiền mặt tại các cửa hàng nhỏ lẻ cũng trở thành cấp thiết trước nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

“Với giải pháp VietQR – hộ kinh doanh cá thể hay cá nhân buôn bán nhỏ lẻ cũng dễ dàng triển khai, không phát sinh thêm chi phí vận hành nên ngay cả các vùng nông thôn cũng đang bùng nổ chứ không riêng các thành phố lớn”, ông Duy nói.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: