61% đơn hàng thương mại điện tử được thanh toán không tiền mặt


TP.HCM là địa phương có thị trường thương mại điện tử lớn nhất, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước. 61% các đơn hàng thương mại điện tử được thanh toán không tiền mặt.


61% đơn hàng thương mại điện tử được thanh toán không tiền mặt – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ X, HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) cho biết như trên.

Theo thống kê, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam đạt trị giá 23 tỉ USD và được dự báo sẽ đạt 50 tỉ USD vào năm 2025, tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Trong đó, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là thương mại điện tử. Ngoài các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống lớn như Co.opmart, Winmart, Top Market… cũng đã triển khai song song kênh bán hành trực tuyến thông qua website hoặc các ứng dụng mua hàng khác.

Thương mại điện tử còn kéo theo sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực logistics, để đáp ứng việc giao nhận hàng hóa nhanh chóng và dễ dàng. Cụ thể như: vận tải và giao đồ ăn, du lịch, tài chính, truyền thông, giải trí.

Về vận tải và giao đồ ăn, mặc dù chỉ mới gia nhập thị trường từ năm 2014, các siêu ứng dụng như Grab, Gojek, Be, Baemin… đang thống lĩnh thị trường và tạo ra nhu cầu tiêu dùng to lớn. Về du lịch có các ứng dụng và website trực tuyến để đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn như Traveloka, Airbnb, Booking…

Cùng với sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến, các giải pháp thanh toán trực tuyến mới cũng đã được phát triển như ví điện tử (Moca, MoMo, Zalopay, Shopeepay…), cổng thanh toán VNPAY-QR, hoặc ngân hàng điện tử. Năm 2022, 61% các đơn hàng thương mại điện tử được thanh toán bằng các phương thức không dùng tiền mặt.

Dù đã có sự phát triển vượt bậc, các mô hình mới này đang đối diện với nhiều rào cản. Nguyên nhân là tốc độ phát triển hạ tầng số của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia triển khai chậm, phân tán, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số có độ phủ chưa lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy chiếm một tỉ lệ lớn nhưng khả năng sử dụng các công nghệ số còn thấp.

Khuôn khổ pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các mô thức kinh doanh dựa trên công nghệ dẫn đến một số rào cản như cơ quan quản lý áp đặt quy định pháp luật cũ lên một dạng mô hình mới, kìm hãm sự phát triển doanh nghiệp.

Mặt khác, việc thiếu khuôn khổ pháp lý gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động, quản lý thuế, từ đó các quyền lợi và dữ liệu người dùng cũng không được bảo vệ một cách thỏa đáng.

Với quan điểm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nền tảng, UBND TP.HCM cho biết TP đã ban hành đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn” nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra hàng hóa dịch vụ đa dạng, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Cùng với đó, TP cũng ban hành Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, Đồ án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu là nhằm tạo nền tảng và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi các mô hình kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có lợi thế của TP như công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edutech), nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh…

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: