Không chỉ phát hành thẻ tín dụng quốc tế, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa hướng đến đối tượng nông dân, công nhân, khách hàng có nhu cầu sử dụng tiêu dùng hằng ngày trong nước. Người dân quẹt thẻ thanh toán khi đổ xăng tại TP.HCM – Ảnh: N.PHƯỢNG Do tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, phí thường niên thẻ tín dụng nội địa khá thấp, không mất phí rút tiền mặt và lãi suất áp dụng cũng không cao. Đây được xem như là một nguồn tài chính dự phòng bên cạnh mục đích thanh toán, người dân có thể rút tiền ATM 24/7, góp phần giảm tín dụng đen. Góp phần giảm tín dụng đen Ông Phạm Đức Duy, giám đốc trung tâm thẻ Sacombank, cho biết ngân hàng này phát hành thẻ tín dụng nội địa từ năm 2011 và luôn dành nguồn lực ưu tiên phát triển. Từ năm 2019, ngân hàng này đã đồng hành cùng Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phát hành thẻ nội địa công nghệ chip dual. Đây cũng là 1 trong 7 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hội đủ điều kiện phát hành và chấp nhận thẻ chip EMV theo chuẩn VCCS. Tháng 5-2021, Sacombank cho ra mắt thẻ tín dụng Easy NAPAS với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ nội địa thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Tính đến tháng 5-2022, đã có 100.000 thẻ tín dụng nội địa Sacombank được lưu hành. Theo ông Duy, phân khúc khách hàng mà ngân hàng này hướng tới là nông dân, công nhân các khu công nghiệp, các khách hàng có nhu cầu sử dụng tiêu dùng hằng ngày trong nước. Ngoài ra, ngân hàng này cũng phát hành dòng thẻ tín dụng cho phân khúc sinh viên với hạn mức tối đa 5 triệu đồng để sinh viên tập sử dụng thẻ. “Sản phẩm này phù hợp với các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình vì phí thường niên thấp, không mất phí rút tiền mặt và lãi suất áp dụng cũng không cao, đây được xem như là một nguồn tài chính dự phòng bên cạnh mục đích thanh toán, người dân có thể rút tiền ATM 24/7, góp phần giảm tín dụng đen”, ông Duy nhấn mạnh. Đại diện HDBank cũng cho biết ngân hàng này đang đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng nội địa trên toàn quốc với hai dòng thẻ là thẻ tín dụng nội địa HDBank Napas chuẩn và thẻ tín dụng nội địa HDBank Napas vàng. Thẻ tín dụng nội địa HDBank cho miễn lãi tối đa 45 ngày, hỗ trợ ứng trước tiền mặt lên đến 75% hạn mức tín dụng được cấp, thanh toán dư nợ tối thiểu 3%/tháng… “Thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng là nguồn cấp tín dụng chính thống, khách hàng có sẵn hạn mức trong thẻ. Đây được xem như là khoản phòng thân, từ đó sẽ góp phần giảm nạn cho vay tín dụng đen lãi vượt khung, cho vay nặng lãi. Giúp giảm vấn nạn người dân bị cuốn vào những thủ đoạn cho vay lừa đảo, tín dụng đen”, vị này nói. Nhiều tiện ích, thủ tục đơn giản Ông Nguyễn Quang Minh, phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết với thẻ tín dụng nội địa Napas được phát hành bởi Agribank, VietinBank, ACB, Sacombank, HDBank, Bảo Việt Bank, VietBank, Vietcapital Bank và VietCredit, khách hàng được chi tiêu trước, trả sau và miễn lãi lên đến 55 ngày. Chủ thẻ được chấp nhận thanh toán nhanh chóng tại hơn 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, các trang thương mại lớn và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Chủ thẻ cũng được miễn phí thường niên (áp dụng với một số ngân hàng) và được hưởng các ưu đãi đặc quyền dành cho thẻ tín dụng NAPAS khi chi tiêu tại các đơn vị chấp nhận thanh toán. Thẻ tín dụng NAPAS cũng được tích hợp công nghệ thanh toán “chạm” giúp cho việc thanh toán trở nên đơn giản, bỏ qua xác thực chủ thẻ (bỏ qua nhập mã PIN) đối với các giao dịch giá trị thấp. Trong thời gian sắp tới, NAPAS tiếp tục mở rộng các tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Ông Lê Văn Tuyên, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến cuối năm 2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% về khối lượng so với năm 2019. Đến nay cả nước có trên 475.000 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành, tăng gần 62% so với cách đây 3 năm. Để đạt những con số nêu trên, theo ông Tuyên, thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 – 55 ngày. Thẻ cũng được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ. “Khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy lùi nạn tín dụng đen”, ông Tuyên khẳng định. Theo Tuổi Trẻ Online