Doanh nghiệp ngược xuôi tìm lao động mới sau Tết


Sau Tết Nguyên đán, trái ngược với nhiều doanh nghiệp phải vật lộn với đơn hàng, nhiều đơn vị phía Bắc tăng tuyển dụng bù đắp nhân sự thiếu hụt.


Công nhân sản xuất trong dây chuyền chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Samsung tại Bắc Ninh – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Khó tuyển lao động mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Park Jounggeun – tổng giám đốc Công ty Sungwoo Vina (tỉnh Bắc Ninh) – cho biết bên cạnh khó khăn do dịch COVID-19, công ty còn khó khăn trong tuyển lao động mới sau Tết. Có hơn 1.000 công nhân và dự tính mở rộng sản xuất khoảng 30% thời gian tới, công ty cần tuyển 300 công nhân sản xuất và 20 nhân viên văn phòng.

Quý 1-2023, công ty tuyển dụng vài chục lao động để phục vụ sản xuất trước mắt. Đối với công nhân, công ty dự kiến chi trả 7 – 9 triệu đồng/người và hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội từ khi thử việc. Trong khi đó, ngoài lương từ 8,5 – 12 triệu đồng/tháng, nhân viên kỹ thuật còn được tăng lương và chế độ đãi ngộ bổ sung. Lương nhân viên văn phòng từ 7,5 – 9 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi là vendor (nhà cung ứng) cấp một của Samsung, nên kế hoạch kinh doanh sắp tới phụ thuộc vào giao đơn hàng của Samsung. Tháng 3-2023, công ty sẽ nhận đơn hàng và phán đoán tình hình, sản phẩm để phục vụ kế hoạch kinh doanh. Ngoài đơn hàng của Samsung, công ty có phương án phát triển các đơn hàng của khách hàng khác để tăng thêm đơn hàng”, ông Park Jounggeun cho hay.

Theo ông Park Jounggeun, do vấn đề về nhân lực, công ty phải đẩy mạnh tuyển dụng lao động ở vùng xa như Hà Giang, Nam Định, Nghệ An. Ông cũng mong Nhà nước xem xét duy trì giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% như năm 2022 để doanh nghiệp chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Đại diện nhân sự một công ty điện tử khác tại phía Bắc cho hay cần tuyển 200 công nhân mới, nhưng sau Tết chỉ tuyển được 20 người/ngày. Để thu hút lao động mới, ngoài lương cơ bản từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, ứng viên sẽ nhận thêm phụ cấp 700.000 đồng/tháng, hỗ trợ tiền ăn ca, tặng quà dịp lễ Tết, hiếu hỉ, sinh nhật và xe đưa đón.

“Bên mình vẫn tuyển lao động phổ thông, chỉ cần biết đọc, biết viết là được. Dù tìm đủ mọi cách truyền thông, chính sách thưởng khuyến khích đi làm nhưng vẫn không tuyển nổi”, vị này cho hay.

Để tìm việc, người lao động có thể đăng ký với trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để tìm việc ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên – Ảnh: HÀ QUÂN

Doanh nghiệp ở Hà Nội ‘săn’ đầu người

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết Nguyên đán 2023, có 72 đơn vị cần tuyển khoảng 1.280 chỉ tiêu, chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm gần 50% tổng số). Số việc cho người có trình độ cao đẳng, đại học gần 400, còn lại là trình độ trung cấp, kỹ thuật.

Đại diện đơn vị này đánh giá các doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển công nhân sản xuất (chiếm tỉ lệ 34%), tiếp sau là kỹ sư xây dựng, nhân viên kinh doanh, thu ngân, nhân viên bán hàng…

Đông nhất là may mặc, điện, điện tử, cơ khí, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ, sản xuất chế tạo, xây dựng. Mức lương dao động từ 6 – 15 triệu đồng/tháng. Với vị trí thu ngân, bán hàng, doanh nghiệp thường không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần yêu thích kinh doanh, chăm chỉ, chịu khó. Còn công nhân xây dựng, lắp ráp điện tử yêu cầu sức khỏe tốt, cần cù.

Ngay trong quý 1-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự kiến tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và online các tỉnh thành để kết nối người tìm việc và doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh (Bắc Ninh), cho hay dù địa phương có khoảng 300.000 lao động nhưng không xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, nghỉ việc hàng loạt vì chế độ chăm lo tốt cho người lao động. Minh chứng là 10% số doanh nghiệp và công nhân làm việc xuyên Tết.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, đặc biệt của Hàn Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thậm chí tăng ca cho người lao động. Qua nắm bắt, nhu cầu khoảng 5.000 công nhân. “Dự kiến cả năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tuyển mới từ 10.000 – 15.000 lao động mới”, ông Phúc nói.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng đến hết quý 1-2023 khoảng 377.700 lao động mới. Bộ đã có phương án kết nối cung – cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: