Giá thuê mặt bằng TTTM ở TP.HCM có thể tăng đột biến


Với nhu cầu mở rộng liên tục của các thương hiệu, giá thuê mặt bằng bán lẻ không ngừng tăng. Một số khách thuê còn đang nằm trong danh sách chờ để “tranh” vị trí đắc địa.

Sau khoảng thời gian thị trường bán lẻ ảm đạm do thiếu vắng nguồn cung mới, việc chính thức khai trương trung tâm thương mại Thiso Mall (TP Thủ Đức) vào cuối năm 2022 đã đóng góp thêm khoảng 33.000 m2 sàn, nâng tổng nguồn cung bán lẻ đang hoạt động lên 1,052 triệu m2, theo thống kê của Cushman & Wakefield.

Ngay lập tức, các thương hiệu lớn đổ dồn về đây. Điển hình là hãng thời trang Uniqlo với cửa hàng rộng khoảng 1.700 m2 đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi mở bán. Trong lúc này, các chuỗi F&B như Starbucks, Pizza 4P’s, Paris Baguette cũng như các thương hiệu thời trang Levi’s, Valetino Creation, Adidas… đã mở cửa đón khách tại cửa hàng mới ở Thiso Mall.

Thương hiệu ngày càng mở rộng, giá thuê không ngừng tăng

Tại nhiều TTTM khác ở TP.HCM, các thương hiệu cũng đang tăng tốc mở rộng độ phủ. Điển hình, theo ghi nhận của JLL, ông lớn bán lẻ từ Nhật Bản – Muji, sau cửa hàng 1.200 m2 mới khai trương ở Crescent Mall (quận 7) nay cũng đang ấp ủ kế hoạch mở thêm một cửa hàng hơn 2.000 m2 ở Vincom Megamall Thảo Điền (TP Thủ Đức).

Thị trường cũng chào đón thêm một số thương hiệu mới như Lesilla và Nerdy tại Vincom Đồng Khởi (quận 1), Tiffany & Co tại Union Square (quận 1) , ADLV tại Thiso Mall, Memo Paris tại Diamond Plaza và Takashimaya (quận 1), Beauty in the Pot tại Diamond Plaza…

Điều đáng nói, trong năm 2022, nhiều TTTM đã lên kế hoạch và tiến hành cải tạo, tái cấu trúc mặt bằng, trong đó có Diamond Plaza đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 12/2022 với nhiều thương hiệu cao cấp và sang trọng, các mặt hàng phong phú như Jo Malone, Chanel, Lilliput, %Arabica, Beauty in the Pot hotpot…

Hùng Vương Plaza (quận 5) cũng đang được cải tạo và dự kiến tái gia nhập thị trường trong năm nay.

Trong lúc này, Savills cho biết các TTTM lớn khác ở ngoài trung tâm như Giga Mall (TP Thủ Đức), AEON Mall Bình Tân và Vạn Hạnh Mall (quận 10) vẫn liên tục nhận được nhiều yêu cầu thuê, tuy nhiên các vị trí còn trống có diện tích nhỏ và lượng khách qua lại thấp. Do đó, khách thuê được đưa vào danh sách chờ cho đến khi có những vị trí phù hợp yêu cầu.

Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong năm 2022 tăng cao so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực trung tâm TP.HCM đạt 96%, còn khu vực ngoài trung tâm cũng ở mức 85%.

Giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tăng 9-10% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Song song với nhu cầu mở rộng của các nhà bán lẻ, giá thuê mặt bằng từ đó liên tục tăng. Theo báo cáo mới nhất của Savills, gần 40% dự án TTTM đã tăng giá thuê trong năm 2022. Trong đó, giá thuê tại tầng trệt tăng 10% theo năm đạt 1,25 triệu đồng/m2/tháng.

Nhìn chung, Cushman & Wakefield ghi nhận giá thuê trung bình mặt bằng tại các TTTM đang tiến gần 50 USD/m2/tháng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Còn ở thị trường Hà Nội, dữ liệu của Colliers cho thấy giá thuê bình quân tại khu vực trung tâm đạt mức 115 USD/m2/kỳ hạn, tăng 4,5% so với quý trước.

Giá thuê năm nay có thể tăng đột biến

Trong năm nay, Cushman & Wakefield cho biết có 4 dự án dự kiến chào sân là Central Premium Plaza (quận 8), Vincom Megamall Grand Park (TP Thủ Đức), Sunrise City Central (quận 7) và Emart 2 (Gò Vấp), đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới.

Làm việc với nhiều khách thuê khác nhau, bà Trang Đỗ, Trưởng phòng dịch vụ bán lẻ tại Colliers Việt Nam nhận định xu hướng chung của các doanh nghiệp hiện nay là ưu tiên phát triển sản phẩm trên nhiều nền tảng kinh doanh.

Dù vậy, kênh bán hàng vật lý vẫn được xem là có giá trị trải nghiệm tốt nhất trên thị trường bán lẻ cạnh tranh gay gắt hiện nay và giúp thị trường tăng trưởng tốt sau dịch. Do đó, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu còn nhiều bất ổn, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nhất định. Các nhà đầu tư, thương hiệu lớn đều ở trạng thái thăm dò những mặt bằng có vị trí, diện tích phù hợp và chờ đợi những điều chỉnh từ thị trường, từ những chính sách vĩ mô hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Nhà nước trong thời gian tới”, báo cáo của Colliers nhìn nhận.

Đến cuối năm 2023, giá thuê mặt bằng tại các TTTM sẽ tăng ở cả hai thị trường trong và ngoài trung tâm. – Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn tại JLL Việt Nam

Trong bối cảnh này, bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn tại JLL Việt Nam dự báo giá thuê có thể tăng đột biến trong 12 tháng tới.

“Dự kiến đến cuối năm nay, các TTTM được cải tạo ở khu vực trung tâm sẽ tăng giá thuê thêm 21,1% so với cuối năm 2021. Đồng thời, khu vực ngoài trung tâm cũng sẽ có giá thuê tăng cao do nhu cầu của các khách thuê F&B và thời trang nhanh quốc tế”, bà Trang nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, ước tính đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: