Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11.10, giá xăng tăng 560 – 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm. Chiều nay 11.10, liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng. Giá xăng tăng từ 560 – 564 đồng/lít từ sau 15 giờ hôm nay 11.10 NGỌC THẮNG Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Cụ thể, liên Bộ Công thương – Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg). Liên Bộ Công thương – Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác. Theo đó, giá bán xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường áp dụng từ sau 15 giờ chiều nay như sau: xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 715 đồng/lít; Giá xăng RON95-III không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành). Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Giá dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành). Cũng theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3.10 – 11.10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+. Cụ thể, mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày – mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm. Theo Thanh Niên Online