Giá xăng giảm 120 đồng/lít


Từ 15h ngày 1/3, xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm 120 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã có 4 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Chiều 1/3, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 120 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.420 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.320 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng tiếp tục điều chỉnh giảm, mức giảm mạnh hơn giá xăng. Cụ thể, dầu diesel giảm còn 20.250 đồng/lít. Hiện, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá mặt hàng xăng.

Như vậy, giá xăng trong nước đã giảm lần thứ 2 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/2, Petrolimex dương 2.118 tỷ đồng, PVOil âm 482 tỷ đồng, Saigon Petro 294 tỷ đồng, Petimex là 377 tỷ đồng…

Hôm qua, tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức với hai cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục kiến nghị cần có chiết khấu tối thiểu 5-6% giá bán.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ xăng dầu… không chỉ do tình hình thế giới, còn có do cơ chế, chính sách, quy định quản lý Nhà nước chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành: Doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng; phương pháp tính giá có nhiều hạn chế; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh…

Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết để có thể nâng lên mức dự trữ nhập ròng 30 ngày cần 4.100 tỷ/năm. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: