Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc tăng giá hàng hóa gần đây, trong đó có lý do tăng lương cơ sở từ ngày 1-7. Gọi điện mua 50 kg gạo Lài Sữa của đại lý quen, cô Nguyễn Thị Tuyết Nga (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) được thông báo giá tăng thêm 1.000 đồng/kg, lên mức 18.000 đồng/kg. “Sau Tết âm lịch, gạo Lài Sữa đã tăng giá một lần, nay tăng tiếp lần nữa. Còn gạo thường thì đại lý báo giá 14.500 đồng/kg, tăng đến 2.000 đồng/kg so với đầu năm. Mà đâu chỉ có gạo, các mặt hàng như đường, đậu, sữa… cũng đã tăng giá” – cô Nga cho biết. Thịt heo “nhảy” giá Khảo sát tại một số chợ truyền thống ở TP HCM, chúng tôi ghi nhận giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng từ trước khi tăng lương cơ sở. Chị Vũ Kim Ngọc, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cho biết giá mặt hàng này đã tăng cả tháng qua với mức tăng vài ngàn đồng/tuần. Tính đến thời điểm này, giá thịt heo tăng tổng cộng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước, do giá bán ở chợ đầu mối tăng kéo giá ở chợ lẻ lên theo. Tại chợ Bình Khánh (TP Thủ Đức), tiểu thương Bùi Thị Yến cho hay giá bán hành lá đã tăng lên 100.000 đồng/kg, rau tần ô có giá hơn 70.000 đồng/kg, bó xôi 68.000 đồng/kg, ngò rí 90.000 đồng/kg… Giá cả hàng hóa ở chợ truyền thống thường biến động theo từng phiên chợ Ảnh: THANH NHÂN Theo ông Lê Phúc Hậu, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP HCM), heo mảnh gần đây tăng giá là do giá heo hơi tăng. Nếu tháng trước, giá heo mảnh chỉ khoảng 65.000 – 68.000 đồng/kg thì nay 72.000 – 74.000 đồng/kg. Thậm chí, có ngày lượng heo về chợ không đủ cung cấp cho thị trường nên giá heo mảnh “nhảy” lên 80.000 – 82.000 đồng/kg. Tương tự, giá các loại rau cũng tăng vài trăm đồng đến 1.000 đồng/kg so với tuần trước do ảnh hưởng của mưa bão khiến lượng hàng về chợ giảm khoảng 20%. Với thực phẩm công nghệ, chủ một đại lý phân phối lớn trên đường Tháp Mười (quận 6) cho biết từ ngày 1-7, giá sữa, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt… giảm nhẹ do thuế suất thuế GTGT giảm 2%. Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn tăng so với thời điểm năm 2022. “Những tháng đầu năm nay, Vinamilk lần lượt tăng giá các dòng sản phẩm sữa bột, sữa nước… khoảng 5%-15% trong khi thuế suất thuế GTGT gần đây mới giảm 2%” – chủ đại lý này dẫn chứng. Thông tin với phóng viên Báo Người Lao Động, đa số người bán hàng cho biết buộc phải tăng giá bán hàng hóa do giá mua vào cũng như chi phí vận chuyển, sinh hoạt… đều tăng. Không để “té nước theo mưa” Theo phân tích của ban quản lý các chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), giá hàng hóa có biến động song vẫn trong biên độ bình ổn. Chẳng hạn, mặt hàng thịt heo đang đứng giá, ổn định ở mức 72.000 – 74.000 đồng/kg. Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho rằng giá các mặt hàng lương thực – thực phẩm tăng là phù hợp với xu hướng thị trường chung trên thế giới. Bên cạnh đó, hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu nhiều, phần nào ảnh hưởng đến sản lượng cung ứng cho thị trường nội địa. Các ban quản lý chợ cũng không loại trừ yếu tố tăng giá do tâm lý bởi theo thông lệ sau mỗi đợt điều chỉnh lương cơ sở, thị trường lại thiết lập mặt bằng giá mới. Lần này, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tức tăng 20,8%, tạo hiệu ứng giá cả hàng hóa tăng tương ứng. Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý II/2023 của Sở Công Thương TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở, cho biết sở đang phối hợp các sở ngành, doanh nghiệp sản xuất, phân phối triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo lương. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sở đã nhận được phản ánh giá cả một số mặt hàng ở chợ tăng theo lương. Tuy nhiên, theo quy luật kinh tế, tăng lương không làm tăng cung tiền, do đó không có lý do để tăng giá hàng hóa. Giá hàng hóa ở chợ phụ thuộc nguồn cung trong ngày và từng thời điểm khách hàng mua sắm. Chẳng hạn, nếu hàng hóa tồn thì thương nhân sẽ bán giảm giá vào cuối ngày. Ngược lại, khi lượng khách tăng cao, nhất là khách hàng mới, thương nhân có thể đẩy giá lên để kiếm lời. Đây có thể coi là hiện tượng “té nước theo mưa”. Ngay từ đầu năm 2023, để kìm giá cả hàng hóa, TP HCM đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá khi lương tăng. Ðáng chú ý, thành phố đang triển khai chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài đến ngày 15-9. Tính đến thời điểm này đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia hơn 7.200 chương trình khuyến mãi, 30% số chương trình là giảm giá từ 50% trở lên. Các nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central, SATRA, MM Mega Market, Emart, AEON, Lotte Mart… đều giảm giá cho nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, bao gồm lương thực – thực phẩm, nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Sức mua bắt đầu khởi sắc Thống kê của các chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP HCM cho thấy bước sang tháng 7-2023, sức mua có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Diễn biến này không nằm ngoài quy luật thị trường chung hằng năm. Dự báo từ nay đến cuối năm, sức mua sẽ tốt dần lên; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh cũng tích cực đưa hàng ra thị trường, tăng lưu thông dòng tiền để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Để ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa, tránh nguy cơ lạm phát, TP HCM cần tăng cường quản lý nhà nước đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong đó, bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào, cân đối cung – cầu; ngăn chặn găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về giá. Theo Người Lao Động Online