Hồi hộp mùa hoa, trái Tết


Mưa nhiều, triều cường cao hơn mọi năm, giá vật tư nông nghiệp tăng… là những yếu tố đẩy chi phí đầu vào trồng hoa, cây kiểng lên cao. Trong khi đó, sản lượng đầu ra và giá bán thị trường Tết vẫn còn là ẩn số.

Nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tất bật chuẩn bị hoa, kiểng, trái cây phục vụ thị trường Tết Quý Mão năm 2023 trong lo lắng lẫn hồi hộp.

Người trồng gặp khó

Làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những vùng trồng hoa Tết nhiều nhất ĐBSCL. Những ngày này, nhà vườn chộn rộn cho vụ hoa Tết.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho hay vụ Tết sắp tới, địa phương cung cấp 9-10 triệu sản phẩm các loại ra thị trường gồm: mai, tắc, hoa giấy, các loại cúc, lá màu… “Chợ Lách có hệ thống đê bao nên không ảnh hưởng triều cường nhưng năm nay mưa nhiều, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hoa, sâu bệnh dễ tấn công” – ông Liêm nói.

Vụ hoa, kiểng Tết năm ngoái, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các hộ trồng chủ động cắt giảm tối đa sản lượng. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, nhiều nhà vườn khôi phục sản xuất, hy vọng hoa, kiểng hút hàng.

“Tôi trồng 500 chậu mai, dự kiến giá bán từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng/chậu. Năm rồi do dịch nên tôi chỉ trồng khoảng 300 chậu. Đối với mai, thời tiết hiện nay vẫn chưa ảnh hưởng nhiều nhưng bị sâu bệnh, tôi phải tốn nhiều tiền mua thuốc trị. Hy vọng loại cây cảnh này sẽ hút hàng vào vụ Tết năm nay” – ông Nguyễn Văn Đấu – ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách – mong mỏi.

Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy nhiều nhà vườn vẫn có tâm lý lo ngại nên khá dè dặt xuống giống hoa Tết. Tại “thủ phủ” hoa Tết miền Tây ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhà vườn giảm diện tích trồng vì lo ngại sức mua sụt giảm.

Nông dân Làng hoa Sa Đéc lớn nhất miền Tây bước vào vụ hoa Tết Quý Mão 2023 Ảnh: NHA MÂN

Bà Nguyễn Thị Năm – có thâm niên hơn 40 năm trồng hoa Tết – lo thị trường hoa Tết Quý Mão sẽ trầm lắng, dự báo sức mua giảm vì nhiều gia đình đang thắt chặt chi tiêu. “Giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao nên trồng hoa Tết khó có lãi nhiều trong khi dự báo đầu ra sẽ khó khăn hơn. Tôi đã chủ động giảm số lượng hoa còn khoảng 70% so với năm ngoái” – bà Năm tính toán.

Cũng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, “ăn” vào lợi nhuận nên một số chủ vườn tại Sa Đéc giảm diện tích canh tác các loại hoa hồng, cúc Đài Loan, cúc tiger, vạn thọ, thược dược… “Hoa Tết mà bí đầu ra thì xem như cả nhà mất Tết” – ông Trần Văn Dũng khẳng định. Năm nay, ông Dũng bỏ ruộng hoa Tết, chuyển sang trồng các loại cây kiểng công trình phục việc trang trí các tiểu cảnh.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, hiện tại, chỉ có cúc mâm xôi là thế mạnh của nông dân ở đây nên số lượng xuống giống tăng gấp đôi so với vụ hoa Tết Nhâm Dần 2022, tập trung nhiều tại xã Tân Khánh Đông.

Tại TP Cần Thơ, HTX Hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) đang trồng khoảng 20 loại hoa, trong đó nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan và cát tường. Theo ông Đoàn Hữu Bốn, giám đốc HTX, nhiều nhà vườn đang lo lắng vì giá vật tư nông nghiệp năm nay tăng cao. Thêm nữa, mấy tuần nay mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường nên nhiều hộ tốn tiền nâng giàn để trồng hoa trong chậu. Có hộ bị trôi nhiều chậu vừa xuống giống nên đội thêm chi phí.

Chưa dám ký hợp đồng

Trái cây “độc, lạ” là mặt hàng quen thuộc trên thị trường Tết những năm gần đây. Ông Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đang tạo hình một số sản phẩm như: dừa in chữ Tài – Lộc, bưởi thỏi vàng, dưa hấu thỏi vàng.

“Tôi dự kiến cung cấp khoảng vài trăm trái bưởi và dưa hấu, tương đương năm rồi. Năm nay, tôi đầu tư để hoàn thiện khuôn, đi tỉnh khác hợp tác với HTX để tạo hình nên chi phí tăng. Giá bán dự kiến sẽ tăng nhẹ: bưởi và dưa hấu thỏi vàng khoảng 800.000 đồng – 1 triệu đồng/trái, dừa in chữ Tài – Lộc 300.000 – 350.000 đồng/trái” – ông Tâm cho hay.

Tuy vậy, đến thời điểm này, ông Tâm vẫn chưa dám ký hợp đồng vì các loại trái đang vào khuôn, chưa đánh giá được sản phẩm đạt hay không. “Còn quá sớm để nhận hợp đồng, đến đầu tháng 11 tôi mới mở bán” – ông Tâm nói.

Quay lại sản xuất bưởi tạo hình hồ lô chưng Tết sau 1 năm gián đoạn vì ảnh hưởng dịch COVID-19, ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) dự kiến bán ra khoảng 200 trái tạo hình đẹp mắt. “Che đẻ” của bưởi hồ lô này cho hay ông hợp tác với nhà vườn hoặc mua trái bưởi Năm Roi của một vài hộ dân ở Vĩnh Long rồi vào khuôn.

“Do đất bạc màu, cây bưởi lão hóa… nên rất khó tìm trái đẹp để tạo hình. Tuy vậy, tôi bán giá ổn định như mọi năm để kéo khách hàng lại” – ông Thành nhấn mạnh.

Đào tiên hồ lô có thể lên đến 800.000 đồng/trái

Lão nông 77 tuổi Võ Hồng Quốc (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang chuẩn bị khuôn để tạo hình trên trái đào tiên. Ông Quốc có khoảng 100 cây đào tiên – loại thường được dùng làm thuốc Nam, trị ho rất hay. Năm 2010, nhận thấy trái đào tiên có thể tạo hình thành dáng hồ lô như bưởi Năm Roi, ông Quốc bắt tay làm thử. Từ đó đến nay, đào tiên hồ lô cũng có mặt trên thị trường Tết.

“Mưa quá, không thuận lợi cho cây ra trái. Tuy nhiên, tôi cố gắng cung cấp cho thị trường Tết khoảng 200 trái đào tiên hồ lô có chữ Tài – Lộc. Một số thương lái đã gọi hỏi mua nhưng tôi chưa vội bán vì không biết tỉ lệ thành công bao nhiêu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết từ đây đến cuối năm. Giá bán dự kiến 300.000-800.000 đồng/trái, bằng vụ Tết Nhâm Dần 2022” – ông Quốc cho biết.

Thị trường khô đang bão hòa

Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng tại An Giang, thị trường đặc sản khô, mắm khá yên ắng. Các cơ sở vẫn làm hàng liên tục nhưng sản lượng tăng không đáng kể so với ngày thường. Nhiều chủ cơ sở cho biết từ đầu năm đến nay, sức mua khô, mắm khá yếu, thậm chí có thời điểm “bão hòa” nên khó bán.

Bà Lưu Giang Thanh – chủ cơ sở sản xuất khô 9T ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang – cho biết năm trước, mỗi tháng cơ sở xuất được hơn 1 tấn khô các loại nhưng năm nay chỉ bán được vài trăm ký/tháng. “Năm nay nhiều người làm khô bán ra thị trường nên những cơ sở sản xuất lâu năm bị cạnh tranh về giá, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được khô loại 1, loại 2 có chất lượng khác nhau thế nào, mà chỉ quan tâm loại nào rẻ hơn thì mua” – bà Thanh nêu một số khó khăn. Theo bà, dù sức mua giảm nhưng với lợi thế thương hiệu lâu năm, có khách hàng “ruột” nên cơ sở vẫn sản xuất đều đặn và chuẩn bị thêm nguồn hàng cho dịp Tết.

Cũng lo lắng thị trường khô đang bão hòa, ông Nguyễn Văn Ngoan – chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Nhựt Tâm ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – cho hay năm nay có quá nhiều người nuôi cá và tự sản xuất khô để cung ứng cho thị trường với giá thấp. “Nhiều cơ sở dùng cá lóc cỡ nhỏ, cá lứa để làm khô. Có thể họ thu mua cá kém chất lượng từ những người nuôi cá bị “bể hầm” hay cá bệnh, dẫn đến chất lượng khô không cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng khó phân biệt loại khô này với loại khô chất lượng từ cơ sở uy tín, có đăng ký và được ngành chức năng kiểm tra thường xuyên. Chính vì thế, chúng tôi chỉ sản xuất sản lượng nhỏ, đợi những ngày tới khi thị trường có diễn biến tích cực sẽ khẩn trương sản xuất số lượng lớn, vì nguồn nguyên liệu có sẵn với số lượng nhiều” – ông Ngoan giải thích.

Khác với khô, để sản xuất được một mẻ mắm phục vụ mùa Tết, các cơ sở phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Chị Trần Thị Kim Ngân – chủ cơ sở sản xuất mắm chao Ba Lộc, thị xã Tân Châu – cho hay năm nay nguồn cá mè vinh khá khan hiếm, chị phải thu mua nhiều nơi nhưng hiện vẫn chưa đủ sản lượng để làm mắm phục vụ mùa Tết. “Mỗi năm, cơ sở chúng tôi sản xuất khoảng 1 tấn mắm cá mè vinh bán Tết. Nhưng năm nay, nguồn cá nguyên liệu khó tìm, chúng tôi chỉ có thể sản xuất được khoảng 700 kg mắm” – chị Ngân thông tin.


Cá mè vinh tự nhiên khan hiếm, cơ sở sản xuất mắm chao Ba Lộc phải thu mua nhiều nơi để kịp ra hàng mùa Tết Ảnh: VĨNH KỲ

Theo Người Lao Động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: