Khách nội địa phục hồi nhanh, quốc tế vẫn ì ạch, vì sao?


Hiện nay, trung bình mỗi ngày lượng khách quốc tế đi, đến các sân bay Việt Nam đạt 16.000 – 20.000 khách. Dù đã nhanh chóng nối lại đường bay nhưng doanh nghiệp hàng không thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro trong thời gian tới.

Máy bay Vietjet tiếp nhiên liệu tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: CÔNG TRUNG

Quản lý 21 sân bay tại Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đánh giá qua 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng khách nội địa phục hồi nhanh nhưng khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn.

Với khách nội địa, đơn vị này đã phục vụ 22,8 triệu khách, đạt 104% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 98% so với năm 2019. Mức tăng trên là khả quan so với thời điểm năm ngoái khi dịch bệnh bùng phát, hàng không gặp vô vàn khó khăn, mỗi ngày chỉ lèo tèo vài chuyến bay.

Đáng chú ý với thị trường quốc tế, Việt Nam mở tung cánh cửa bầu trời, tháo gỡ nhanh chóng các rào cản khách nhập cảnh… nhưng sản lượng khách quốc tế đi, đến vẫn ì ạch.

Số lượng khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 877.000 khách. Và đến hiện nay, trung bình một ngày có 16.000 – 20.000 khách quốc tế đi, đến thông qua hệ thống sân bay tại Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu do các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero COVID” trong khi các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế nhập cảnh và thực hiện cách ly, khiến nhu cầu đi lại của hành khách chưa thể trở lại bình thường.

Theo kịch bản lạc quan của ngành hàng không, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thể đạt 33 – 35 triệu lượt khách và trở về mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Riêng thị trường quốc tế vẫn giảm sâu 72-80% vì gặp nhiều khó khăn hơn…

Các hãng bay nhanh chóng nối lại đường bay nội địa và quốc tế, nhưng “bóng đêm” COVID-19 trong 2 năm qua khiến một số hãng bay rơi vào tình trạng lỗ nặng. Chưa kể giá nhiên liệu JetA1 vẫn biến động theo mức tăng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của hàng không.

Mới đây nhất Ủy ban Chứng khoán bác đề nghị lùi thời điểm công bố báo cáo tài chính của Vietnam Airlines (VNA). Việc “trễ hẹn” gần đây có nhiều ý kiến xem là động thái “nghi binh”, bởi nếu cổ phiếu “dính” phải thông tin bị hủy niêm yết thì sẽ rất khó giao dịch và thường rơi vào trạng thái nằm sàn. Bởi lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines có khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ (lợi nhuận sau thuế năm 2020 của VNA âm hơn 11.000 tỉ đồng).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết với tỉ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế, dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề.

Hàng không cần chính sách hỗ trợ

Nhằm trợ lực cho hàng không trong giai đoạn này để “gượng dậy”, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa, và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá với thời gian đến hết năm 2022.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: