Phải tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp


Thực tế, câu chuyện tăng 6% lương tối thiểu cho người lao động lúc này không chỉ là vấn đề thu nhập tăng mà việc tăng lương nên được xét song song với tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).

Nguyễn Thị Bé Ba (quê Quảng Nam) là nhân viên điều phối phòng tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở miền Trung.

Tốt nghiệp ngành luật kinh tế năm 2021, bắt đầu đi làm từ tháng 2.2022, thu nhập hằng tháng của cô hiện khoảng 6 triệu đồng/tháng, bao cơm trưa. Mức lương tối thiểu để tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) của cô thuộc vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng. Dự kiến từ tháng 7 tới, mức lương cơ bản của Bé Ba sẽ tăng thêm 210.000 đồng, lên 3,63 triệu đồng/tháng. Cô cho biết do đi làm được bao ăn cơm, không tốn chi phí thuê nhà trọ, cơm tối còn được ba mẹ nuôi, nên chi phí hằng ngày của cô chỉ tiền đổ xăng, ăn sáng, thỉnh thoảng tiền đi uống nước với bạn bè, mua sắm… cuối mỗi tháng vẫn còn dư 2 – 2,5 triệu đồng.

“Nếu thuê nhà, ở riêng và tự nấu ăn, chắc chắn chẳng dư được đồng nào và không dám nghĩ chuyện lấy chồng sinh con”, Bé Ba nói và cũng cho biết rằng lương tối thiểu tăng có thể liên quan vào chi đóng bảo hiểm của DN cho người làm, chứ người lao động chưa chắc được tăng thu nhập. Vì hiện tại công ty đã trả lương cho mình cao hơn mức cơ bản là 2,57 triệu đồng/tháng.

Tương tự, Ngọc Tú là công nhân một DN sản xuất tại Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng, không thay đổi như đầu năm trước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay công ty có hỗ trợ thêm tiền ăn trưa cho người lao động với mức 20.000 đồng/bữa. Với thu nhập trên, khi trừ hết chi tiêu từ nhà trọ, ăn uống, xăng xe… thì Tú vẫn còn tiết kiệm để gửi tiền về quê phụ giúp cho ba mẹ hằng tháng. Khi nghe tin lương tối thiểu sắp được gia tăng, Tú thấy vui bởi thu nhập thực tế cũng khó tăng nhưng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp sẽ cao hơn thì “trong tương lai thì các khoản hỗ trợ đó cũng đỡ cho hơn bản thân”.

Theo tính toán của Hội đồng lương, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2022 dự kiến 4%, thì lương tối thiểu hiện nay chỉ thấp hơn 1,3% so với mức sống tối thiểu. Từ lập luận này, các tính toán để đưa ra mức tăng lương tối thiểu 6% từ tháng 7 năm nay cho đến hết năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng mong muốn của chúng ta là bao giờ tăng lương cũng cao hơn lạm phát. Nhưng tiền lương và lạm phát lại “đẩy” lẫn nhau. Quan trọng hơn trong chiến lược tăng lương là phải gắn với tăng năng suất lao động. Có như vậy, việc tăng lương mới bền vững hơn. “Trong dài hạn, tăng lương tối thiểu chắc chắn phải có. Nhưng muốn bền vững, năng suất lao động của người lao động phải được chú ý. Tăng năng suất lao động của VN tính toán trong giai đoạn 10 năm tới là 7%. Đó là căn cứ quan trọng để tính toán tăng lương cho người lao động chứ không nên chỉ dựa vào chỉ số CPI lạm phát…”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này, đại đa số DN đều trả lương cao hơn mức cơ bản rất nhiều, từ công việc lao động phổ thông đến bàn giấy. Nên việc tăng lương này, thực tế là tăng đóng góp vào BHXH của DN. Thế nên, điều chỉnh về mức đóng BHXH của DN là rất quan trọng song song với điều chỉnh tăng lương tối thiểu.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: