Hơn nửa tháng nữa là Tết Trung thu nhưng các quầy bánh trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan… vẫn vắng khách. Theo các nhà sản xuất, dù đã lường trước nhưng sức mua từ các khách hàng doanh nghiệp lại giảm khá sâu so với kỳ vọng. Bánh trung thu được nhiều cửa hàng khuyến mãi “mua 1 thành 2” nhưng vẫn vắng khách – Ảnh: LÂM QUỐC VIỆT Nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết kinh tế khó khăn nên việc mua bánh trung thu để biếu, tặng giảm. Ngoài ra, dòng bánh này được sản xuất quanh năm, nhiều loại bánh thay thế nên nhu cầu sử dụng không quá thiết yếu như trước. Khách lẻ mua ít, đại lý nóng ruột Sau một hồi hỏi giá tại cửa hàng bánh trung thu đang trưng bảng “mua 1 tặng 1” trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, TP.HCM), ông Lê Bảo Quốc (Bình Thạnh) vẫn không chọn mua. Theo ông Quốc, giá bánh đã giảm nhưng vẫn còn cao, chưa kể các loại như Kinh Đô, Như Lan không được giảm giá nên phải chờ giảm thêm. Sau khi chọn mua một hộp bốn bánh thương hiệu Đồng Khánh tại một đại lý trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) với giá đã giảm còn 320.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết chỉ mua một hộp này về cho con, còn lại tùy theo giá cả mới xem có mua tiếp không. “Bánh trung thu giờ chủ yếu để biếu tặng. Còn để ăn thì dễ, nhiều đơn vị sản xuất quanh năm nên gia đình cũng không quá tha thiết. Chưa kể, mua bánh trong dịp này giá lại quá cao so với bình thường”, chị Hạnh nói. Xuống phố từ đầu tháng 8 nhưng tới nay quầy bánh Kinh Đô của bà Đặng Huỳnh Giao nằm trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) vẫn chưa hết cảnh vắng vẻ đầu vụ. Theo bà Giao, so với cùng kỳ năm trước, số lượng khách mua giảm mạnh. “Khách chủ yếu ghé mua lẻ 1 – 2 chiếc ăn chơi, chứ mua hộp sang làm quà thì doanh nghiệp đặt số lượng lớn chưa nhiều. Năm trước, vào vụ từ trước ngày 2-9 đã sôi động nhưng năm nay 12-9 vẫn thưa khách, thậm chí bán chậm hơn so với năm dịch”, bà Giao cho biết. Tương tự, nằm ngay vòng xoay Dân Chủ nhộn nhịp, là giao lộ của các tuyến đường lớn… nhưng nhiều quầy bánh thuộc thương hiệu Đồng Khánh vẫn rơi vào cảnh trầm lắng dù áp dụng khuyến mãi sâu, thậm chí “mua 1 tặng 1”, giá bán giảm còn 40.000 – 100.000 đồng/cái. Ông Nguyễn Minh Thiên, nhân viên một cửa hàng tại đây, cho biết khách chỉ ghé đông vào giờ cao điểm từ 19h-20h hoặc ngày cuối tuần, thời gian còn lại tiệm chỉ bán lai rai. “So với những năm trước, khách mua bánh lẻ giảm chừng 20 – 25%”, ông Thiên thông tin. Thậm chí, từ khi mở quầy vào ngày 6-9 đến nay, quầy bánh trung thu Bảo Ngọc nằm trên đường Hai Bà Trưng chỉ bán được vài chiếc bánh lẻ mỗi ngày, bánh hộp sang trọng gần như không bán được. Theo chủ quầy, vì đây là năm đầu Bảo Ngọc ra mắt thị trường phía Nam nên chưa có khách quen, chủ yếu bán cho khách vãng lai nhưng không nghĩ sức mua lại chậm đến vậy. Sốt ruột tới lễ vẫn ế bánh, vị này quyết định tung khuyến mãi sớm, giảm lãi để có khách. “Nếu chính sách của đại lý là mua 5 giảm 5%, tôi để mua 3 hộp đã giảm, mua 6 giảm liền 10%”, vị này nói và thừa nhận kinh tế khó khăn khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, sức mua chậm hơn, chưa kể giá bánh cũng tăng nhẹ do giá đầu vào tăng. Khách mua sỉ giảm, doanh nghiệp tăng khuyến mãi Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 12-9, bà Kao Huy Minh, đại diện ABC Bakery, cho biết đến thời điểm này, nhu cầu mua bánh trung thu để biếu tặng từ khối khách sỉ (chủ yếu các doanh nghiệp) đã giảm khoảng 40 – 45% so với mọi năm, trong khi sức mua ở khối cửa hàng bán lẻ có mức giảm thấp hơn. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – giám đốc Công ty lương thực thực phẩm Đồng Khánh (Long An), chủ thương hiệu bánh trung thu Đồng Khánh hiệu Bông lúa vàng – cho biết sau hơn một tháng bán bánh, đơn vị ghi nhận sức mua của khối doanh nghiệp đã sụt giảm 30 – 40% so với mọi năm, trong đó nhiều doanh nghiệp giảm 50% lượng bánh đặt mua, thậm chí không mua. “Doanh nghiệp là nguồn khách chính, thường chọn mua bánh sớm để biếu tặng công nhân viên, nên thời điểm này nhu cầu sẽ không còn nhiều. Với nguồn khách chính giảm mạnh, kênh bán lẻ sẽ không thể bù đắp, dẫn đến tổng lượng bánh bán ra năm nay giảm nhiều”, bà Thủy thông tin. Để hỗ trợ kênh đại lý vào dịp giáp Tết Trung thu, theo bà Thủy, ngoài mức chiết khấu 30 – 35% trước đó, đơn vị có thể tăng thêm 5 – 10% mức chiết khấu để đại lý mạnh dạn giảm giá bán lẻ nhằm kích thích sức mua, tránh ôm bánh tồn quá nhiều. Đại diện siêu thị MM Mega Market cũng cho biết có thể tính toán tăng thêm khuyến mãi để kích thích sức mua trong những ngày tới. Trong khi đó, dù khẳng định lượng bánh trung thu bán ra năm nay dự kiến vẫn ổn định như năm ngoái với khoảng 500 tấn – tương đương 3 triệu cái, nhưng ông Nguyễn Quốc Hoàng, tổng giám đốc Công ty Bibica, xác nhận thị trường năm nay “chua” hơn mọi năm, đặc biệt sức mua giảm ở khối khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ giảm nhiều. “Với 70% là khách sỉ, 30% đại lý bán lẻ, năm nay ngoài giữ giá bán ổn định, đơn vị cố gắng thay đổi mẫu mã, bao bì đẹp hơn để khai thác tốt nguồn khách là các cơ quan, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc đa dạng phân khúc giá bình dân cũng giúp nhiều khách hàng dễ mua hơn”, ông Hoàng lý giải và cho biết doanh nghiệp này đã bán ra được khoảng 65% lượng bánh cho cả mùa. Theo nhiều doanh nghiệp, với sức mua được nhận định không như kỳ vọng, việc giảm giá vào cuối mùa khả năng sẽ được triển khai sớm và nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, phải tính toán cân đối sản xuất để phù hợp với nhu cầu là rất quan trọng, đảm bảo không thiếu cũng không thừa, nếu thừa thì nguy cơ lỗ nặng vì qua Tết Trung thu nhu cầu gần như không có. “Doanh nghiệp chỉ lo sống sót, tâm trí đâu mua bánh” Theo bà Giao – chủ tiệm bánh Kinh Đô nằm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), nếu những năm trước Kinh Đô ra mắt cả ba dòng bánh lẻ khối lượng 210 gam, 230 gam và 250 gam thì năm nay chỉ sản xuất duy nhất dòng bánh lẻ 210 gam giá 124.000 đồng. Loại 230 gam và 250 gam chỉ đi theo set vào các hộp biếu tặng sang trọng chứ không còn bán lẻ. Tuy nhiên, khách mua sỉ không nhiều nên doanh nghiệp đang tính toán giảm giá bán. Ông Nguyễn Tấn Định, chủ một doanh nghiệp may mặc tại TP.HCM, cho biết do đơn hàng không có, doanh thu giảm mạnh nên hiện lượng công nhân cũng đã giảm hơn 60% so với mọi năm. “Tặng bánh trung thu cho công nhân là hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên, nhưng với tình cảnh bi đát năm nay đành phải lỡ hẹn. Doanh nghiệp giai đoạn này chỉ lo làm sao để sống sót, tâm trí đâu mua bánh”, ông Định thừa nhận. Không chỉ với bánh trung thu, sức mua đối với đồ trang trí, lồng đèn năm nay cũng yếu hơn mọi năm – Ảnh: LÂM QUỐC VIỆT Tạm giữ gần 1.500 lồng đèn trung thu không đảm bảo an toàn Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trong ngày 11-9 vừa qua, khi tổ chức kiểm tra điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em ở quận 5, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.500 lồng đèn trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng với tổng trị giá 51.600.000 đồng. Theo trình bày của chủ hộ kinh doanh, toàn bộ số hàng hóa này mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ số hàng này đã bị cơ quan chức năng tạm giữ. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ lượng lớn lồng đèn, đồ chơi trẻ em, bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Sức mua lồng đèn, đồ trang trí cũng giảm Dù đã vào cao điểm mùa Trung thu, nhưng theo ghi nhận dọc các cung đường như Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), đường Ba Tháng Hai (quận 10)…, không khí mua sắm cũng không quá nhộn nhịp như mọi năm. Theo đại diện các cửa hàng, dù giá bán chỉ tăng nhẹ, chủng loại đa dạng hơn, nhưng sức mua giảm khoảng 30% so với những năm ổn định, đặc biệt phân khúc khách hàng là cửa hàng, doanh nghiệp mua lồng đèn, đồ trang trí trung thu năm nay giảm mạnh. Theo Tuổi Trẻ Online