TP.HCM chuẩn bị gần 20.000 tỉ đồng hàng hóa để đón Tết


Đó là con số được ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM tiết lộ tại buổi tọa đàm trực tuyến: “TP.HCM đảm bảo nguồn hàng, giá ổn định dịp cuối năm” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 28.12.

Chuẩn bị 7.000 tấn thực phẩm tươi, chế biến và 1.000 tấn thịt heo đông lạnh

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám Đốc Sở Công thương TP.HCM – thời điểm tháng 7, tháng 8, nghĩ đến tết an bình, vui Xuân đóng Tết… chỉ là mơ ước, nay giấc mơ đó của người dân TP đã trở thành hiện thực. Không những thế, sau 3 tháng mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh tại TP.HCM đã có nhiều tín hiệu tích cực. Doanh số bán buôn, bán lẻ tăng liên tục, tháng 10 đạt 43.000 tỉ đồng, tháng 11 là 55.000 tỉ và tháng 12 dự kiến hơn đạt hơn 66.000 tỉ đồng.

TP.HCM chuẩn bị gần 20.000 tỉ đồng hàng hóa để đón Tết - ảnh 1
Các nhà sản xuất và đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định không có tăng giá hàng hóa Tết

Để chuẩn bị hàng hóa cho Tết âm lịch, ngành công thương làm việc với các tỉnh, các doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị hàng Tết, tổng gía trị khoảng hơn 19.000 tỉ đồng phục vụ việc trữ hàng. Trong đó, chương trình hàng bình ổn thu hút 80 doanh nghiệp tham gia 7.000 tỉ đồng. “Nhìn chung, Tết năm nay số lượng hàng hóa không tăng nhưng khá ổn định. Thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 sẽ không sôi động bằng năm 2021 nhưng gia tăng tương đối trong bối cảnh TP đang vừa sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch như hiện nay”, ông Vũ chia sẻ.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM – thông báo: Không khí sản xuất tất bật chuẩn bị Tết đang diễn ra tại nhà máy sản xuất chế biến ngành lương thực thực phẩm. Dù dự báo sức tiêu thụ có phần hạn chế song tâm thế chung của doanh nghiệp là có sản xuất, có dự trữ để bán Tết. Bà Phạm Thị Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân – cũng thông tin, để chuẩn bị cho người dân có nồi thịt heo kho trứng theo phong tục ăn Tết truyền thống, Công ty tính toán dự trữ lượng trứng đến 90% nhu cầu với giá bình ổn và bảo đảm “không bao giờ thiếu trứng ăn Tết”.

Riêng mặt hàng thịt, thực phẩm tươi sống và chế biến các loại, ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan đã “chuẩn bị một nguồn hàng lương thực thực phẩm tương đối đầy đủ”. Cụ thể, hơn 2.800 tấn hàng tươi sống (thịt các loại), tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mặt hàng thực phẩm chế biến hơn 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Ông Dũng khẳng định: “Với sản lượng này, chúng tôi cam kết đủ cung ứng hàng cho người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, nhằm tránh trường hợp thị trường có biến động thiếu thịt heo ăn Tết, Công ty Vissan cũng đã chuẩn bị sản lượng thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói theo vỉ 1kg và 2 kg. Nếu thiếu, sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt đó”.

Áp lực giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh

Tại buổi tọa đàm, đa số các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm TP cũng cho biết đang bị áp lực lớn vì chi phí đầu vào tăng mạnh, mức tăng trung bình từ 20-40%.

n

TP.HCM chuẩn bị gần 20.000 tỉ đồng hàng hóa để đón Tết - ảnh 2
Doanh nghiệp sản xuất trứng gà cam kết không tăng giá trứng, vẫn bán giá bình ổn 28.000 đồng/chục

Ông Vũ lí giải, chi phí nguyên vật liệu tăng do tác động bởi dịch Covid-19 đang tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Trong đó, đầu tiên là chi phí logistics tăng chóng mặt. Một container trước phí logistics chỉ 200 USD nay lên 2.000 – 3.000 USD. Áp lực thứ 2 là thiếu hụt nguồn lao động do người lao động về quê và chọn ở lại quê, không quay lại TP trong dịp trước Tết. Thứ 3 là thiếu hụt vốn tái đầu tư và cuối cùng là thị trường thu hẹp, sức mua không bằng trước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia tọa đàm đều khẳng định không tăng giá bán trong bối cảnh này.

TP.HCM chuẩn bị gần 20.000 tỉ đồng hàng hóa để đón Tết - ảnh 3
Vissan cho biết sẽ trữ khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh để đưa vào thị trường nếu thị trường thịt khan hàng dịp Tết

Để hỗ trợ doanh nghiệp đã trụ vững trong và sau dịch, bà Lý Kim Chi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi vay cho doanh nghiệp. Bà Chi phân tích : Trong khi các ngân hàng thương mại báo lãi liên tục thì doanh nghiệp đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đây là “chỉ dấu” không bình thường của nền kinh tế bởi thực tế, giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải có sự cộng sinh lẫn nhau. Vì vậy, Chính phủ cần yêu cầu Ngân hàng Nhà ước tiếp tục miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Thứ hai, gắn sản xuất chế biến lương thực thực phẩm với đầu vào nguyên liệu từ ngành nông nghiệp. Cần có chính sách phát triển vùng nguyên liệu đối với ngành nông nghiệp… Song song đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, kiến nghị các bộ ngành tổng hợp, đưa ra những vấn đề về hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ kiểm dịch… để doanh nghiệp nắm, không thông tin manh mún, mạnh ngành nào, ngành đó thông tin. như vậy, doanh nghiệp rất khó nắm bắt toàn diện.

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: