Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ 2025 không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm, đặc biệt trên các đường bay tỉnh. Dù có mức giá gấp đôi ngày thường, nhưng nhiều chặng bay đã hết sạch vé trong những ngày cao điểm. Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ 2025 không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm, đặc biệt trên các đường bay tỉnh. Trong ảnh: hành khách đi Vinh (Nghệ An) từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH Thông tin từ nhiều công ty du lịch cho biết dù được mua cho khách đoàn nhưng giá vé máy bay nội địa cũng cao như giá vé mua lẻ, khiến giá tour trong nước bị đẩy lên cao, thậm chí cao hơn nhiều so với một số tour nước ngoài. Do vậy nhiều du khách chuyển sang mua tour xuất ngoại thay vì đi du lịch trong nước. Khan hiếm vé, giá tăng cao Khảo sát trên website các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Vietravel Airlines ngày 20-11 với hành trình dịp Tết Ất Tỵ, chúng tôi ghi nhận giá vé khứ hồi từ ngày 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến mùng 5 Tết) tiếp tục tăng mạnh, gấp đôi so với ngày thường và cao hơn so với khảo sát cách đây hai tháng. Chẳng hạn chặng bay TP.HCM – Hà Nội đang ghi nhận mức giá rẻ nhất là 7,2 triệu đồng/vé khứ hồi là Vietjet, trong khi các hãng khác như Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines dao động từ 7,3 – 7,5 triệu đồng/vé khứ hồi. So với hai tháng trước, giá vé đã tăng thêm khoảng 300.000 đồng. Tương tự Vietjet mở bán chặng khứ hồi TP.HCM – Thanh Hóa với giá 7,3 triệu đồng, giá vé Vietnam Airlines là 10 triệu đồng. Đặc biệt, tuyến TP.HCM – Đồng Hới “cháy vé” vào ngày cao điểm 24 đến 25-1. Chặng TP.HCM – Đà Nẵng có giá 5 triệu đồng/vé khứ hồi, còn TP.HCM – Quy Nhơn dao động 5,2 – 5,9 triệu đồng/vé khứ hồi. Đại diện các đại lý cho biết giá vé máy bay Tết khứ hồi chênh lệch 800.000 – 1,2 triệu đồng/vé so với ngày thường. Chặng TP.HCM – Hà Nội nếu đặt trong thời gian cao điểm, có giá dao động 6 – 8 triệu đồng/khứ hồi, cao hơn đáng kể so với Tết 2024 là 6 – 6,7 triệu đồng/vé khứ hồi. Mặc dù giá cao, nhu cầu đi lại vẫn rất lớn, đặc biệt vào các khung giờ đẹp. Tình trạng khan vé, hết vé ngày sát Tết đang khiến nhiều hành khách khó khăn trong việc lựa chọn chuyến bay, buộc phải sớm chốt vé để tránh tình trạng chi phí tăng cao hơn. Chị Minh Trang, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, cho hay năm nào cũng về quê nhưng với mức giá gần 8 triệu đồng như năm nay nên đang phải cân nhắc rất nhiều. Nhưng nếu đặt vé muộn, chị Trang lo ngại giá vé vào giờ cuối còn có thể cao hơn nữa. Không chỉ các chặng phổ biến, giá vé các đường bay ít người lựa chọn cũng tăng mạnh. “Tôi tìm vé TP.HCM – Đồng Hới nhưng đã hết sạch chuyến bay thẳng vào các ngày cao điểm. Tôi chờ hãng tăng chuyến, xem có giá ổn hơn chút nào không”, chị Trang nói. Vì sao giá vé máy bay Tết luôn tăng cao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hạng Quang Tuấn, giám đốc Ngọc Mai Travel (TP.HCM), cho biết các chặng bay tỉnh dịp Tết đã gần kín chỗ. Tuy nhiên so với năm ngoái, giá vé không tăng đột biến do vẫn tuân theo khung giá trần. Theo ông Tuấn, Tết là thời điểm người dân di chuyển lớn nhất trong năm, đặc biệt trên các tuyến bay từ TP.HCM đến các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Tuy nhiên do giới hạn tần suất khai thác tại nhiều sân bay tỉnh, chỉ đạt 5 – 7 chuyến/ngày/hãng, chủ yếu do Vietnam Airlines và Vietjet đảm nhiệm, cung không đủ cầu. Những hãng hàng không nhỏ hơn, với đội bay hạn chế, khó lòng tăng thêm chuyến bay để đáp ứng nhu cầu. Các hãng hàng không cũng lý giải rằng giá vé Tết cao là nhằm bù đắp chi phí cho các chuyến bay lệch đầu. Trước Tết, các chuyến từ phía Nam ra Bắc kín chỗ, nhưng chiều ngược lại vắng khách. Tương tự sau Tết, các chuyến từ Bắc vào Nam đông đúc, trong khi chiều ngược lại thường lỗ. Đây là đặc thù vận hành hàng không trong dịp cao điểm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một hãng hàng không quy mô lớn cho biết sắp tới sẽ cung ứng thêm 2.000 chỗ/ngày trên các đường bay dịp Tết. “Dự kiến tuần sau, chúng tôi sẽ tăng chuyến và mở nhiều mức giá vé. Tuy nhiên để có vé rẻ như ngày thường sẽ rất khó”, vị này nói. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng đây chỉ là bề nổi của vấn đề. Nhiều người nhận định các hãng bay tận dụng dịp Tết để “neo giá” ở mức cao nhất mà thị trường chấp nhận. Điều này khiến hành khách cảm thấy các hãng hàng không đang “tát nước theo mưa” đặt lợi nhuận lên trên lợi ích khách hàng. Theo đại diện một hãng bay, chi phí vận hành ngành hàng không rất lớn, từ bảo trì máy bay, nhân sự, nhiên liệu các yếu tố này ít có xu hướng giảm trong mùa cao điểm. “Tết sẽ không có vé rẻ nhưng hãng cũng không tăng giá, đảm bảo theo quy định giá trần”, vị này nói. Vị này cho rằng cần nhìn nhận từ góc độ kinh doanh, doanh nghiệp phải có lãi để tồn tại và phát triển, nhất là trong ngành hàng không với chi phí cao và rủi ro lớn. “Chừng nào mức giá không vi phạm quy định pháp luật, các hãng hoàn toàn có quyền áp dụng chiến lược giá phù hợp”, vị này nhấn mạnh. Thiếu cạnh tranh, giá vé khó giảm Theo các chuyên gia hàng không, sự thiếu cạnh tranh trong ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết, khiến giá vé vào những thời điểm này tăng cao. Thị trường nội địa chủ yếu do một số hãng lớn chi phối, khiến yếu tố cạnh tranh về giá và dịch vụ trong mùa cao điểm gần như không tồn tại. Các hãng thường đồng loạt tăng giá đến mức gần tương đương, khiến hành khách khó có lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, sự hạn chế về số lượng hãng bay và cơ sở hạ tầng nên các hãng không chịu áp lực phải giảm giá hay cải thiện dịch vụ. Bên cạnh đó, các hãng quốc tế không tham gia các tuyến nội địa, làm giảm thêm sự cạnh tranh. “Trong khi đó ở các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng hàng không thường giúp duy trì giá vé hợp lý ngay cả trong mùa cao điểm”, một chuyên gia nói. Giá vé máy bay làm khó tour nội địa Giá tour Tết ra khu vực phía Bắc bị đội lên cao do giá vé bay tăng. Trong ảnh: du khách tham quan bản Cát Cát ở Sa Pa (Lào Cai) – Ảnh: Q.Đ. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Phương Linh, giám đốc tiếp thị – công nghệ thông tin BenThanh Tourist, cho biết giá vé máy bay Tết tăng hơn 50% so với ngày thường, kéo theo giá tour cũng tăng cao. Một số tour được khách quan tâm có giá nhích lên, như tour Phú Quốc Tết giá 8 – 9 triệu đồng, tour miền Bắc giá 12 – 14 triệu đồng, tương đi với tour đi Malaysia hay Singapore. “Giá vé máy bay mua theo đoàn cũng tăng như khách mua vé lẻ, bị đẩy lên cao khiến giá tour trong nước tương đương với tour nước ngoài nên nhiều du khách đã chọn tour nước ngoài”, bà Linh nói và cho biết giá các tour du lịch dịp Tết của công ty tăng 4 – 20% so với ngày bình thường, không chênh lệch nhiều nếu so với cùng kỳ năm 2023 nhờ đã làm việc với đối tác hàng không từ sớm. Theo một số công ty du lịch, số lượng sản phẩm du lịch nội địa đến các thị trường du lịch miền Bắc (Hạ Long, Hà Giang, Tây Bắc…) đã bị giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Bởi giá vé máy bay cao, các tour đến thị trường miền Bắc luôn đứng trong nhóm tour có giá cao nhất trong chùm tour du lịch nội địa mùa Tết. “Bên cạnh giá vé máy bay cao, du khách cũng ngần ngại đặt tour đi miền Bắc do hạ tầng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chưa kể thời tiết”, lãnh đạo một công ty du lịch cho biết. Ngoài ra, với lịch nghỉ Tết kéo dài chín ngày, các chương trình du lịch đến thị trường xa, có lịch trình dài ngày được khách hàng ưa chuộng hơn. Khảo sát từ Vietravel cho thấy trong dịp Tết 2025, lượng du khách kiều bào về quê đón Tết, đi du lịch cùng gia đình và bạn bè tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và dành sự quan tâm cho các tour xuất ngoại. Trong chùm tour xuất ngoại, điểm đến Trung Quốc đang là một trong những đường tour “nóng” nhất trong số các thị trường quốc tế. Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Vietluxtour, cho biết xu hướng du khách đặt tour nước ngoài chiếm tỉ lệ cao hơn du khách đặt tour/dịch vụ Tết trong nước diễn ra khoảng hai năm gần đây. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Vietluxtour, có thể từ cuối tháng 11, tình hình tour nội địa sẽ sôi động hơn. Doanh nghiệp vẫn liên tục kích cầu bằng chính sách giá tốt và giảm mua sớm, mua nhóm với mức ưu đãi lên đến 3 triệu đồng/khách với tất cả các đường tour. Nhiều công ty du lịch cũng cho biết du khách thị trường du lịch nội địa thường chốt tour khá trễ, đại bộ phận khách mua tour nội địa vẫn đang khảo sát dịch vụ và giá cả, tỉ lệ lấp đầy chỗ đạt khoảng 30%. Từ thực tế của thị trường 2 – 3 năm gần đây, các dịch vụ du lịch trong nước rất đa dạng và linh hoạt từ tour trọn gói đến dịch vụ từng phần và bán xuyên Tết như các năm trước để phục vụ những du khách có kế hoạch du lịch Tết đột xuất. Các đơn vị kỳ vọng sức mua sẽ tăng lên khi thời điểm Tết đến cận kề hơn. Về thị trường chung, nhiều doanh nghiệp cho biết đã đạt được từ gần 60 – 70% kế hoạch kinh doanh Tết 2025. Theo Tuổi Trẻ Online