Ít có cảnh chen lấn, người đi mua sắm như trẩy hội vào mùa Black Friday năm nay như những năm trước. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sức mua tại một số trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM khá yên ắng. Khó tìm hàng ưng ý, giá tốt Trưa 26.11, chúng tôi đến trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM). So với không khí mua sắm, vui chơi tại trung tâm này vào 2 ngày cuối tuần, mật độ người, xe dịch vụ vào ra và chờ khách không có sự gia tăng đột biến dù đang vào kỳ mua sắm Black Friday, mỗi năm có một lần. Chỉ khác là hôm qua, ngay lối vào cổng giữ xe có dựng cổng lớn trên gắn đèn 2 chữ “Black Friday”, xung quanh tô điểm thêm những bảng chữ nhỏ “sale event”, “sale chạm đỉnh”, “giá chạm đáy”… để gây sự chú ý của khách đi đường. Bên trong, không khí nhộn nhịp hơn nhưng cũng không phải để mua sắm. Lý do là hôm qua, tại trung tâm thương mại này đang chuẩn bị có sự kiện hưởng ứng tuần lễ thương mại điện tử quốc gia (27.11 – 2.12) nên nhóm nghệ sĩ đang tập dợt trên sân khấu dựng giữa tòa nhà, thu hút nhiều bạn trẻ vào trung tâm chụp hình và xem là chủ yếu. Còn trước các cửa hàng thời trang giày dép, áo quần, túi xách, đồ chơi… dù treo bảng giảm 50%, có nơi đến 70% nhưng lượng khách không quá đông. Nhiều chương trình giảm giá mạnh trong mùa Black Friday năm nay nhưng không thật sự thuyết phục được khách hàng “xuống tiền” Ng.Nga Tại quầy hàng giày và túi xách Charles & Keith, chị Hồng Hạnh, nhân viên văn phòng tại Q.3, cho biết tranh thủ đi săn hàng vào những buổi trưa trong tuần làm việc. Hôm qua, chị rủ thêm một số người bạn thân đi cà phê sáng, rồi “lượn shopping” sắm sửa vài thứ nhân đang mùa Black Friday. Cầm trên tay chiếc túi xách tay màu rêu, xem giá xong, chị Hạnh hỏi nhân viên bán hàng và được cho biết nguyên dãy hàng mà chị để ý lại không có chính sách giảm giá nào cho ngày Black Friday. “Mình đã nghía chiếc túi này từ mấy hôm trước, định bụng hôm nay sẽ mua nếu có giảm giá. Bên ngoài cửa hàng ghi giảm đến 70%, nhưng nhiều sản phẩm trong này, tuy không phải dòng hàng mới về, cũng không giảm giá”, chị Hồng Hạnh nuối tiếc. Chiếc túi màu xanh rêu chị Hạnh muốn mua có giá 1,89 triệu đồng, nhân viên bán hàng tại đây cũng cho hay kệ túi xách này và kệ đối diện trưng bày những chiếc ví nhỏ đều không nằm trong chính sách giảm giá đợt này. Sau một hồi “nâng lên đặt xuống”, chị Hạnh và 2 người bạn quyết định bỏ cuộc, kéo nhau sang quầy giày và túi xách hiệu Aldo bên cạnh. Tại đây, nhân viên bán hàng cho biết giảm đồng loạt 50% trên giá niêm yết sản phẩm. Như vậy, đôi giày đi bộ màu hồng nhạt có giá 2,55 triệu đồng, nếu giảm 50%, có giá về tay hơn 1,27 triệu đồng. Tương tự, chiếc túi xách màu kem giá niêm yết 1,85 triệu đồng, giảm 50% về 925.000 đồng. Chị Hạnh gật đầu đồng ý mua túi xách tay tuy màu sắc không quá như ý nhưng giá cả theo chị là “chấp nhận được” với mức lương văn phòng của mình. Tại cửa hàng thời trang S LINE, chị Phan Hồng Phượng (làm nghề uốn tóc tại Q.Tân Bình) cho biết chiếc áo đầm xéo tà chị chọn có giá gần 1,25 triệu đồng, không giảm giá. Trong khi nhiều đầm voan tay phồng giảm đến 50 – 70%. “Muốn mua được sản phẩm ưng ý có giá tốt trong mùa giảm giá này không dễ. Hàng đẹp, hàng chưa lỗi thời, khó giảm sâu. Toàn tiền triệu nên rất khó mua”, chị Phượng nhận xét. Quan sát tại nhiều cửa hàng Nike, Vans, Levi’s, Pedro, Uniqlo… hay các nhãn mác nội địa như Vascara, Đông Hải, Gumac, Marc… cho thấy lượng khách vào mua sắm không đều, ngay giờ cao điểm mà vẫn ít người. Đổi lại, khu vực có sản phẩm đổ đống “sale đến 70%” thường đông người đứng lựa. Tuy vậy, nhiều người sau một hồi nâng lên đặt xuống lại tỏ ý thất vọng vì không có món ưng ý. Tại cửa hàng Nike, giày ở đây đa số giảm 20 – 30%, rất ít sản phẩm giảm đến 50%. Một khách hàng nam chọn đôi giày đi bộ màu xám có giá gốc 5,75 triệu đồng, giảm 30% còn hơn 4 triệu đồng. “Mức giá này so với hàng chính thức mua từ nước ngoài về còn cao hơn nhiều. Thực tế, đi mua sắm mùa Black Friday năm nay hơi thất vọng. Lượng người đi mua không nhiều, chính sách giá bán của các cửa hàng dường như không có gì đột phá, hàng hiệu phổ biến ít giảm hoặc chỉ giảm mức 20 – 30% thì rất khó hấp dẫn khách mua”, anh cho hay. Mặc dù vậy, Giám đốc marketing Vạn Hạnh Mall nhận xét nhìn chung chất lượng khuyến mãi tại trung tâm năm nay rất tốt, thu hút khách đến trung tâm tăng cao hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn khoảng 20% so với ngày thường. Trong 2 ngày cuối tuần, sức hút của trung tâm nhờ các chương trình khuyến mãi đậm của các chuỗi cửa hàng, tặng quà, khuyến mãi và đặc biệt chương trình ca nhạc giải trí cũng thu hút đáng kể khách trẻ vào mua sắm, ăn uống. Trong khi đó, trên các tuyến đường Âu Cơ, Ba Tháng Hai, Lê Đại Hành, Lũy Bán Bích… nhiều cửa hàng cũng để bảng giảm 50%, 70% nhưng đa số thấy ít khách vào ra ngay ngày cuối tuần. Nhu cầu mua sắm không cao Trong thực tế, tâm lý chung của người đi mua sắm vào dịp Black Friday là mua được món hàng ưng ý với giá rẻ nhất có thể. Lâu nay, đây được xem là thời điểm tốt nhất để người tiêu dùng xuống tay chi tiền, đặc biệt, các nhãn hàng có thương hiệu thường được quan tâm hơn. Tuy nhiên, năm nay, cơ hội mua hàng giảm giá qua kênh thương mại điện tử quá lớn khiến việc mua sắm trực tiếp vào mùa này trở nên kém hấp dẫn. Ngay đồ nội thất, nhiều người cho biết không đến trực tiếp để mua nữa mà chọn mua qua các kênh online, từ sofa, bàn ăn cho đến chiếc tủ, bàn trang điểm. Chị Nguyễn Thị Loan (Nhà Bè, TP.HCM) cho biết vừa sắm nguyên dàn nội thất cho căn hộ qua kênh online với giá chỉ bằng một nửa giá mua trực tiếp tại cửa hàng. Chị nói: “Một chiếc kệ ti vi hỏi tại cửa hàng giá 2,1 triệu, mua online giao tận nhà chỉ 980.000 đồng. Rồi cái giường tương tự có giá 3,7 triệu, trong khi mua trực tiếp giảm rồi vẫn còn rồi 4,7 triệu. Nồi cơm điện mua online còn 560.000 đồng…”. Đáng nói, các chương trình giảm giá của các chuỗi bán lẻ được triển khai từ rất sớm trước mùa lễ hội mua sắm Black Friday gần cả tháng, người mua có nhu cầu cũng đã sắm lai rai nên sức nóng của ngày hội này cũng giảm đáng kể. Mùa lễ hội mua sắm năm nay, thường các mặt hàng thời trang, nội thất, điện máy… giảm giá mạnh, riêng hàng điện máy, đa số người tiêu dùng cho biết không tăng như kỳ vọng. Tối 25.11, tại cửa hàng Thế Giới Di Động trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8), nhân viên bán hàng cho biết chương trình khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng, song có thể do nhu cầu sắm sửa đồ điện tử mới đã… bão hòa, nên sức mua không có nhiều thay đổi. Tuy vậy, theo một số người bán hàng, cho dù có sale đậm thì sức mua cũng không như kỳ vọng. Quản lý bán hàng tại cửa hàng thời trang Tag.INS cho hay tất cả sản phẩm thời trang của cửa hàng đều giảm đồng loạt 30 – 70%, ngay cả hàng mới cũng mạnh dạn giảm 30%. Tuy nhiên, lượng khách vào mua hàng thực sự chỉ tăng khoảng 10% so với các dịp cuối tuần khác. “Khi làm chính sách giá cả, chúng tôi kỳ vọng doanh thu phải tăng 25% trong mùa mua sắm này, nhưng tình hình cho thấy rất khó đạt. Nhiều mẫu cũ giảm 70%, coi như bán lỗ, nhưng 2 ngày cuối tuần, bán chưa tới chục cái. Mọi năm, áo đầm, váy giảm 70% là trưng bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Nay còn nguyên sào không ai hỏi”, người bán cho hay. Thống kê của Sở Công thương TP.HCM cho thấy trong 10 tháng tính từ đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 11% so cùng kỳ năm ngoái, tương đương 578.000 tỉ đồng. Tuy vậy, nếu so với những năm trước, sức mua vẫn chưa thể như cũ. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng do thu nhập sụt giảm, đời sống khó khăn nên nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu của người dân cũng giảm. Trong khi đó, nhóm khách có thu nhập từ trung bình khá trở lên, nhu cầu chi tiêu không thay đổi nhưng số này không lớn. Theo Thanh Niên Online