4 ngôi trường cổ được xếp hạng di tích ở Sài Gòn


Ra đời từ đầu thế kỷ trước, 4 ngôi trường do người Pháp xây dựng ở TP HCM vừa được đưa vào danh sách bảo tồn. Phòng học, sân trường là nơi gắn liền ký ức biết bao thế hệ học sinh ở Sài Gòn.

Nguyễn Thị Minh Khai

truong-hoc-sg-1

Trường Nguyễn Thị Minh Khai lúc còn mang tên Gia Long. Ảnh: Ảnh tư liệu.

Ngôi trường dành cho nữ được thành lập năm 1913. Hai năm sau trường tuyển khóa đầu tiên gồm 42 nữ sinh thuộc những gia đình sống ở Sài Gòn và các vùng lân cận. Dần dần, có nhiều học sinh từ các tỉnh lên học nên trường có thêm nội trú.

Đồng phục lúc này là áo dài tím, tượng trưng cho sự thuỳ mị, tinh khiết của người phụ nữ Việt Nam. Được nhiều người gọi là trường Nữ sinh Áo Tím, song tên chính thức là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường của những thiếu nữ bản xứ).

truong-hoc-sg-2

Trường được biết nhiều hơn với tên “Nữ sinh áo tím”. Ảnh: Panoramio.

Năm 1953, đồng phục trường đổi sang áo dài trắng với phù hiệu là đóa mai vàng, chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp, tên trường được đổi sang tiếng Việt (Trường Nữ Trung học Gia Long). Sau năm 1975, trường được đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay.

Marie Curie

Thành lập năm 1918, trường THPT Marie Curie được đặt theo tên nhà khoa học người Ba Lan – Pháp đoạt giải Nobel. Đây là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn và duy nhất không thay đổi.

Kiến trúc đậm chất Pháp lưu lại trên cổng chào, từng góc cầu thang gỗ, khu vườn với đài phun nước… vẫn còn đến ngày nay.

truong-hoc-sg-3

Cổng trường Marie Curie ngày xưa. Ảnh: Panoramio.

Trường do Ban giám hiệu Pháp quản lý, giảng dạy bằng tiếng Pháp và chỉ dành cho nữ sinh trung học người Pháp cùng số ít người Việt Nam xuất thân từ gia đình giàu có, thế lực ở Sài Gòn. Khuôn viên của trường có cả một khu nội trú dành cho học sinh ở tỉnh lên học.

truong-hoc-sg-4

Ban đầu trường Marie Curie chỉ dành cho nữ sinh.

Kể từ năm 1970 trường bắt đầu nhận nam sinh. Sau năm 1975, các giáo viên người Pháp về nước giao trường lại cho Sở Giáo Dục và Đào tạo TP HCM.

Năm 1997, trường được chuyển thành THPT bán công Marie Curie. Có thời điểm, đây là trường THPT lớn nhất nước với hơn 5.000 học sinh mỗi năm. Mười năm sau đó trường được đổi lại thành trường THPT công lập, giảm dần sĩ số nhằm tăng chất lượng giáo dục.

Trường chuyên Lê Hồng Phong

truong-hoc-sg-5

Trường Lê Hồng Phong năm 1931. Panoramio.

Mang kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, trường được thành lập năm 1927 và là một trong 3 trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn với tên gọi ban đầu là Petrus Ký. Một năm sau trường khai giảng khoá đầu tiên với 200 học sinh.

Thời điểm 1976-1977, trường được đổi tên thành Lê Hồng Phong. Năm học 1990-1991, nơi này được giao nhịêm vụ chuyên đào tạo học sinh giỏi cho TP HCM.

Đến năm 1995, Thủ tướng giao trọng trách cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trung tâm chất lượng cao các tỉnh, thành phía Nam.

truong-hoc-sg-6

Trường Lê Hồng Phong năm 1972. Ảnh: Panoramio.

Đây cũng là nơi khai sinh ra cuộc thi Olympic truyền thống 30/4 hằng năm (bắt đầu từ năm 1995), dành cho học sinh khối 10 và 11 của các trường THPT chuyên phía Nam.

THCS Hồng Bàng

Là nơi học nội trú cho con những người Pháp đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người bản xứ, trường THCS Hồng Bàng được người Pháp xây dựng năm 1933. Nơi này sau đó trở thành một chi nhánh của trường Jean – Jacques Rousseau tại Chợ Lớn – Sài Gòn.

truong-hoc-sg-7

Trường THCS Hồng Bàng lúc mới xây dựng. Ảnh tư liệu.

Đến năm 1967, người Pháp giao trường cho Việt Nam thành lập Trung tâm giáo dục Hồng Bàng. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản trường cho đến nay.

Nguồn: Trung Sơn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: