Đất Phú Nhuận, người Phú Nhuận thuở khẩn hoang


Phú Nhuận là một mỹ danh, trích từ câu “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân”, có thể tạm hiểu: giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân. 

“Văn Thánh” đất Gia Định xưa giờ ở đâu?

Đại gia đất Sài Gòn… vẫn nghèo

Cầu Kiệu năm 1955. Bên trái là đường Phan Đình Phùng về chợ Phú Nhuận hiện nay; bên phải là đường Hai Bà Trưng đi Sài Gòn. Rõ ràng đây là cây cầu trung chuyển khu vực Gò Vấp, Phú Nhuận với Sài Gòn xưa. Dãy nhà ngói trên đường Hai Bà Trưng (bên dưới ảnh) nay vẫn còn - Ảnh tư liệu

Cầu Kiệu năm 1955. Bên trái là đường Phan Đình Phùng về chợ Phú Nhuận hiện nay; bên phải là đường Hai Bà Trưng đi Sài Gòn. Rõ ràng đây là cây cầu trung chuyển khu vực Gò Vấp, Phú Nhuận với Sài Gòn xưa. Dãy nhà ngói trên đường Hai Bà Trưng (bên dưới ảnh) nay vẫn còn – Ảnh tư liệu

Dưới triều vua Gia Long và vua Minh Mạng (1802 – 1840), Phú Nhuận là một thôn thuộc tổng Bình Trị (sau thuộc tổng Bình Trị Hạ), huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

Từ năm 1876, gọi là làng Phú Nhuận, thuộc hạt tham biện Sài Gòn, hạt 20, tỉnh Gia Định, rồi tỉnh Tân Bình (1944). Năm 1949, xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Sau 1975, từ một xã ngoại ô đã trở thành quận Phú Nhuận thuộc TP.HCM với 17 phường gọi tên từ số 1 đến số 17. Cuối năm 2004, quận Phú Nhuận còn 15 phường cho đến nay (không còn phường 6 và phường 16).

Cầu Kiệu năm 1955 nhìn từ hướng Sài Gòn về ngã tư Phú Nhuận với con kinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay - Ảnh tư liệu

Hai tiếng Phú Nhuận đã được đặt tên cho một vùng đất phát triển từ thôn làng nhưng ít nhiều mang nét “thị” (chợ) để trở thành một quận nội thành trù phú ngày nay của TP.HCM.

Đi lại ở Phú Nhuận thời xưa

Thuở mới khẩn hoang, có ít đường bộ, phương tiện giao thông chủ yếu của Phú Nhuận là ghe thuyền trên kênh rạch. Cắt ngang góc phía nam Phú Nhuận có một con kênh đào ăn từ rạch Thị Nghè (cạnh cầu Công Lý hiện nay) đến kênh Nhiêu Lộc. Đây là đường giao thông tiện lợi nhất thời đó, nối liền Phú Nhuận với Tân Sơn Nhất. Hiện kênh này đã lấp, chỉ còn tên gọi Xóm Kinh.

Về đường giao thông bộ, ở bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, người ta thấy một con đường lớn đi từ khoảng trung tâm thành Gia Định qua cầu Chợ Mới (tức cầu Xóm Kiệu), xuyên suốt đất Phú Nhuận từ nam chí bắc lên Gò Vấp và từ đó có đường lên Hóc Môn hoặc trở về đất Hộ (Đa Kao).

Ngoài ra, trong bản đồ Trần Văn Học còn có khá nhiều lộ nhỏ liên lạc chằng chịt khắp đất Phú Nhuận. Đáng kể hơn cả là con lộ xuyên qua toàn thôn từ đông sang tây (Bình Hòa – Tân Sơn Nhất).

Đường cái quan thứ nhất qua Phú Nhuận nay là đường Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm và đường cái quan thứ hai qua Phú Nhuận nay là Phan Đăng Lưu – Hoàng Văn Thụ.

Ngã tư Phú Nhuận rõ ràng là nơi liên lạc giao thông tấp nập xưa nay.

Về đường thủy, Phú Nhuận có rạch Thị Nghè đi suốt phía nam và rạch Miễu (mương ông Tiêu) đi suốt phía đông, làm cho đất Phú Nhuận vừa có đường thoát úng vừa có thủy lộ tốt.

Người Phú Nhuận xưa

Sử có ghi chép sự kiện chúa Nguyễn cho lập đồn thu thuế ở Sài Gòn (Prei Nokor) và Bến Nghé (Kas Krobei) từ năm 1623. Nhiều nhà nghiên cứu đoán định rằng hai đồn này phải được lập ở những nơi có cư dân người Việt tới làm ăn trú ngụ chứ không thể đặt ở nơi chỉ có người Khmer sinh sống.

Phú Nhuận nằm giữa một vùng thuận lợi giao thông (sông Bến Nghé, rạch Thị Nghè), có giếng nước ngọt, có nơi cao ráo để trú ngụ, không quá cao để có thể trồng lúa, không quá thấp để có thể làm vườn.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Phú Nhuận có thể là nơi lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp rất sớm.

Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh đến lập phủ huyện ở đất Nam bộ, Phú Nhuận mới có vài dặm đất với mấy mươi dân.

Đến năm 1772, sau công cuộc đào kênh, xây dựng thành lũy bảo vệ đất trung tâm của đất Sài Gòn – Bến Nghé, tuy nằm cách biệt nội thành bởi rạch Thị Nghè và tường thành “bán bích”, Phú Nhuận vẫn có đường liên lạch thường xuyên qua Cầu Kiệu và trở nên một vùng “nửa tỉnh nửa quê” làm nơi cư trú rất tốt cho lưu dân khai phá.

Có lẽ từ vị trí địa lý lịch sử đó, Phú Nhuận đã chuyển biến thành một “làng lớn với 72 cảnh chùa”.

Vào khoảng năm 1850, dân chúng bắt đầu quy tụ đông đảo về Phú Nhuận. Phần lớn họ thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, một số khác từ “đàng ngoài” vào chọn nơi đất lành lập nghiệp.

Trong số những người đàng ngoài đến Phú Nhuận, có một huynh trưởng tên Lê Tự Tài (gốc người miền Bắc) vào đất Gia Định rất sớm. Ông Tài kêu gọi dân chúng khẩn hoang lập ấp quanh cầu Kiệu. Khi Phú Nhuận là thôn, ông Tài là thôn trưởng, đến khi Phú Nhuận là xã, ông Tài là xã trưởng, nên gọi là Xã Tài.

Thời bấy giờ, bờ rạch Thị Nghè tấp nập ghe thuyền chở củi, rau quả, đồ gốm của giới “bạn ghe” đến bày bán tại một khu chợ lộ thiên. Khu chợ này ở gần một cái bến gọi là Bến Cừ, ăn ra bờ rạch dưới chân cầu Kiệu bằng một con lạch nhỏ (ngày nay đã lấp, chỉ còn tên gọi).

Ông Xã Tài cho dựng lên một ngôi chợ nhỏ, cột tre mái lá trên phần đất thuộc sở hữu của ông cao ráo gần rạch, gọi là chợ Xã Tài (ngày nay là chợ Phú Nhuận). Từ xưa, chợ Phú Nhuận là trung tâm tấp nập, trù phú, là con tim tạo mạch sống, đo mức độ dân sinh, dân trí của người địa phương qua từng thời điểm.

Quang cảnh chợ Phú Nhuận vào giữa thế kỷ thứ 19 có thể hình dung như trong bài “Phú Cổ Gia Định”: “Trước, phường phố bày hàng, bày hóa – Sau, nhà quê trồng bắp, trồng khoai…”.

Rõ ràng đó là vùng “bán thị, bán nông”. Từ những năm đầu mới khai hoang, khu vực quanh cầu Kiệu đến chợ Xã Tài là tụ điểm dân cư đầu tiên ở Phú Nhuận.

Theo thời gian, vùng Phú Nhuận thu hút thêm một số dân lục tỉnh lên và một số người Hoa đến khai khẩn, làm rẫy trồng hoa màu, thuốc lá. Chợ Phú Nhuận phát triển với xu thế bám theo bờ rạch, như một bến nhỏ, phần lớn là nhà vựa vật liệu xây dựng như: tre, lá lợp nhà, cây, ván, cừ.

Rồi nơi đây đón nhận bạn hàng từ Gò Vấp, như một đểm trung chuyển giữa Gò Vấp – Sài Gòn.

Chợ Phú Nhuận (tức chợ Xã Tài xưa) nằm trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường

Đường Lê Tự Tài ở quận Phú Nhuận để tưởng nhớ đến ông Lê Tự Tài có công lập chợ Xã Tài, tức chợ Phú Nhuận ngày nay - Ảnh: Hồ Tường

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: