Ngày 15.11, chợ Bình Tây một chợ truyền thống có từ lâu đời tại quận 6 (TP.HCM) khai trương hoạt động trở lại sau khi tu sửa. Bà con tiểu thương kỳ vọng diện mạo mới sẽ giúp người kinh doanh tiếp cận và giữ khách đi chợ nhiều hơn. Chợ Bình Tây – sẵn sàng ngày trở lại Ảnh xưa hiếm chợ Bình Tây của người Hoa Chợ Lớn Thế nhưng, xu hướng người tiêu dùng Việt ngày càng “lười” đi chợ. Thay vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm thương mại hiện đại, các cửa hàng tiện lợi mọc khắp nơi… khiến sự cạnh tranh giữa chợ truyền thống và các kênh phân phối hiện đại ngày càng căng thẳng. Háo hức về chợ mới Sau 2 năm chịu cảnh chật chội, nóng bức tại khu chợ tạm, tới hôm nay, bà Bùi Thị Mai – chủ tiệm vải ở tầng 2, chợ Bình Tây vừa dọn sang chợ mới, thoáng mát, sạch sẽ và có không gian kinh doanh thuận lợi hơn trước nhiều. Bà Mai cho biết, trước khi sửa chữa, chợ Bình Tây (hay còn gọi là Chợ Lớn) bị hư hỏng nặng. Dù là công trình di tích lịch sử nổi tiếng của TP.HCM nhưng sau 90 năm hoạt động, chợ xuống cấp trầm trọng. Khắp nơi ngói bể, vỡ nát, thỉnh thoảng lại rớt xuống sàn nhà gây nguy hiểm cho tiểu thương và người đi chợ. Một góc chợ Bình Tây khang trang, sạch đẹp với tháp đồng hồ quen thuộc trước ngày khai trương. “Có thời gian các chủ sạp phải lấy bạt che chắn để ngăn gạch ngói rơi trúng đầu. Trời mưa thì khỏi nói, nước mưa dột xuống khắp nơi, ướt hết hàng hóa, công tắc điện… nên rất nguy hiểm. Bây giờ thì vui rồi, chợ mới đẹp và khang trang lắm”, bà Mai vừa dọn hàng vừa vui vẻ nói. Đại diện Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6 cho biết, là một di tích lịch sử nổi tiếng của TP.HCM nên chợ Bình Tây được nâng cấp, sửa chữa do UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện, theo Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích… Theo thiết kế, công trình mặt tiền chợ dài 89,2m, rộng 108,6m và cao 13,1m với nóc nhà gắn đồng hồ lớn là biểu tượng của chợ Bình Tây 90 năm qua. Khu vực nhà lồng có tổng cộng 1.446 sạp, trong đó có 698 sạp tầng trệt và 748 sạp tầng lầu. Ngoài việc giữ nguyên các thiết kế (chỉ thay mới toàn bộ hệ thống rui và lợp lại ngói theo kiểu mẫu ngói cũ, nguyên mẫu lần đầu xây chợ năm 1928); phục chế nguyên mẫu các chi tiết kèo rui, mè có đường nét trang trí đã bị hư hỏng, chợ cũng được xây dựng thêm một số công trình mới như tầng hầm với diện tích 172m2. Trong hầm bố trí khu vệ sinh với trang bị thiết bị đẹp và hiện đại, đặt máy phát điện dự phòng, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Đồng thời xây dựng mới hệ thống thông tin, hệ thống chữa cháy tự động… Toàn cảnh Chợ Bình Tây nhìn từ trên cao. “Sắp tới mùa kinh doanh lớn nhất trong năm là dịp tết, hàng hóa từ chợ Bình Tây chủ yếu bán sỉ (bán buôn) về các tỉnh và nước bạn Campuchia, nhưng mấy năm nay ế ẩm lắm. Chợ mới đẹp và thoáng mát hơn, hy vọng sẽ thu hút và giữ được khách hàng”, chị Bùi Tuyết Nhung, chủ quầy sạp giày dép tại chợ Bình Tây chia sẻ. Người Việt ngày càng ít đi chợ? Việc tu sửa, làm mới khu chợ bán sỉ lớn nhất TP.HCM như chợ Bình Tây, bên cạnh việc bảo trì các di tích lịch sử nổi tiếng còn giúp bà con tiểu thương tăng tính cạnh tranh với nhiều đối thủ mới trong ngành bán lẻ. Hiện tại, với sự phát triển ồ ạt của các kênh bán lẻ như siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi… ưu thế của chợ truyền thống ngày càng giảm sút. Việc không gian mua sắm chật hẹp, nóng bức, giá cả không ổn định… cùng với quỹ thời gian dành cho việc mua sắm của người tiêu dùng (nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM) ngày càng eo hẹp khiến việc đi chợ bị cắt giảm nhiều. Theo khảo sát vừa công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, năm 2018, mặc dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam nhưng kênh hiện đại đã và đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng. Tần suất đi chợ của người Việt đã giảm nhiều từ năm 2010 đến nay. Từ năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp bốn lần và siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018. Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong hai năm qua. Báo cáo mới nhất của Nielsen về xu hướng mua hàng toàn cầu cũng cho thấy, người mua hàng Việt Nam ngày nay đã dần ít đi vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại và cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn. Cụ thể, nếu như năm 2010, người tiêu dùng Việt Nam bình quân đi chợ 25,17 lần/tháng thì đến năm 2018, con số này giảm chỉ còn 18,86 lần. Thay vào đó, số lần đi mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi đã tăng từ 1,24 lần/tháng lên 4,5 lần/tháng hay như việc mua sắm ở siêu thị mini chỉ là con số 0 tròn trĩnh vào năm 2010 thì nay, mỗi tháng, người Việt đi vào các siêu thị mini để chi tiêu ở mức 2,2 lần. Ông Gaurang Kotak – Trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam nhận định, khi người mua hàng ở thành thị có ít thời gian hơn, làm việc ở các thành phố đông đúc, phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc của họ, họ cần các giải pháp và sản phẩm tiện lợi có thể giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Tiếp theo, với mối quan tâm lớn về nền kinh tế và sự ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm, người tiêu dùng đã tập trung hơn vào việc giảm thiểu lãng phí. Như vậy, dù vẫn đang là kênh phân phối chính, tập trung chủ yếu ở các khu vực ngoại thành, khu vực nông thôn… nhưng chợ truyền thống vẫn đang ngày càng “lép vế”. Do đó, cần thêm nhiều giải pháp để giữ được khách hàng cho kênh phân phối vốn có từ hàng trăm năm trước như chợ truyền thống. Theo Dân Việt