Người mẫu Tây lận đận giữa Sài Gòn


Người mẫu Tây lận đận giữa Sài Gòn

Theo chân dòng người nước ngoài vào Việt Nam để làm ăn, nhiều người đẹp châu Âu cũng đổ xô đến mảnh đất này với mong muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội bước chân vào giới người mẫu.

 Người mẫu Tây lận đận giữa Sài Gòn

Người mẫu Sophia trong một buổi chụp ảnh tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh: NVCC

Thế nhưng đằng sau ánh hào quang sân khấu là vô vàn khó khăn, thách thức đang chờ 
đón họ.

Long đong 
trên đất khách

Gặp chúng tôi khi đang làm PG (người mẫu tiếp thị, quảng cáo cho nhãn hàng, thương hiệu…) cho một sự kiện của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Amy Nikolaus (27 tuổi) – một người mẫu tự do gốc Nga – hào hứng cho biết đã sống ở Sài Gòn hơn 5 năm và từng làm người mẫu cho hàng trăm sự kiện lớn nhỏ mới có tiền trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.

Khác hẳn với các mẫu ngoại mà tôi từng gặp, Amy trò chuyện rành rọt bằng thứ tiếng Việt lơ lớ khiến người đối diện phải thán phục.

Cuối tháng 8-2011, sau một chuyến du lịch, Amy quyết định gom góp tiền bạc và quay trở lại Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên, dù cất công đi xin việc nhiều nơi, cô gái vẫn thất nghiệp vì lý do không biết nói tiếng Việt. Cho đến lúc tiền bạc cạn kiệt, khó khăn chồng chất khó khăn, từng có ý định bỏ tất cả để quay về nước, Amy mới hạ quyết tâm học tiếng Việt trước rồi tính chuyện lập nghiệp sau.

“Để có tiền tiếp tục ở lại, tôi xin làm nhân viên bán quần áo ở khu chợ người Nga, đây cũng là cơ hội giúp tôi làm quen dần với tiếng bản địa” – Amy nhớ lại.

Mãi đến giữa năm 2012, cô mới được bạn bè giới thiệu làm mẫu chụp ảnh cho một cửa hàng áo cưới với mức catsê ít ỏi là 1 triệu đồng cho một ngày chụp.

Từ đây, Amy chập chững bước vào công việc mà sau này trở thành nghề nghiệp chính nuôi sống cô và gia đình nhỏ của mình.

Đưa chúng tôi về thăm nhà tại một dãy trọ bình dân trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), Amy chạy xe máy và liên tục hướng dẫn chúng tôi đi vào các con hẻm nhỏ rành rẽ như một người dân bản địa.

Vừa về đến nhà, Amy vội vàng tháo ngay đôi giày cao gót hơn 10cm và không quên xoa bóp đôi bàn chân đã phồng rộp lên vì mỗi ngày phải đứng hơn 12 giờ đồng hồ.

Ngồi trong căn phòng trọ nhỏ xíu, sàn nhà vương vãi đồ chơi trẻ em, cô gái vui vẻ chia sẻ đã kết hôn với một chàng trai tên Minh (quê Long An) và có một cậu con trai 3 tuổi. Hằng ngày, sau giờ làm việc, Amy tranh thủ chạy về nhà ăn cơm cùng chồng.

Trong lúc Minh loay hoay nấu cơm, Amy vừa thay quần áo cho con trai, vừa tiếp tục kể về hành trình đi làm người mẫu của mình suốt những năm tháng qua. Thỉnh thoảng, để vỗ về con, cô gái ngoại quốc lại ngân nga bài hát Con cò bé bé bằng chất giọng lơ lớ ngập tràn hạnh phúc.

Amy nói thu nhập chỉ ở mức tầm trung nhưng cô hài lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Tuy nhiên, không phải mẫu Tây nào cũng gặp may mắn như Amy, đa số chân dài ngoại đến Sài Gòn đều khá lận đận, không ít trường hợp còn bị lừa gạt mất cả công sức lẫn tiền bạc.

“Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ có người Việt ra nước ngoài mới bị lừa đảo. Những cô gái ngoại quốc như chúng tôi khi chân ướt chân ráo vào Việt Nam cũng bị gạt tiền catsê thường xuyên nếu không có người hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm” – Ruvenla (22 tuổi), một người mẫu gốc Ba Lan, cho biết.

Nghe bạn bè rủ rê, Ruvenla rời ghế nhà trường và đáp máy bay đến Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội.

Ngay sau khi đến sân bay, cô được giới thiệu làm freelance (làm tự do, không gò bó về thời gian, nơi làm việc…) cho một công ty chuyên cung cấp mẫu, PG có văn phòng tại Vũng Tàu.

Sau vài show chụp hình ngoại cảnh khá suôn sẻ thì người quản lý của công ty này đột ngột biến mất và mang theo toàn bộ tiền catsê của Ruvenla cùng nhiều bạn diễn khác. Lúc này, vì không biết tiếng bản ngữ, Ruvenla chỉ còn cách cắn răng chấp nhận bị lừa.

Những tháng ngày sau đó, cô buộc lòng phải liên hệ với tất cả bạn bè để vay mượn tiền tiếp tục ở lại Việt Nam.

Và để có tiền mưu sinh, Ruvenla chấp nhận chạy sô nhiều công việc khác nhau như làm mẫu chụp ảnh, dance, tiếp thị rượu… để chờ đợi thời cơ được làm người mẫu.

Trầy trật bám trụ

Qua lời kể của Ruvenla, hầu hết những người mẫu nghiệp dư như cô sống tạm bợ trong những căn phòng trọ chật hẹp, cũ kỹ ở các khu trọ bình dân tại Q.2, Q.7 hoặc Q.Thủ Đức…

Công việc của họ thường không cố định, ai thuê gì làm nấy miễn là có đủ tiền trọ và lo chi phí ăn uống hằng ngày.

Lusica – một người mẫu sống cùng phòng trọ với Ruvenla – chia sẻ để có tiền gửi về quê nhà, cô và bạn trai sẵn sàng làm năm bảy công việc khác nhau.

Thậm chí có những lúc ít show, họ phải xin vào làm việc tại các phòng gym hoặc đi dạy thêm tiếng Anh cho trẻ em.

Lusica chìa mấy cuốn tập dạy tiếng Anh cho tôi coi rồi cười rạng rỡ nói: “Tháng nào may mắn có vài show quảng cáo, chụp hình mẫu của thương hiệu lớn thì còn có ít tiền gửi về nhà. Còn ít show thì phải đi kiếm thêm nhiều việc lặt vặt khác để làm, rất vất vả”.

Mỗi ngày chỉ ngủ vài giờ đồng hồ, Anthony – mẫu nam gốc Anh – dành thời gian làm việc quần quật để dành dụm tiền theo học các lớp diễn thời trang chuyên nghiệp.

Vừa kết thúc buổi chụp hình nhà mẫu tại Q.7, mặc cho mồ hôi nhễ nhại, Anthony vội vã rời phim trường ra về cho kịp giờ trông coi tiệm net của một người quen để kiếm thêm thu nhập.

Theo Anthony: “Mẫu Tây tại Việt Nam còn sống chật vật vì quá ít show diễn. Tiền catsê đôi khi chỉ đủ lo chi phí đi lại, thuê trang phục. Có những tháng quá “đói” show, chúng tôi sẵn sàng làm PG hoặc một số công việc khác để có tiền thuê nhà, lo chi phí ăn uống”.

Khi được hỏi tại sao lại chọn Việt Nam mà không phải những quốc gia có ngành công nghệ thời trang phát triển, Anthony không ngần ngại trả lời: “Thị trường mẫu ở Việt Nam đang trên đà phát triển.

Làm việc ở Việt Nam, chúng tôi có cơ hội hợp tác với các nhiếp ảnh gia hàng đầu, được chụp cho các tạp chí và thương hiệu cao cấp.

Điều này rất khó thực hiện nếu chúng tôi làm việc trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt như Paris, Milan hay New York. Thời gian làm việc ở Việt Nam giúp tôi có một hồ sơ đẹp để thâm nhập các thị trường khác”.

Chật vật kiếm sống là vậy, nhưng khi đêm về, những người mẫu ngoại quốc vẫn cặm cụi tập viết, tập đọc tiếng Việt.

Trở lại căn phòng trọ nhỏ của Ruvenla ở Q.Thủ Đức, lúc này cả ba cô gái trong phòng vừa kết thúc ca làm việc ở một trung tâm mua sắm trở về và bắt đầu hướng dẫn nhau học tiếng Việt thông qua bài hát.

Họ dạy cho nhau những dòng chữ, cách phát âm, dù âm từ còn gượng gạo nhưng ở họ toát lên một sự khát khao, niềm tin vào tương lai.

“Chúng tôi tin rằng chỉ cần có cố gắng, một thời gian nữa thôi chúng tôi sẽ trở thành siêu mẫu trên những sàn diễn đẳng cấp tại Việt Nam” – Ruvenla nói, khuôn mặt ánh lên nét tự tin và sự gắn bó với mảnh đất Việt Nam mà cô đã chọn lựa.

Không phải miền đất hứa

Chị Nguyễn Vân Anh – phó giám đốc một công ty chuyên cung cấp mẫu nước ngoài – chia sẻ thời trang Việt Nam lâu nay vẫn lấy phương Tây làm tiêu chuẩn thước đo, nên sinh ra tâm lý mẫu Tây là sang trọng, phù hợp với marketing hơn.

Do vậy, người ta sử dụng mẫu Tây cả trong thời trang lẫn trong các event nhằm thể hiện đẳng cấp, làm mới mẻ thương hiệu.

Thế nhưng, xu hướng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Có thời điểm mỗi mẫu Tây bình quân một tháng nhận vài chục show là chuyện bình thường, nhưng bây giờ mỗi tháng chỉ còn vài ba show.

“Việc sử dụng mẫu Tây diễn ra như một trào lưu mới lạ. Sau khi trào lưu này lắng xuống, hàng loạt mẫu Tây rơi vào trạng thái không biết phải làm gì và đi về đâu” – chị Nguyễn Vân Anh nói.

Cũng theo chị, người mẫu từ nước ngoài đến nước ta ngày càng nhiều nhưng hiếm người đạt được thành công như mong đợi.

Phần lớn người mẫu rơi vào tình trạng đến Việt Nam vài năm vẫn không phát triển được nên buộc phải quay về nước hoặc chuyển sang kiếm một công việc khác ổn định hơn để làm.

Anh Lương – một nhiếp ảnh gia đã làm việc với trên 30 người mẫu đến từ nhiều quốc gia khác nhau – nói: “Nhìn chung, mẫu Tây họ có ưu điểm là làm việc rất chuyên nghiệp. Có lần tôi chụp một chủ đề ảnh khó phải di chuyển trong rừng để thực hiện bộ ảnh. Khi mời người mẫu Việt thì các bạn kỳ kèo không chịu nhận.

Cuối cùng, cũng chính chủ đề đó, một mức catsê tương đương, một mẫu Tây khác lại sẵn lòng nhận làm và rất cố gắng để cùng chúng tôi hoàn thành tác phẩm.

Nếu so với mẫu Việt, catsê của mẫu Tây cũng không chênh lệch quá nhiều, mẫu cao cấp thường chỉ nhận show từ các công ty thời trang, tạp chí có hợp đồng rõ ràng… với mức catsê từ 6-10 triệu đồng cho một buổi diễn kéo dài khoảng 4 tiếng.

Còn mẫu bình dân thì sẵn sàng làm bất kỳ công việc gì trong giới hạn cho phép, đa số thông qua thỏa thuận miệng với tiền thù lao chỉ tầm 2 triệu đồng/buổi làm việc trong vòng 3-4 tiếng.

Theo Thu Dung/Tuổi trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: